Thứ Hai, 17/11/2008 17:19

Công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu: Cần một cú hích mạnh

Nếu như ngành đóng tàu Việt Nam đã có một bước tiến dài trong gần chục năm trở lại đây thì ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) đóng tàu mới chập chững. 

CôngThương - Khắc phục sự khập khễnh đó như thế nào là nội dung chính của Hội thảo “Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành đóng tàu Việt Nam” do Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tổ chức.

Nội địa hóa mới đạt… 10% ?

Không ít người cho rằng, ngành CNPT đóng tàu của Việt Nam phát triển quá chậm trễ là do hoạch định chính sách. Tuy nhiên, đây là một tất yếu khách quan, bởi lẽ, khi thị trường đóng tàu thế giới có sự chuyển dịch từ các nước tiên tiến sang các nước đang phát triển thì Việt Nam không thể chờ đợi ngành CNPT phát triển mà phải chớp lấy cơ hội để thúc đẩy ngành đóng tàu tăng tốc. Chính sự bứt phá mạnh mẽ của Vinashin- đại diện của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam- trong những năm gần đây khiến cho các ngành CNPT không thể theo kịp và vô hình chung tạo ra một khoảng trống lớn giữa trình độ đóng, lắp ráp vỏ tàu với khả năng cung cấp vật liệu, thiết bị cho con tàu. Đây là nguyên nhân cho đến nay có trên 90% nguyên, vật liệu, trang thiết bị phục vụ đóng, sửa chữa tàu biển trong nước phải nhập khẩu. Vì thế, mong muốn tỷ lệ nội địa hóa đạt 70% vào năm 2020 mà ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đề ra là một tham vọng đáng hoan nghênh nhưng buộc phải nỗ lực rất lớn.

Công bằng mà nói thì mấy năm gần đây, ngành CNPT Việt Nam đã đầu tư và sản xuất thành công một số vật liệu, thiết bị cho ngành công nghiệp tàu thủy như: vật liệu hàn chất lượng cao (Nasico), sơn (Công ty CP sơn Hải Phòng), cầu trụ, cổng trục cỡ lớn (Xí nghiệp cơ khí Quang Trung), nội thất (Công ty công nghiệp tàu thủy Shinec), máy cắt kim loại (Viện máy và dụng cụ công nghiệp), bơm (Công ty CP chế tạo bơm Vinashin- Hải Nam), thép (Công ty thép Cửu Long-Vinashin)… Tuy nhiên những thành tựu này còn nhỏ bé so với trình độ đóng vỏ tàu.

Cần sự hỗ trợ tích cực từ nhà nước

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cho rằng, muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì trước hết phải phát triển ngành công nghiệp cơ khí, mà muốn vậy Vinashin nên chủ động nhận sứ mệnh làm nòng cốt cho toàn ngành cơ khí, tức là là bảo đảm đặt hàng ổn định cho các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ, có như vậy thì ngành cơ khí mới có điều kiện để phát triển.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung cho rằng, cần có cơ chế cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo cơ khí, chính sách tiêu thụ sản phẩm, miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ cho ngành cơ khí, đặc biệt phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được xếp loại vì đây được coi là hạt giống của đất nước. Kiến nghị của ông Cường đã được Thứ trưởng Lê Dương Quang giải đáp ngay khi cho biết Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ để phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Cũng băn khoăn về vốn, ông Ngô Thế Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam nói: “Nhu cầu vốn cho phát triển các ngành CNPT khoảng 2 tỷ USD, vì vậy rất cần sự phối hợp rất tốt giữa các ngành với Vinashin mới đảm bảo việc đầu tư đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí cho xã hội. Nhà nước cần có cơ chế thật hợp lý nhất là đối với việc huy động vốn và thuế đánh vào nhà thầu phụ nước ngoài trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc hướng dẫn đào tạo sử dụng”. Trong khi đó, ông Nguyễn Kỳ Hình, Cục phó Cục đăng kiểm Việt Nam lại cho rằng, cần chú trọng xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và thiết kế tàu thủy; tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở đóng tàu lớn, hiện đại, không nên phát triển các cơ sở đóng tàu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu”.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó tổng giám đốc Nasico- đơn vị không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực đóng tàu mà còn đi đầu trong việc phát triển CNPT với việc đầu tư và sản xuất thành công vật liệu hàn- cho biết: Hiện nay sản phẩm của công ty được dùng rộng rãi trong các DN đóng tàu và xuất khẩu. Ngành công nghiệp đóng tàu đòi hỏi yêu cầu cao về công nghệ, kỹ thuật, là sự tổng hợp của nhiều ngành như luyện kim, hóa chất, điện, điện tử… Do vậy, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành, các nhà khoa học trong việc thiết kế, chế tạo, chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực, đặc biệt cần có sự hỗ trợ về vốn, mặt bằng để triển khai các dự án”.

Hội thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phát triển ngành công nghiệp tàu thủy như nguồn nhân lực, sửa chữa tàu biển, công nghiệp luyện kim, thiết kế và thử nghiệm tàu… Tuy nhiên mọi ý kiến đều có chung một quan điểm là cần có một cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước làm đòn bẩy thì ngành CNPT Việt Nam mới nhanh chóng đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành đóng tàu.

Mạnh Cường

công thương

Các tin tức khác

>   Gạo ngoại tràn ngập thị trường (17/11/2008)

>   Năng lực cạnh tranh của Bạc Liêu thấp, vì sao? (17/11/2008)

>   Gần 1.000 dự án, công trình chưa báo cáo quyết toán (17/11/2008)

>   Hạ thủy an toàn tàu 6.500 DWT (17/11/2008)

>   4/12: Khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (17/11/2008)

>   Tăng thuế nhập khẩu cứu ngành thép: Coi chừng người tiêu dùng lãnh đủ! (17/11/2008)

>   “Đau đầu” chuyện nhân lực hàng hải (17/11/2008)

>   Nhóm thách cược 100 tỷ đồng sẵn sàng ký cam kết (17/11/2008)

>   Cần quỹ tài chính khẩn cấp giải cứu "bất động sản" (17/11/2008)

>   Dệt may trên “sân nhà”: Hai vấn đề cần giải quyết (17/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật