Cổ tức bị “xù”, cổ đông nhỏ hỏi ai?
Hội đồng quản trị CTCP Xi măng Sông Đà (HaSTC: SCC) có Nghị quyết tạm ứng cổ tức năm 2008 với tỷ lệ 18%. Ngày 9/3/2009 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, giá cổ phiếu đã bị trừ đi 1.800 đồng. Nhiều nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu SCC sau ngày chốt quyền đã bán đi và đinh ninh tới đây mình sẽ được nhận tiếp cổ tức 1.800 đồng/CP. Bất ngờ sau đó, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) công ty này lại chỉ thông qua phương án trả cổ tức 15% (1.500 đồng/CP). Nhà đầu tư bức xúc đề nghị sớm có thông tin về việc phần cổ tức chênh lệch 300 đồng/CP sẽ xử lý ra sao? Song lãnh đạo doanh nghiệp lại lúng túng không biết sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp này.
Anh Lê Mạnh Cường, một NĐT tại Hà Nội bức xúc: “Sau ngày chốt danh sách, tôi đã bán cổ phiếu của mình, như vậy tôi vẫn được hưởng cổ tức của năm 2008 là 18%, bởi khi tôi còn sở hữu, giá cổ phiếu đã điều chỉnh giảm tương ứng, nhưng đến nay Công ty chỉ trả cổ tức với tỷ lệ là 15%. Rất nhiều nhà đầu tư khác cũng nằm trong tình trạng này. Vậy cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ lợi ích cho tôi (khoản 300 đồng/CP bị thiệt hại)? Làm thế nào để tôi có thể nhận lại phần lợi ích hợp pháp của mình?”.
SCC có vốn điều lệ xấp xỉ 20 tỷ đồng, hiện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn Hà Nội. Nghị quyết ĐHCĐ Công ty họp hôm 16/4/2009 đã thông qua kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2008 với doanh thu 71 tỷ đồng, đạt 95,12% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế 5,3 tỷ đồng, bằng 79,9% kế hoạch năm. ĐHCĐ cũng quyết định sử dụng 2,96 tỷ đồng, chi trả cổ tức với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Cổ tức được chi trả cho cổ đông theo danh sách chốt ngày 6/3/2009 do Trung tâm Lưu ký chứng khoán cấp.
Liệu có phải Hội đồng quản trị SCC đã vung tay quá trán khi quyết định tạm ứng cổ tức 18%? Ông Đào Quang Dũng, Tổng giám đốc Công ty cho biết, căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2008 đã được kiểm toán, Hội đồng quản trị SCC đã quyết định tỷ lệ cổ tức dự kiến như trên. Trên thực tế, lợi nhuận của doanh nghiệp đủ để trả cổ tức ở mức 18%, trong phiên họp ĐHCĐ năm 2009, lãnh đạo SCC cũng đưa ra phương án 18% để cổ đông biểu quyết, song nhiều cổ đông lớn muốn giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư trong năm nay (hiện cổ đông nhà nước - Tổng công ty Sông Đà sở hữu 37% vốn điều lệ, Sông Đà 12 sở hữu 20% vốn điều lệ...), cuối cùng tỷ lệ cổ tức 15% được chốt. Giờ bản thân lãnh đạo Công ty cũng không biết sẽ xử lý ra sao với những trường hợp nhà đầu tư bị thiệt thòi về quyền lợi.
Trao đổi với ĐTCK, một cán bộ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phụ trách vấn đề này cho hay, doanh nghiệp thực hiện trả cổ tức bằng tiền không phải báo cáo UBCK, do đó Ủy ban chưa nắm được thông tin về trường hợp này. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, ĐHCĐ là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định việc chi trả cổ tức của doanh nghiệp. Trên thực tế, có những doanh nghiệp lợi nhuận trong năm không đủ để chi trả cổ tức theo tỷ lệ đã được ĐHCĐ thông qua, song họ có thể sử dụng lợi nhuận tích lũy để lại từ các năm trước để trả đủ cho cổ đông. Riêng trường hợp của SCC, giá cổ phiếu trên sàn đã điều chỉnh giảm 1.800 đồng/CP từ ngày 9/3/2009 (ứng với tỷ lệ cổ tức 18%), nay doanh nghiệp chia cổ tức 15%, về mặt kỹ thuật điều chỉnh giá cổ phiếu tăng thêm 300 đồng không có gì khó, nhưng sẽ giải quyết ra sao để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư đã mua/bán cổ phiếu vào thời điểm chốt quyền lại rất khó. UBCK cũng chưa giải quyết vướng mắc nào tương tự như vậy trong việc trả cổ tức.
Tuy chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ mất mát trên số lượng cổ phiếu sở hữu của các nhà đầu tư cá nhân cũng không lớn, nhưng trường hợp hy hữu của SCC lại đang gây bức xúc cho nhiều nhà đầu tư. Đồng thời, sự cố ngoài mong muốn này có thể xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những công ty có xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước và cổ đông nhà nước vẫn sở hữu một lượng lớn cổ phiếu. Vì vậy, UBCK, HASTC và bản thân doanh nghiệp cần có buổi làm việc để tìm hướng giải quyết ổn thỏa nhất, đồng thời có khuyến cáo các doanh nghiệp để tránh những trường hợp tương tự về sau.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|