Đề nghị điều tra tổng thể giá gas
Đến cuối giờ chiều 23-10, vẫn chưa có tín hiệu giảm giá bán lẻ tại nhiều công ty kinh doanh gas, dù giá dầu và gas thế giới ngày 23-10 tiếp tục giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc các công ty gas đưa ra lý do trì hoãn giảm giá là thiếu thuyết phục.
Ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN): Thị trường gas đang có nhiều “vấn đề”
Hiệp hội chúng tôi vừa đề nghị với liên bộ Tài chính - Công thương được điều tra tổng thể về giá gas, chất lượng, độ an toàn, vấn đề đo lường gas ở VN vì nhận thấy thị trường gas đang có nhiều “vấn đề” có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế giá gas thế giới đã giảm mạnh nhưng giá gas tại VN vẫn không thay đổi cho thấy các doanh nghiệp đang cố tình nhìn nhau ghìm giá. Trước đó là giá xăng, giờ đến giá gas và giá nhiều mặt hàng khác nữa. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Nếu không làm quyết liệt sẽ tạo ra những tiền lệ gây tổn hại cho người tiêu dùng.
* Một chuyên gia đàm phán hợp đồng quốc tế: Có thể đàm phán lại giá
Việc các công ty kinh doanh gas cho rằng do đã chốt giá CP (hợp đồng nhập khẩu) cố định khi nhập khẩu nên dù giá CP trên thế giới tăng hay giảm thì gas mua về trong tháng cũng không thể làm thay đổi giá trong nước là không thuyết phục. Thực tế trong đàm phán có rất nhiều loại hợp đồng. Ngay cả trong cùng một hợp đồng vẫn có thể đàm phán đưa ra những điều khoản khác nhau để giải quyết. Chẳng hạn, khi đàm phán giá trong tình hình thế này đương nhiên phải có dự báo. Khi giá dầu thô xuống, đương nhiên những phụ phẩm của dầu cũng sẽ xuống, điều này dự báo và lường trước được.
Khi doanh nghiệp ký hợp đồng sẽ có loại theo tháng, quý và năm, nhưng cũng có loại ký theo từng chuyến một. Tùy theo bối cảnh mà người ta sẽ ký loại nào, có khi ký cả hai. Nếu ký dài hạn thì độ rủi ro sẽ ít đi, ký theo chuyến thì rủi ro hơn nhưng trong trường hợp giá giảm lại thuận lợi. Nếu là đồng tiền đau xót của mình thì mình sẽ tìm cách và có thể thương lượng được trong tình hình đặc biệt như hiện nay. Nếu đàm phán khéo (điều này phụ thuộc khả năng dự báo thị trường của doanh nghiệp) thì có thể thương lượng được trong những trường hợp nào được thay đổi lại giá.
Những doanh nghiệp có kinh nghiệm bao giờ cũng đưa vào điều khoản là trong trường hợp giá thị trường biến động ở một mức nào đó sẽ điều chỉnh lại giá cho phù hợp. Tùy thuộc mối quan hệ và nghệ thuật thương lượng của hai bên mà có được hợp đồng vừa ý. Nếu vị thế của mình không đến nỗi nào, mình luôn thanh toán đúng hạn, mua nhiều và đều đặn... thì không ai đối xử quá cứng nhắc với mình cả. Trong những trường hợp khá đặc biệt như hiện nay, giá cả biến động quá mạnh thì dù là hợp đồng khung cũng có thể đàm phán lại được.
* Ông Trần Trung Chính, (chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty kinh doanh gas - G10): Công ty kinh doanh gas đang gặp nhiều “khó khăn”
Nhìn ở góc độ công luận, đúng là giá gas trong nước và thế giới đang có sự chênh lệch rất lớn, nhưng ở góc độ doanh nghiệp còn nhiều chuyện phải bàn. Trong mười tháng qua, các công ty kinh doanh gas gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2007 do Thái Lan cắt nguồn xuất khẩu gas, các công ty trong nước lúc đó rất vất vả, lao đao tìm nguồn nhập khẩu khác nên giá tăng cao.
Đến tháng 4-2008, Tổng công ty Khí VN thuê được kho nổi nhập khẩu gas về hòa với gas Nhà máy Dinh Cố nhằm bình ổn thị trường trong nước. Nhưng lúc đó nhiều công ty đã ký hợp đồng nhập khẩu gas từ đầu năm nên xảy ra tình trạng ứ hàng. Sau đó các công ty kinh doanh tiếp tục vất vả với tình trạng tỉ giá đồng USD/VND. Lúc đó thị trường gas bắt đầu đi ngược lại quy luật của mọi năm. Giữa mùa hè nhưng giá lại tăng cao thay vì giảm. Người tiêu dùng và một số nhà máy chế biến dùng gas đã quay lưng với loại nhiên liệu này làm nguồn gas trong nước tiếp tục ứ đọng. Lượng gas tồn đến 30% trong các xe bồn và lượng bình gas trôi nổi.
Hiện nay, đúng là giá CP đang xuống mạnh, nhưng đến cuối tháng mới chốt được và không ai biết từ nay đến khi đó giá sẽ giảm tiếp hay tăng lên. Đây là giá để tham khảo trên thị trường quốc tế, còn chúng tôi chưa nhập được với giá này. Giá CP của tháng 11 sẽ được công bố vào ngày 30 hoặc 31-10.
Có thể nói thị trường VN là ăn đong, không có kho lớn để có thể ký được những hợp đồng dài hạn mua những lô hàng lớn. Tổng công ty Khí VN chỉ mới có được kho nổi vài chục nghìn tấn, cộng với lượng gas trong nước từ Nhà máy chế biến Dinh Cố cũng chưa đủ để bình ổn thị trường.
Ý kiến
* Đã là nền kinh tế thị trường thì chúng ta phải chấp nhận theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, thị trường nhiên liệu VN còn quá nhiều bất cập trong thời gian qua. Dù giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng cách đây vài ngày giá xăng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt lấy lệ là không thể chấp nhận được. Nay đến lượt thị trường gas cũng với bài cũ “hàng tồn kho còn nhiều nên chưa điều chỉnh giá được”... thật khó thuyết phục. (Nguyễn Quốc Hưng)
* Đã đến lúc phải xem xét và đặt lợi ích người tiêu dùng lên ngang với doanh nghiệp, phải minh bạch, công khai và cân bằng lợi ích giữa mọi thành phần trong xã hội. Rõ ràng cơ chế quản lý đôi lúc đã không theo kịp quá trình phát triển, cách thức tiếp cận thị trường thế giới của một số doanh nghiệp còn yếu kém nên ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu. (Hữu Tâm)
* Tất cả đều cho rằng giá hợp đồng nhập khẩu là mức giá chốt cả tháng nên không thể giảm giá bán lẻ được, điều đó hoàn toàn vô lý. Vậy tại sao khi giá trên thị trường thế giới mới rục rịch tăng thì giá bán lẻ lại tăng lên rất nhanh. Vả lại, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu bao giờ cũng phải dự đoán và lường trước được những thông tin giá cả liên quan đến hàng hóa của mình. (Nguyễn Thị Thái Thủy)
tt
|