Nỗi lo thiểu phát rình rập
Lạm phát cao đã tạo cho chúng ta thói quen phản ứng vui mừng khi số thống kê tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm. Tháng 10-2008, CPI tại TP.HCM ở mức âm 0,24%, Hà Nội chỉ tăng 0,16% so với tháng trước. Trước đó, CPI tháng 9-2008 của cả nước chỉ tăng 0,18%. Những tháng tới, số này được lặp lại thì có thể chúng ta ngấp nghé tình trạng thiểu phát (lạm phát ở mức thấp), đó là “đêm trước” của giảm phát.
Giảm phát trái ngược với lạm phát, là mức giá chung của nền kinh tế giảm do sức mua kém. Giảm phát thường đi kèm với đình đốn hoặc suy thoái kinh tế. Người dân giảm tiêu dùng, doanh nghiệp không bán được hàng nên không mở rộng sản xuất kinh doanh, người lao động khó kiếm việc làm nên không có thu nhập để tiêu dùng, tạo ra vòng giảm giá mới. Giảm phát nguy cơ không kém gì lạm phát.
Chúng ta vừa ra khỏi tình trạng lạm phát cao. Chống lạm phát quá tay sẽ dẫn đến giảm phát. Vì vậy, bên cạnh “dè chừng” lạm phát, cần có thuốc để đưa nền kinh tế vận hành nhịp nhàng trở lại, tránh rơi vào thiểu phát và giảm phát.
Để phòng bệnh này, người ta phải nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất hoặc thuế để kích thích tiêu dùng. Quyết định trả lại tín phiếu bắt buộc, trả thêm lãi cho dự trữ bắt buộc để giảm lãi suất cho vay là thuốc ngừa giảm phát. Nhưng cần xem tiền có ra được thị trường hay còn vướng vì lãi suất cao... Cùng với chống lạm phát phải lưu ý đến thiểu phát và giảm phát.
tt
|