Gạo ngoại tràn ngập thị trường
Gạo Campuchia, gạo Thái Lan tràn qua các tỉnh miền Tây Nam bộ với số lượng lớn trong những ngày gần đây. Khó khăn của người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chưa được khai thông nay lại phải đối đầu với gạo ngoại giá rẻ khiến cho người trồng lúa càng lao đao..
Theo Chi cục quản lý thị trường (QLTT) An Giang, trên tuyến biên giới An Giang- Campuchia, gạo từ Campuchia, gạo Thái Lan xuất sang Việt Nam ngày càng nhiều. Tại khu vực Tịnh Biên (An Giang) khoảng nửa tháng nay, từ sáng đến tối mịt từng đoàn xe ba gác, xe thồ, ghe thuyền của Campuchia chở đầy lúa sang bán cho các thương lái của Việt Nam. Ước tính, lượng lúa, gạo từ Campuchia đổ sang An Giang từ 1.000- 1.500 tấn/ngày. Lúa Capuchia sang biên giới tiêu thụ chủ yếu là loại hạt dài và hạt nhỏ. Lúa hạt dài giống của Thái Lan bán tại Tịnh Biên 5.200 đồng/kg, lúa hạt nhỏ giống của Campuchia khoảng 4.900- 5.000 đồng/kg. Nhiều thương lái cho biết, hai loại lúa trên của Campuhia và Thái Lan cho gạo thơm ngon, nên được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, đặc biệt là khu vực thành thị.
Ngoài địa bàn An Giang, khu vực biên giới Thường Phước tỉnh Đồng Tháp, Hà Tiên (Kiên Giang), Bến Cầu (Tây Ninh) và các huyện biên giới tỉnh Long An cũng là những “cửa” lúa và gạo ngoại vẫn “chảy” qua biên giới với số lượng lớn. Gạo từ biên giới Tây Nam qua chủ yếu chuyển đi các nơi như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rại- Vũng Tàu… tiêu thụ.
Gạo ngoại giá rẻ khiến cho gạo sản xuất trong nước rớt giá và xuất hiện tình trạng “bán hàng đại hạ giá” ở vỉa hè. Tại một số tuyến đường chính quận 12, khu vực chợ Bình Đăng quận 8, xã Trung Chánh huyện Hóc Môn, Phước Long B quận 9 mấy ngày nay đã xuất hiện nhiều điểm bán gạo di động bên đường với giá rẻ. Tại các điểm này, giá gạo chỉ 5.000- 6.000 đồng/kg, rẻ hơn 2000-3.500 đồng/kg so với giá gạo thường loại thấp giá. Gạo giá rẻ bán tại đây thường là loại IR 50404, chủ yếu đưa từ miền Tây Nam bộ lên. Đây là hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp đã đưa gạo đi các nơi để giải phóng hàng tồn.
Lúa gạo Campuchia và Thái Lan đang tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có ưu điểm thơm, dẻo, ngon phù hợp với sở thích của người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó vựa lúa tại miền Tây Nam bộ chỉ tập trung trồng loại lúa cao sản như loại IR50404, loại gạo này chất lượng thấp, bụng bạc nên khó tiêu thụ. Nhiều địa phương và người nông dân có ý định chọn các giống lúa khác để thay thế giống lúa này cho vụ đông xuân 2008-2009. Nhưng việc thay đổi giống IR 50404 không dễ dàng vào thời điểm này.
Tại tỉnh Sóc Trăng, đang có kế hoạch xuống giống khoảng 140.000 ha, trong đó có khoảng 15-20% diện tích tiếp tục sử dụng giống IR 50404 và OM 576. Vụ hè thu vừa qua Sóc Trăng có khoảng 1/4 diện tích sử dụng giống IR 50404 và 15% diện tích sử dụng giống OM 576. Lúa IR 50404 rớt giá chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán. Nhiều nông dân không có điều kiện chuyển đổi giống và buộc phải tiếp tục làm giống lúa IR 50404 và lúa OM 576 (chiếm 1-2% diện tích toàn tỉnh).
Trong vụ đông xuân 2008-2009, diện tích gieo sạ lúa tại TP. Cần Thơ dự kiến khoảng 90.300 ha. Sở Nông nghiệp Cần Thơ đã khuyến cáo nông dân loại bỏ hẳn giống OM 576, hạn chế tối đa giống IR 50404, thay thế bằng giống Jasmin 85. Dự kiến giống lúa mới Jasmin 85 chiếm khoảng 40-50% diện tích.
Thanh Hải- Thế Vĩnh
công thương
|