Tôm, cá khó đi xa?
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Khi kinh tế Mỹ và nhiều nước trên thế giới gặp khó, dĩ nhiên chuyện phải đến là con cá, con tôm xuất khẩu của Việt Nam sẽ sựng lại!
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vẫn xuất được trên 930.000 tấn thủy sản các loại, đạt kim ngạch tương đương 3,35 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.
“Nhưng sản lượng xuất khẩu của quí 4 đang giảm dần, nhất là mặt hàng cá”, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cho biết. Về khả năng đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, ông Hải chỉ dự đoán… cầm chừng là “…có thể đạt”.
Cầm chắc là khó!
Những ngày gần đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), luôn phải đối mặt với những tình huống tế nhị, đó là từ chối một số khách hàng. Không phải Minh Phú gặp khó về khả năng cung ứng, mà nguyên nhân chính là không… muốn bán.
“Trước đây cứ nhận hàng là giao tiền. Còn bây giờ, họ luôn đòi trả chậm, do bản thân họ cũng phải cho khách hàng trong nước thiếu hơn một tháng. Mà như vậy thì làm sao chúng tôi dám bán”, ông Quang cho biết.
Khủng hoảng kinh tế khiến Mỹ và nhiều nước thắt chặt tín dụng, làm nhiều khách hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam như Minh Phú phải rơi vào tình trạng thiếu vốn như trên. Mà từ chối bán mãi cũng không được!
“Chúng tôi đang tìm cách thương thảo lại với khách về cách thức thanh toán. Đồng thời, cũng phải chọn lọc lại khách hàng”, ông Quang nói. Và ông thừa nhận, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú sẽ buộc phải sựng lại trong tháng 10 này.
Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, kể rằng doanh nghiệp của ông cũng vừa phải ngừng triển khai một chương trình hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc. “Đồng tiền Hàn Quốc vừa mất giá khoảng 40% do chính sách phá giá đồng nội tệ của họ… Đó cũng là lý do khiến các đối tác Hàn Quốc tạm ngừng hết mọi chuyện hợp tác, làm ăn”, ông nói.
Một trong các doanh nghiệp xuất khẩu cá hàng đầu của Việt Nam là Agifish (An Giang), tuy trước mắt chưa gặp khó khăn gì về đầu ra, nhưng ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc, vẫn khá bi quan về tình hình sắp tới. “Chắc chắn là đơn đặt hàng sẽ giảm”, ông nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Thành Khôn, Giám đốc kế hoạch của Công ty Thủy sản Bình An, còn đưa ra dự báo về thời điểm: “Cái khó sẽ phát sinh vào năm tới!”. Theo ông phân tích, khủng hoảng kinh tế sẽ khiến một số nước thiết lập lại việc bảo hộ mậu dịch, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời chính người tiêu dùng cũng tiết kiệm chi tiêu khiến thủy sản khó tiêu thụ mạnh, dù con tôm, con cá không phải là những mặt hàng xa xỉ.
Ông Trần Thiện Hải thừa nhận, dù chưa có thống kê, báo cáo cụ thể nhưng khó khăn về xuất khẩu trong thời gian tới đối với doanh nghiệp là khó tránh khỏi. Đã xảy ra tình trạng khách hàng “xù” hợp đồng dù trước đó đã có đơn đặt hàng cụ thể, số lượng hẳn hoi… “Không loại trừ trường hợp một số nhà nhập khẩu cũng rơi vào tình trạng phá sản vì khó khăn chung”, ông nói.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng hoạt động không mấy hiệu quả do lãi suất ngân hàng cao, khủng hoảng nguyên liệu, thiếu hụt công nhân, bị tôm thẻ chân trắng cạnh tranh gay gắt… Theo ông Quang, so với đầu năm, hiện chi phí đầu vào đã tăng khoảng 40%, trong khi giá đầu ra không tăng, thậm chí giảm. Ông Hải cho biết, hiện giá tôm sú vỏ cỡ 16-20 chỉ có giá khoảng 9,7 đô la Mỹ/ki lô gam, trong khi trước đây là 11 đô la Mỹ/ki lô gam…
Vừa “chạy”, vừa ngó quanh
Ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Trong tình hình này, chúng tôi buộc phải vừa “chạy” vừa ngó xung quanh”. Đó cũng là dự báo chung của nhiều doanh nghiệp, bởi chính họ cũng không thể đoán ảnh hưởng tiêu cực sẽ đến mức nào và kinh tế thế giới bao giờ hồi phục…
Tuy nhiên, theo ông Hải, điều tiếp tục làm bây giờ là phải đa dạng hóa thị trường, mở rộng khách hàng. Không quá chăm bẵm vào các thị trường lớn như Mỹ, EU mà các doanh nghiệp cần đẩy mạnh “khai phá” thêm các thị trường mới như các nước Hồi giáo… Chẳng hạn Malaysia, hàng năm nhập khẩu trên 300.000 tấn hải sản các loại. Dự báo nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản ở nước này ngày một tăng, từ mức 45 ki lô gam/người/năm hiện nay sẽ tăng lên 61 ki lô gam/người/năm vào năm 2010.
“Và phải cố giữ vững chất lượng cho bằng được!”, ông Hải khuyến cáo. Theo ông, các “sự cố” về chất lượng thực phẩm như sữa Trung Quốc… vừa qua lại chính là cơ hội để sản phẩm Việt Nam khẳng định chất lượng và chiếm lĩnh thị trường. Vấn đề còn lại là năng lực và bản lĩnh của các doanh nghiệp Việt Nam. “Người ta vẫn phải ăn tôm, ăn cá… dù kinh tế có khó khăn”, ông Hải nói.
Vifon mở thị trường mới
Ông Nguyễn Văn Bên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), cho biết nhiều đối tác của công ty ở Mỹ và châu Âu không còn muốn ký hợp đồng mua hàng dài hạn một năm như trước, mà muốn điều chỉnh số lượng đơn hàng mỗi tháng. Thêm vào đó, phía đối tác cũng siết chặt các điều kiện về giá, nếu muốn tăng giá, công ty phải báo trước 2-3 tháng và phải giải thích lý do.
Doanh thu từ xuất khẩu của Vifon trong năm 2008 dự tính tăng 20-25% so với năm 2007, chủ yếu là do tăng giá chứ sản lượng không tăng. Do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường truyền thống là Tây Âu và Bắc Mỹ chững lại, Vifon đang cố gắng thâm nhập mạnh vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines và một số quốc gia ở Đông Âu.
Cơ hội cho sản phẩm giá trung bình
Ông Vũ Thành Phát, Giám đốc Công ty Thương mại Mekong Lotus, cho rằng việc người tiêu dùng Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu chính là cơ hội để thực phẩm giá trung bình của Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính này. Theo thăm dò của Mekong Lotus, những mặt hàng thủy sản cao cấp như cá ngừ đại dương, tôm… bắt đầu sụt giảm, nhường chỗ cho các sản phẩm rẻ tiền hơn như cá ba sa, mực, bạch tuộc…
Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản có thể đầu tư cho sản phẩm chế biến vì nó mang lại lợi nhuận cao hơn so với xuất khẩu nguyên liệu. Theo đó, doanh nghiệp nên đa dạng hóa sản phẩm vì các sản phẩm chế biến hiện nay của Việt Nam chỉ mới phù hợp với khẩu vị của cộng đồng người Việt sống tại Mỹ và người châu Á như Singapore, Hàn Quốc… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến khâu đóng gói, bảo quản.
Hiện nhiều công ty thủy sản bắt đầu củng cố thị phần trong nước, phát triển hàng trăm sản phẩm chế biến từ cá da trơn cung cấp cho các nhà hàng và hệ thống siêu thị. “Người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu có thói quen sử dụng các sản phẩm thủy sản chế biến giá vừa rẻ lại vừa tiện lợi. Nếu biết khai thác tiềm năng của thị trường trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể đủ sức trụ vững khi thị trường thế giới lao đao”, một đại diện của Công ty Vĩnh Hoàn cho biết.
tbktsg
|