Cần một “trọng tài” cho người mua căn hộ
Hiện hàng ngàn khách hàng ở hàng loạt chung cư mới xây dựng đang lao vào cuộc đấu lý với chủ đầu tư xung quanh những khoản thu phí sinh hoạt và những điều khoản trong hợp đồng mà trước đó họ đã nhắm mắt ký đại
Hàng loạt mâu thuẫn dẫn đến xung đột, thậm chí suýt hỗn chiến giữa chủ đầu tư và người dân trong các chung cư mới hình thành tại TPHCM đang là vấn đề nóng. Các chuyên gia địa ốc cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý về xây dựng phải vào cuộc nhằm đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý những mâu thuẫn giữa các bên, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Xung đột ngày càng... nóng
Như Báo NLĐ ngày 24-10 đã thông tin về việc đại diện chủ đầu tư của khu căn hộ cao cấp Mỹ Vinh (phường 6, quận 3) và cư dân suýt ẩu đả tại lễ khai trương sàn giao dịch bất động sản Nam Việt. Trước đó, ngày 12-10, cư dân Botanic (phường 5, quận Phú Nhuận) cũng có cuộc họp bất thường và cũng suýt xảy ra ẩu đả. Nguyên nhân dẫn đến những sự xung đột trên là do chủ đầu tư tăng khoản thu phí sinh hoạt của người dân từ 40% đến 300%. Tiếp đến là khách hàng cáo buộc chủ đầu tư có hành vi gian dối trong việc ký hợp đồng mua bán nhằm biến tài sản chung của cộng đồng dân cư thành tài sản riêng của chủ đầu tư để từ đó cho thuê mướn nhằm thu lợi riêng.
Ngoài ra, các khách hàng còn khiếu nại khá nhiều việc làm nhập nhèm trong cách tính diện tích, các khoản thu chi tài chính không rõ ràng... Thậm chí là cả chuyện chủ đầu tư lừa dối khách hàng khi tự dựng lên một cây cầu để bán cho bằng được sản phẩm của mình như tại chung cư Gia Phú (quận Bình Tân). Do quá bức xúc, các khách hàng đã làm đơn tố cáo những việc làm mà họ cho rằng là sai trái và chèn ép của chủ đầu tư.
Luật mỗi người hiểu một cách
Khi thị trường đang đóng băng và giá đã tụt thê thảm thì các khách hàng mua căn hộ chung cư không còn ngại về mức giá bán, nhưng lại sợ cách vận dụng luật của chủ đầu tư. Tại cao ốc SCREC (phường 12, quận 3), tầng 1 có nhà trẻ lại đang cho một ngân hàng thuê làm văn phòng, văn phòng ban quản lý cao ốc lại cho một đơn vị thuê làm nhà sách, còn tầng 4 cũng đang cho thuê dù theo thiết kế được duyệt là dành cho cộng đồng. Trong khi đó, theo Luật Nhà ở, ngoài phần diện tích sở hữu riêng của từng hộ thì phần còn lại trong cao ốc thuộc sở hữu chung. Thế nhưng khi trả lời khiếu nại của các hộ dân, ngày 22-7, Công ty Cổ phần Đầu tư - xây dựng và kinh doanh nhà Sài Gòn (chủ đầu tư cao ốc SCREC) có văn bản cho rằng phần diện tích tầng 1 và tầng 4 tại cao ốc này thuộc quyền sở hữu của công ty và không công nhận quyền khai thác của cộng đồng dân cư.
Tương tự, cuộc đấu tranh nhằm xác lập chủ quyền sở hữu của nhà giữ xe tại chung cư Phú Lợi là của cộng đồng dân cư hay chủ đầu tư là Công ty TNHH SX – KD Hai Thành (phường 7, quận 8) cũng đang hết sức gay cấn. Theo đơn kiến nghị của khách hàng, việc chủ đầu tư chưa bàn giao nhà giữ xe cho người mua (đại diện là ban quản trị) sau rất nhiều lần kiến nghị là không hợp lý. Bởi tại điều 70 Luật Nhà ở, điều 4 và 21 của Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư nêu tất cả người dân chung cư đều có quyền sử dụng diện tích thuộc phần sở hữu chung này. Tuy nhiên, trong công văn ngày 1-10, chủ đầu tư là Công ty Hai Thành khẳng định với ban quản trị và mọi cư dân là bãi giữ xe tại tầng trệt của 2 block chung cư D2 Phú Lợi thuộc quyền sở hữu của đơn vị.
Chủ đầu tư chung cư Botanic cũng khẳng định: Ngoài phần diện tích căn hộ đã bán cho khách hàng, phần còn lại đương nhiên thuộc sở hữu của công ty. Tuy nhiên, về phía khách hàng khiếu nại lại viện dẫn vào điều 70 Luật Nhà ở và Quyết định 08 của Bộ Xây dựng. Theo đó, “phần sở hữu chung” bao gồm: a) Phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng; b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe... và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào”.
Việc hàng loạt chung cư mới đang và sẽ đưa vào sử dụng, cộng với những phát sinh mới xuất hiện như trên cho thấy đã đến lúc cần có một “trọng tài” để phân xử minh bạch, công bằng... trong các tranh chấp, khi mà cơ chế quản lý nhà chung cư được chuyển từ Nhà nước sang cho các đơn vị tư nhân.
Trao đổi với báo giới ngày 23-10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng, cho biết bộ sẽ có hướng dẫn những vấn đề còn chưa rõ xung quanh vấn đề sở hữu và khai thác diện tích chung - riêng.
NLĐ
|