NĐT nước ngoài: Giao dịch cầm chừng và ngược chiều!
Theo báo cáo phân tích thị trường của nhiều CTCK, giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thời gian qua có những phiên mua ròng xen kẽ với bán ròng, thay đổi đầy bất ngờ và thường ngược chiều với diễn biến của thị trường. Từ đầu tháng 4 đến nay, các chứng khoán được họ mua nhiều nhất là DPM, SSI, PPC, VF4… nhưng sau đó, đây cũng là các chứng khoán bị bán ra mạnh nhất.
Xét về giá trị, giao dịch mua và bán của khối ngoại xoay quanh mức 10% toàn thị trường - thấp nhất trong nhiều tháng qua. Trước đó, trong quý I, tỷ trọng giá trị mua/bán của nhà ĐTNN còn thu hẹp dần qua từng tháng, lần lượt là 21,7%/18,8%; 15,8%/19,8% và 13,4%/11,46%, ngược chiều với sự phục hồi của thị trường.
Trước tháng 4, cổ phiếu ngân hàng luôn dành được sự đón nhận nồng nhiệt của NĐT cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhưng nửa đầu tháng 4, họ thường xuyên bán ra cổ phiếu STB, từ 1 - 2 triệu đơn vị/ngày. Cuối tuần trước, tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN với cổ phiếu STB là 27,63%, “hở” 2,37% “room”. Khi STB mới lên sàn vào tháng 7/2006, “room” được lấp kín sau 1 tuần và tỷ lệ sở hữu tối đã 30% luôn được duy trì sau đó. Hiện “hàng hiệu” đang được bán giá hạ, nhưng người mua chưa mặn mà.
Theo các thông tin công bố, tháng 4, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm như Citigroup và Deutsches Bank tham gia thị trường khá tích cực thì các tên tuổi kỳ cựu khác lại thể hiện những thái độ khác nhau. Vietnam Opportunity Fund - quỹ do VinaCapital quản lý đã gây chú ý khi đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu HPG. Một tổ chức thâm niên khác là Dragon Capital khá im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất ra ngày 23/4 của Vietnam Enterprise Investment Fund - quỹ đầu tư cổ phiếu do Dragon Capital quản lý, tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt của Quỹ bắt đầu có sự dịch chuyển so với trước đó 2 tuần. Nhóm cổ phiếu các công ty niêm yết tăng tỷ trọng từ 56% lên 61%, tiền mặt tăng từ 6% lên 7%, tỷ lệ trái phiếu giảm từ 8% xuống 6%. Về nhóm ngành, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, giao thông tăng từ 1 - 4%, trong khi tỷ trọng nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, thực phẩm giảm xuống tương ứng… Cái nhìn về thị trường của các NĐT tổ chức dường như cũng không cùng một hướng!
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc phân tích CTCK SMES nhận xét, việc công bố thông tin bấy lâu nay khiến thị trường đang đồng nhất khối nhà ĐTNN thành một chủ thể duy nhất. Điều này khá sai lầm. Thực tế, cũng giống như NĐT trong nước, nhà ĐTNN bao gồm nhiều cá nhân và tổ chức (tính đến ngày 1/4/2009, có 937 tổ chức và 11.982 cá nhân ĐTNN được cấp mã số giao dịch trên TTCK Việt Nam). Trong đó, động thái giao dịch của các tổ chức đầu tư mới thực sự đáng lưu tâm. Bởi lẽ, họ là thành phần trụ cột, có ảnh hưởng đến xu hướng thị trường. Nhưng ở thời điểm hiện tại, vai trò dẫn dắt các NĐT tổ chức khá mờ nhạt.
Theo ông Kevin SnowBall, Tổng giám đốc PXP VietNam Asset Management, với giá trị giao dịch cả thị trường chừng vài chục triệu USD/phiên và giá trị mua/bán ròng của nhà ĐTNN một vài triệu USD/ngày thì sự tham gia của các nhà ĐTNN tổ chức trên TTCK Việt Nam chưa có gì đáng kể, khó có thể trở thành một lực lượng dẫn dắt thị trường.
Về diễn biến thị trường nói chung, ông Phan Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Vincom cho rằng, nhu cầu bán của các tổ chức vẫn đang tồn tại là nguyên nhân khiến thị trường có thể tăng/giảm, đảo chiều liên tục. Các NĐT dài hạn vẫn đang trong trạng thái thăm dò, trong khi các NĐT ngắn hạn chưa có được sự ổn định tâm lý cần thiết để tăng cường việc tích lũy cổ phiếu. Vì vậy, lượng mua ròng/bán ròng của nhà ĐTNN đều ở mức thấp, chỉ đột biến trong một vài phiên khi có các lệnh mua - bán lớn, tập trung vào một vài mã cổ phiếu. Động thái giao dịch của các nhà ĐTNN đảo chiều liên tục mà không hình thành một xu hương rõ nét, ổn định. Phỏng đoán về điều này, ông Tuấn cho rằng, trong con mắt của các quỹ, có thể chứng khoán đã qua thời điểm tồi tệ nhất. Tuy nhiên, thị trường mất bao lâu để hồi phục thì ngay cả các NĐT tổ chức cũng chưa có câu trả lời chắc chắn. Điều này đang thể hiện qua thái độ giao dịch cầm chừng và khá trái chiều của khối ngoại.
Một số giao dịch của nhà ĐTNN
Nguồn: HOSE, HASTC |
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|