Thứ Bảy, 25/10/2008 09:34

Xuất khẩu và đầu tư sẽ bị nặng nhất

Cho đến nay, mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đối với kinh tế Việt Nam như thế nào, vẫn còn những dự báo khác nhau, nhưng các chuyên gia kinh tế đều thống nhất là lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, mức độ tác động phụ thuộc vào cơ cấu thị trường cũng như các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, thị trường Mỹ, EU, Asean, Úc và khu vực Đông Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng, nên khả năng tốc độ tăng xuất khẩu vào các thị trường này bị giảm sút trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Đối với một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu giảm sút không còn là chuyện tương lai nữa.

Giá nhiều loại nguyên vật liệu cơ bản trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, trong đó có ba mặt hàng đã đem về cho Việt Nam 11,2 tỉ đô la Mỹ trong chín tháng đầu năm nay là dầu thô, cao su, than đá. Đến nay, giá dầu thô đã giảm hơn một nửa so với đỉnh điểm hồi tháng 7-2008. Cao su xuất khẩu từ 58 triệu đồng/tấn hồi tháng 8-2008, nay cũng chỉ còn chưa tới 30 triệu đồng.

Ở khía cạnh nhu cầu, có lẽ nông sản và thủy sản, những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, sẽ ít bị ảnh hưởng. Nhưng người tiêu dùng của các nước bị khủng hoảng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu khác, như quần áo thời trang, giày dép, hàng điện tử, đồ gỗ. Đây là những sản phẩm công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: “Xu hướng xấu trong thị trường xuất khẩu hàng dệt, may đã xuất hiện. Những đơn hàng xuất khẩu cho quí đầu năm sau ít dần. Thậm chí một số nhà nhập khẩu còn tỏ ý không muốn nhận hàng của những hợp đồng đã ký”. Ông dự báo, nếu tình hình thế giới không sớm được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt, may Việt Nam có thể giảm tới 20%.

Đối với một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu như Việt Nam, việc nguyên liệu, vật tư trên thị trường thế giới giảm giá cũng có tác động tích cực, nhất là đối với một số sản phẩm quan trọng như thép, phân bón, xăng dầu và những sản phẩm có nguồn gốc từ dầu. Lẽ đương nhiên, thu nhập của Việt Nam từ xuất khẩu dầu thô bị thiệt không ít, nhưng trong điều kiện nhu cầu nhập xăng, dầu nhiều hơn, nên dầu thô giảm giá vẫn có lợi.

Tuy vậy, dầu thô và thép rớt giá sẽ mang lại những hệ quả xấu khác cho nền kinh tế, vì đây là hai lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất hiện nay. Chín tháng đầu năm nay, trong 32,3 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào ngành công nghiệp, lọc hóa dầu và luyện cán thép chiếm gần 30 tỉ đô la Mỹ. Trong tình hình giá cả tuột dốc do nhu cầu tiêu thụ giảm sút trên toàn cầu, chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải xem xét lại kế hoạch đầu tư của mình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay có thể đạt 65 tỉ đô la Mỹ, mức cao chưa từng có từ trước tới nay, nhưng khả năng thực hiện của những dự án này mới là vấn đề đáng quan tâm. Trong tình hình hiện nay, không dễ để thu xếp vốn cho những dự án hàng tỉ đô la Mỹ ở Việt Nam. Thêm vào đó, nếu các tập đoàn có dự án đầu tư vào Việt Nam bị khó khăn về tài chính, thì khả năng cắt giảm đầu tư hoặc hoãn, giãn tiến độ các dự án ở nước ngoài để giải cứu cho công ty mẹ, là khó tránh khỏi.

Có thể nói, nếu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp tục diễn biến xấu đi, tác động về lâu dài đối với Việt Nam là không nhỏ. Xuất khẩu, đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài, giảm sút... sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Năm 2009 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (25/10/2008)

>   Luật Cạnh tranh chưa được phát huy (25/10/2008)

>   Thị trường công nghệ vẫn tăng trưởng (25/10/2008)

>   Thu mua lúa: Doanh nghiệp và nông dân cùng khó (25/10/2008)

>   Ít tiền vẫn xây dựng được nông thôn mới (25/10/2008)

>   Thủ tướng đồng ý với lộ trình tăng giá than cho 4 hộ tiêu thụ lớn (25/10/2008)

>   Thiếu giải pháp tài chính, “ngán” giải phóng mặt bằng (25/10/2008)

>   Cần một “trọng tài” cho người mua căn hộ (25/10/2008)

>   Đề nghị xây dựng trung tâm thương mại dọc tuyến xe điện mặt đất (24/10/2008)

>   Nỗi lo thiểu phát rình rập (24/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật