Thứ Hai, 17/11/2008 22:11

Vụ cá cược tiền tỷ và chuyện dài kỳ về chung cư

Dự án Hanoi Landmark Tower của tập đoàn Keangnam khởi công vào tháng 8/2007, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, lớn nhất Hà Nội tại thời điểm đó. Tổ hợp này gồm căn hộ cao cấp, khách sạn, khu dịch vụ và văn phòng với 2 tòa tháp 48 tầng (gồm 918 căn hộ) và một tháp 70 tầng.

Vụ cá cược với giá trị lên tới 100 tỷ đồng giữa một số cựu chiến binh và chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam đang nóng dần lên với những thông tin “quyết tâm” từ cả hai phía. Nhưng, rốt cuộc thì vụ cá cược này sẽ đi đến đâu?

Vụ cá cược hy hữu

Sự việc bắt đầu từ ngày 30/10, khi báo Cựu chiến binh Việt Nam đăng tải lá thư của nhóm cựu chiến binh và các kỹ sư phản ánh việc Keangnam bán nhà trên giấy và "hứa tặng 100 tỷ đồng" nếu Keangnam hoàn thành đúng tiến độ xây dựng là vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (10/10/2010).

Không vừa, ngay lập tức, Keangnam “phản pháo,” cho hay sẽ ký cam kết "đánh cược" 100 tỷ đồng cho tiến độ thi công tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Theo thông báo gửi báo giới ngày 13/11, Keangnam cam kết sẽ hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng đúng tiến độ. Trong trường hợp không kịp, Keangnam sẽ nộp phạt 100 tỷ đồng. Phía chủ đầu tư Keangnam cũng cho hay, công trình đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà 48 tầng.

Nhiều thông tin cho rằng Keangnam có khả năng “thắng cược” bởi họ chỉ cược là xong phần thô và tiểu cảnh bên ngoài, và ai cũng biết rằng phần hoàn thiện nội thất mới là phần lâu nhất của một khu xây dựng. Hơn nữa, theo tính toán của các kỹ sư xây dựng thì việc xây dựng móng và tầng hầm của tòa nhà sẽ chiếm thời gian chủ yếu, nếu Keangnam đã hoàn tất phần móng và đang triển khai hai tầng hầm thì hoàn thiện phần thô của hai tòa nhà 48 tầng và tòa nhà 70 tầng trong thời gian 23 tháng là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, ngoài công nghệ mới cho phép xây một tầng nhà chỉ mất khoảng 10 ngày, thậm chí ít hơn, và loại bỏ những yếu tố rủi ro bất khả kháng trong thi công, thì yếu tố đang được coi là quan trọng nhất và đang là nguyên nhân chính để các công trình xây dựng đình trệ chính là vốn. Mà về khoản này, xem ra Keangnam không quan ngại!

Kinh doanh kiểu “nấu cháo rìu”

Ai cũng hiểu rằng các nhà chung cư hầu hết được xây dựng dưới hình thức “nấu cháo rìu”, có nghĩa là, chủ đầu tư bỏ tiền thuê đất, lệ phí xây dựng phần móng sau đó thì thu tiền từ các nhà đầu tư bất động sản, những người có nhu cầu mua bất động sản cho kinh doanh và nhà ở. Tại bài báo ra ngày 30/10 tại báo Cựu chiến binh Việt Nam, các tác giả đã nêu một số con số rất cụ thể: Bằng hình thức bán nhà trên giấy, tập đoàn Keangnam Enterprises đã thu được một số lượng vốn rất lớn ở trong nước, mà xét đến cùng là họ mới bỏ ra chừng 20 triệu USD để đầu tư thuê đất, lệ phí xây dựng.

Một khách hàng mua căn hộ của Keangnam cho biết, ngay khi xem nhà mẫu, có nhu cầu mua, khách hàng đã phải đặt cọc 20.000 USD/căn, sau đó 10 ngày phải đóng vào 20% tổng trị giá căn hộ và cứ tiếp tục 3 tháng đóng thêm 10% nữa cho đến hến năm 2009 là chủ hộ phải đóng đủ 70% hợp đồng. 30% hợp đồng còn lại sẽ được thực hiện khi bàn giao căn hộ vào cuối năm 2010.

Khách hàng này cũng cho hay, chị đặt mua nhà vào giữa tháng 8, nhưng đến 31/10 vừa qua đã phải đóng tiền cho đợt 2 (chưa đầy 3 tháng) bởi nếu đóng chậm thì chủ đầu tư sẽ tính lãi suất 150%. Như vậy, nếu như con số báo chí đưa rằng ngay trong đợt 1, Keangnam đã bán hơn 400 căn hộ thì số tiền họ thu về đến nay là không nhỏ. Tính trung bình, các căn hộ tại tòa nhà Keangnam có diện tích 100-200m2/căn, và giá bán là khoảng 3000 USD/m2.

Nếu tính bình quân thì mỗi căn hộ có giá khoảng nửa triệu USD (nhiều căn có giá cao hơn rất nhiều ví dụ như căn penthouse có giá lên tới trên 1 triệu USD), thì 400 căn hộ đã bán đem về cho Keangnam khoản thu ước tính khoảng 70 triệu USD. Nếu bán hết hơn 900 căn hộ của hai tòa nhà 48 tầng, thì 70% tổng giá trị Keangnam thu về vào cuối năm 2009 đã là khoảng nửa tỷ USD, bằng 50% số vốn đăng ký.

Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư được phép bán căn hộ khi thiết kế đã được phê duyệt, công trình đã hoàn thành phần móng, và chủ đầu tư không được thu tiền quá 70% giá trị hợp đồng.

Chính vì vậy vào cuối tháng 10 vừa qua, đã có nhiều phản ánh về việc chủ đầu tư Keangnam đã bán 40% số căn hộ của hai tòa tháp 48 tầng khi chưa đủ điều kiện. Điều này đã khiến Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Phí Thái Bình kiểm tra và báo cáo lên Thủ tướng.

Ngư ông nào đắc lợi?

Quay trở lại vụ “cá cược”, dư luận có đặt ra câu hỏi nhiều chiều cho cả hai bên. Một trong những câu hỏi được đề cập nhiều nhất là: Hội cựu chiến binh lấy đâu ra từng ấy tiền để đặt cọc, và trong trường hợp thua thì họ có khả năng chi trả khoản tiền lớn như vậy hay không?

Với Keangnam thì bài toán có vẻ đơn giản hơn rất nhiều, họ không đặt cọc bằng tiền mà bằng 11 căn hộ tầng 6 tòa tháp 48 tầng và một căn hộ penthouse có tổng giá trị tương đương. Nếu tập đoàn này không hoàn thành công trình đúng như cam kết, Kho bạc Nhà nước Hà Nội sẽ bán số căn hộ. Trong trường hợp số tiền bán căn hộ không đủ 100 tỷ đồng, Keangnam sẽ bù thêm tiền. Như vậy, thực tế là họ đang đặt cọc cái mà họ chưa có, và nếu thua, cho đến thời điểm vụ cá cược có hiệu lực, họ cũng sẽ chỉ mất những căn hộ dang dở, chưa hoàn thiện.

Đã có một số ý kiến đặt ra là có "chân gỗ" hay không trong vụ cá cược này, nhằm giúp Keangnam hút thêm các khách hàng khi mà đợt bán nhà lần 2 của họ đang khá bế tắc về khách hàng? Đồng thời, có nhiều thông tin cho hay các khách hàng của đợt 1 cũng đang trả lại nhà, chấp nhận chịu phạt do không tin vào tiến độ thi công và cách thúc giục đóng tiền cấp tập của chủ đầu tư.

Theo thông tin từ cả hai phía, họ sẵn sàng cho cuộc gặp mặt vào chiều mai, 18/11, để bàn thảo chi tiết về việc ký cam kết. Tuy nhiên, trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình cho hay chưa nhận được báo cáo của chủ đầu tư về vấn đề này và nhấn mạnh yếu tố “đúng luật pháp” trong vụ cá cược hy hữu này.

Khu tổ hợp Keangnam nếu hoàn thành đúng tiến độ sẽ là một địa điểm đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến, một dấu nhấn kiến trúc cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là mong muốn của không chỉ lãnh đạo mà cả hàng triệu người dân Hà Nội. Với những người đã tham gia mua căn hộ ở đây, họ cũng mong sẽ có được nơi ở, kinh doanh xứng đáng với đồng tiền, bát gạo và lòng mong đợi của mình như cam kết của chủ đầu tư. Thiết nghĩ, đó mới là cái đích lớn nhất!

Hàn Giang

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giá vé máy bay có thể vượt 1,7 triệu đồng (17/11/2008)

>   Jetstar Pacific lập tổ hành khách bí mật (17/11/2008)

>   Công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu: Cần một cú hích mạnh (17/11/2008)

>   Gạo ngoại tràn ngập thị trường (17/11/2008)

>   Năng lực cạnh tranh của Bạc Liêu thấp, vì sao? (17/11/2008)

>   Gần 1.000 dự án, công trình chưa báo cáo quyết toán (17/11/2008)

>   Hạ thủy an toàn tàu 6.500 DWT (17/11/2008)

>   4/12: Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (17/11/2008)

>   Tăng thuế nhập khẩu cứu ngành thép: Coi chừng người tiêu dùng lãnh đủ! (17/11/2008)

>   “Đau đầu” chuyện nhân lực hàng hải (17/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật