Thứ Bảy, 25/10/2008 09:54

Đề xuất thành lập 3 TCty phát điện:

"Cái bóng" EVN vẫn bao trùm

Để có thị trường điện cạnh tranh vào năm 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ, thì một trong những mục tiêu quan trọng là tái cơ cấu khâu phát điện, giảm dần vai trò độc quyền của EVN ở khâu này.

Tuy nhiên, trong đề án nhóm các Cty phát điện mà EVN vừa đưa ra lấy ý kiến các nhà máy điện (NMĐ) trực thuộc ngày 23.10, người ta vẫn thấy bóng dáng EVN bao trùm với vai trò "bà đỡ". Thực tế còn rất nhiều lúng túng trong quá trình "chia nhỏ" tập đoàn này bởi quyền lợi không dễ gì san sẻ, trong khi thời gian chỉ còn chưa đầy 2 năm.

TCty sẽ hoạt động độc lập hay chịu sự chi phối?

TCty phát điện (hay còn gọi là GENCO - Generation Company), theo đề xuất của EVN sẽ là một nhóm các nhà máy điện (NMĐ) hoạt động theo mô hình Cty mẹ-con là các Cty cổ phần phát điện do EVN nắm giữ CP chi phối hoặc nắm giữ 100% vốn điều lệ và các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư tính đến năm 2015. Mỗi GENCO sẽ có tổng công suất đặt không vượt quá 25% công suất đặt của toàn hệ thống; được phân bổ với công suất, tài sản và giá thành điện bình quân tương đương nhau; mỗi GENCO sẽ sở hữu hỗn hợp cả các NM thuỷ điện và nhiệt điện, có tính đến việc vận hành kinh tế như các thuỷ điện trên cùng một dòng sông, nhiệt điện sử dụng một nguồn cung cấp khí để tối ưu hoá lợi nhuận.

Đề xuất của EVN cũng chia mô hình GENCO làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, các GENCO thành lập mới sẽ vẫn do EVN nắm 100% vốn điều lệ để ổn định tổ chức và thúc đẩy thị trường. Đối với các NMĐ đã CPH thì GENCO tiếp nhận phần vốn EVN đang nắm giữ tại Cty cổ phần và thực hiện quyền chủ sở hữu cổ phần đối với Cty cổ phần như EVN đang thực hiện. Thực chất vẫn là EVN nắm giữ cổ phần của GENCO này. Giai đoạn 2, các GENCO sẽ bán dần tài sản thông qua CPH các đơn vị thành viên để đầu tư vào các NMĐ mới và tiến tới CPH cả GENCO. Việc CPH các GENCO sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm.

Từ 2009-2010, EVN sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cổ phần của các GENCO để huy động vốn đầu tư cho các công trình điện. EVN cho biết, vẫn tiếp tục nắm giữ các NM thuỷ điện đa mục tiêu là Hoà Bình, Trị An, Yaly (gồm Yaly, Pleikrông, Sê San 3) và thuỷ điện Sơn La. Vốn khấu hao, lợi nhuận để lại của các NM này sẽ dành để đầu tư các dự án điện của EVN, trong đó có các NMĐ nguyên tử ở VN.

Như vậy, ngoài các NMĐ đa mục tiêu EVN nắm giữ có tổng công suất 5.800MW, tổng tài sản 55.088 tỉ đồng, 3 GENCO, EVN dự kiến thành lập có tổng công suất lên tới 21.951MW và tổng tài sản trên 338.269 tỉ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu mà EVN kỳ vọng đặt ra đối với các GENCO là thu hút đầu tư vào các dự án nguồn điện trong bối cảnh EVN đang thiếu vốn trầm trọng xem ra chưa có lời giải. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc thành lập các GENCO, trong khi EVN vẫn sở hữu phần lớn là không tạo động lực thu hút các nhà đầu tư ngoài EVN. Vấn đề mấu chốt để kêu gọi đầu tư là cơ chế minh bạch và sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường giữa các Cty phát điện chứ không phải là khối tài sản hiện hữu.

Xử lý thế nào về sở hữu?

Còn nhiều tranh cãi xung quanh ý tưởng "chia nhỏ" EVN, bởi mục đích là "chia nhỏ", nhưng bóng dáng của EVN vẫn bao trùm quá lớn. Ông Phạm Mạnh Thắng- Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV) nêu lên mấu chốt của vấn đề phải được làm rõ về mục đích thành lập các TCty phát điện là nhằm tái cơ cấu EVN, để tham gia cuộc chơi lành mạnh trên thị trường điện. Bởi vậy, những mục đích khác đều trở nên thứ yếu và mâu thuẫn với mục đích chính khi EVN nêu quan điểm về thu hút đầu tư và khả năng linh hoạt khi quyết định các vấn đề tài chính đối với mỗi GENCO.

Từ đây, ông cũng chỉ ra, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là yếu tố sở hữu trong mỗi GENCO, từ đó sẽ quyết định hiệu quả hoạt động. Theo mô hình thiết kế thì GENCO là Cty nhà nước sở hữu 100% hay Cty mẹ-con? Nếu hoạt động mô hình mẹ - con theo Luật Doanh nghiệp, trong đó các Cty con bao gồm cả các loại hình Cty thành viên hạch toán độc lập, Cty TNHH 1 thành viên, Cty cổ phần thì việc xử lý phần lợi nhuận chung thế nào để không mâu thuẫn lợi ích? Bởi trong thị trường điện, GENCO với vai trò Cty mẹ phải thống nhất được chiến lược kinh doanh trong nội bộ, thay mặt các Cty con đưa ra giá chào trên thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng khi các Cty con là các pháp nhân độc lập thì rất khó thống nhất quyền lợi. Khi mỗi "con" một ý thì mục tiêu thành lập GENCO coi như thất bại.

Trong khi chưa làm "mờ dần" vai trò của EVN, thì việc phân bổ các GENCO sở hữu các Cty phát điện đang vận hành và các Cty đang đầu tư cũng được ông Thắng lưu ý EVN không nên nhóm các nhà máy thuỷ điện có giá rẻ hoặc các NM nhiệt điện giá cao trong cùng một GENCO, bởi sẽ dẫn đến nguy cơ các nhà máy này cùng "làm giá" khiến việc vận hành thị trường điện cạnh tranh bị méo mó. Ông Thắng cho biết vào tuần tới, Bộ Công Thương sẽ có văn bản chỉ đạo EVN hoàn thiện dự thảo đề án để sớm trình bộ trong tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu và đầu tư sẽ bị nặng nhất (25/10/2008)

>   Năm 2009 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (25/10/2008)

>   Luật Cạnh tranh chưa được phát huy (25/10/2008)

>   Thị trường công nghệ vẫn tăng trưởng (25/10/2008)

>   Thu mua lúa: Doanh nghiệp và nông dân cùng khó (25/10/2008)

>   Ít tiền vẫn xây dựng được nông thôn mới (25/10/2008)

>   Thủ tướng đồng ý với lộ trình tăng giá than cho 4 hộ tiêu thụ lớn (25/10/2008)

>   Thiếu giải pháp tài chính, “ngán” giải phóng mặt bằng (25/10/2008)

>   Cần một “trọng tài” cho người mua căn hộ (25/10/2008)

>   Đề nghị xây dựng trung tâm thương mại dọc tuyến xe điện mặt đất (24/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật