Thứ Bảy, 25/10/2008 07:04

Ít tiền vẫn xây dựng được nông thôn mới

Sau 2 năm triển khai thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới, Bộ NN-PTNT vẫn đang mày mò tìm phương pháp, chỉ tiêu cho mô hình. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng nói rằng ít nhất đến năm 2020 mới rõ nét hình ảnh một nông thôn mới, và lần này sẽ "không có chuyện làm nửa vời".

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, TS. Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NN-PTNT) trao đổi với VietNamNet về những vấn đề đã và đang đặt ra sau hai năm thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng: "Phải chờ đến 2020"

- Sau 2 năm thí điểm, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai các mô hình nông thôn mới ở 11 tỉnh, thành?

- Nói là 2 năm nhưng thực ra mới hơn 1 năm. Cái được lớn nhất là chúng ta mới xây dựng được ý tưởng, một quan niệm mới về nông thôn mới ở Việt Nam. Thứ hai, làm cho mọi người, mọi ngành, mọi cấp có trách nhiệm cao hơn và có cái nhìn đúng hơn về nông thôn hiện nay. Từ đó, có một tư duy khác, tư duy đầy đủ hơn cho sự phát triển nông thôn trong giai đoạn tới.

Tồn tại thì rất nhiều. Tồn tại lớn nhất là cho tới giờ, sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện, rút được ra cái gì bằng một hình ảnh cụ thể thì tôi chưa trả lời được. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, của đoàn thể quần chúng vào mô hình nông thôn mới theo kiểu trách nhiệm chính mình với nông dân thì rõ ràng chúng ta chưa làm được. Hơn nữa, chính dân là người được hưởng lợi cũng chưa thể hiểu một cách đầy đủ, ở ngay cả nơi họ được chương trình hỗ trợ.

- Tất cả những đề xuất của những người làm mô hình đều kiến nghị cần sớm có văn bản hướng dẫn và đưa ra những tiêu chí cụ thể về mô hình nông thôn mới. Xin ông cho biết bao giờ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể?

- Người dân đề nghị rất đúng đắn, bởi xây dựng nông thôn Việt Nam thời kỳ mới như thế nào thì chúng ta phải trả lời được, phải có một bộ tiêu chí.

Đây là cái mà Bộ NN-PTNT đang nợ nông dân và đang nợ Trung ương Đảng. Chúng tôi sẽ tập trung cao độ để xây dựng và sớm ban hành trước khi triển khai chương trình đề án của Chính phủ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Mô hình nông thôn mới cấp xã từ năm 2000 đã được thí điểm và đến năm 2005 thì dừng lại mà chưa có báo cáo kết quả thì Bộ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình, bản làng. Liệu đó có phải là lý do khiến người dân lo lắng rằng, mô hình nông thôn mới này sẽ chỉ làm nửa vời?

- Không phải là chưa có nghiên cứu mà đã có nghiên cứu và tổng kết mô hình cấp xã. Chúng tôi thấy mô hình cấp xã chưa thành công, nên phải tính lại lấy mô hình cấp thôn, bản. Chưa công bố kết quả là do thực tế cũng làm chưa gì cả - đấy cũng là điều mà Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn nhắc rằng đi đâu cũng mắc nợ các xã mà mình đã hứa làm thí điểm.

Mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản không thể nửa vời được vì đây là mô hình chuẩn bị cho triển khai Nghị quyết Trung ương 7 sắp tới. Nếu nói 1 năm có hình ảnh nông thôn mới thì hoàn toàn không bao giờ có và không có ý nghĩa gì cả. Phải thấy được điều đó. Chúng tôi tính toán, ít nhất tới năm 2020 mới trả lời được câu hỏi này. Nhưng không phải đợi đến đó mà chúng ta phải làm dần và ngay từ bây giờ.

- Nhiều ý kiến cho rằng hiện mô hình thí điểm nông thôn mới chỉ chọn những nơi có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thực hiện, còn những vùng nông thôn có nhiều vấn đề bức xúc hơn thì lại chưa được đưa vào thí điểm?

- Đấy là điều đúng. Với số tiền đầu tư ít ỏi, chúng tôi phải tìm và lựa chọn những nơi có điều kiện tương đối để rút ra kinh nghiệm trong chỉ đạo. Nếu lựa chọn một thôn, bản quá nghèo khó, điều kiện đời sống, trình độ cán bộ quá thấp thì không thể đưa mô hình vào được. Cho nên, dứt khoát phải lựa chọn mô hình tương đối và đại diện cho các vùng miền. Đây là cái tiếp nối của cả một quá trình trước, đừng nghĩ là làm mới hoàn toàn.

TS Nguyễn Trọng Bình: Ít tiền vẫn làm được "nông thôn mới"

- Là đơn vị tư vấn trực tiếp việc xây dựng mô hình nông thôn mới, theo ông, đâu là việc khó nhất khi triển khai?

- Về mặt phương pháp thì ngay với cả thế giới đây luôn là vấn đề phức tạp liên quan đến vấn đề vùng, miền, dân tộc. Đó không phải là cách làm ở nơi này có thể áp dụng ở nơi khác. Vì thế, ngay từ đầu chúng tôi cũng lúng túng trong việc xác minh phương pháp, quan điểm về nông thôn mới.

Với tư cách là một đơn vị tư vấn, chúng tôi xác định nông thôn mới xây dựng trên tiến trình lịch sử, hàng nghìn năm, chứ không chỉ giai đoạn này. Do đó, xây dựng nông thôn dựa trên cái nền lịch sử của từng thôn, bản mà họ trải qua.

Chúng tôi chỉ là hỗ trợ cộng đồng tiếp nối cho giai đoạn mới, giúp nông dân hình dung mong muốn của họ trong tương lai như thế nào.

Ví như ở đồng bằng sông Hồng, lâu nay cứ nói có cây đa, bến nước... nhưng nhiều nơi đã chặt hết cây rồi, hay đình làng cũng cần khôi phục nét đặc trưng để tạo dấu ấn riêng của làng, của thôn, của vùng... Nông thôn đấy nhưng cũng cần có một cuộc sống văn minh hiện đại, như hạ tầng, khuôn viên trong gia đình cũng khác trước. Hình dáng có thể là nhà thôn quê nhưng tiện nghi khác.

Tuy nhiên, phải có sự phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể, người dân và sự đồng thuận dọc giữa các cấp chính quyền, từ trên xuống dưới. Ngay cả ở thôn, các đoàn thể, dòng họ, thậm chí cả nhà chùa, nhà thờ... cũng cần vào cuộc, tạo ra một ban phát triển - diễn đàn thảo luận về phát triển thôn. Trong quá trình thực hiện cũng hình thành một đội ngũ tư vấn ở địa phương và TƯ.

- Nhiều ý kiến cho rằng không phải là Nhà nước cứ "rót" tiền xuống là có mô hình nông thôn mới mà quan trọng nhất là sự đồng thuận của người dân trong cùng thôn, bản và sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền. Qua thí điểm, ông thấy sự đồng thuận này thể hiện rõ chưa và làm thế nào để phát huy được điều đó?

- Để tạo sự đồng thuận cũng không hề đơn giản. Trước hết, từ chính quyền, các nhà tư vấn và cộng đồng phải hiểu mình làm cái gì, thống nhất trên một quan điểm rằng lợi ích của các bên đều có được. Sự đồng thuận gần như là một điểm chung của tất cả các bên, đòi hỏi chúng ta phải có một chính sách, khuôn khổ hỗ trợ cho sự đồng thuận ấy. Hiện các nhà tư vấn mới đang thử thôi.

- Ở những thôn, bản và vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi có bản sắc văn hoá riêng thì việc đưa vào xây dựng một mô hình nông thôn mới có phải là sự áp đặt hay không, thưa ông?

- Nếu chúng ta xác định rằng xây dựng nông thôn mới vẫn đảm bảo cuộc sống người dân, giữ được truyền thống, bảo vệ môi trường thì bất cứ người dân vùng nào cũng mong muốn như thế, chỉ có điều là xác định ở từng vùng, miền nội lực người dân có hạn, vùng khó khăn thì Nhà nước đầu tư hỗ trợ nhiều hơn. Sự làm chủ của người dân không phải là tiền mà là trao quyền quyết định cho họ. Không phải nơi nào ít tiền thì không làm được nông thôn mới.

Chúng ta không mong muốn xây dựng được tất cả các thôn, bản toàn quốc đều là nông thôn mới, nhưng trong quá trình triển khai, tất cả các cộng đồng thôn, bản đều có thể hình dung được việc họ phải làm để xây dựng nông thôn mới là gì? Nhà nước cũng hình dung được việc trợ giúp nông dân là gì để hình thành lộ trình tạo sự năng động cho địa phương.

- Bản thân ông có tin tưởng vào sự thành công của chương trình?

- Hai năm thí điểm thực tế ở Nam Định chứng tỏ quá trình xây dựng nông thôn mới bước đầu đã thành công. Việc nhân rộng, xây dựng thành chính sách, phương pháp đòi hỏi một quá trình nỗ lực. Xây dựng nông thôn mới là quá trình không có điểm dừng. Ngay cả châu Âu cũng xây dựng nông thôn mới và khái niệm, tiêu chí nông thôn mới của họ cũng thay đổi tuỳ theo mức sống, nhu cầu và quan niệm của người dân.

Song, có điều không bao giờ thay đổi là nông thôn mới cũng phải giữ được tính truyền thống, những nét đặc trưng nhất, bản sắc từng vùng, từng dân tộc và nâng cao giá trị đoàn kết của cộng đồng, mức sống của người dân.

vnn

Các tin tức khác

>   Thủ tướng đồng ý với lộ trình tăng giá than cho 4 hộ tiêu thụ lớn (25/10/2008)

>   Thiếu giải pháp tài chính, “ngán” giải phóng mặt bằng (25/10/2008)

>   Cần một “trọng tài” cho người mua căn hộ (25/10/2008)

>   Đề nghị xây dựng trung tâm thương mại dọc tuyến xe điện mặt đất (24/10/2008)

>   Nỗi lo thiểu phát rình rập (24/10/2008)

>   Laptop dần thay thế PC (24/10/2008)

>   Đề nghị điều tra tổng thể giá gas (24/10/2008)

>   Tổng mức bán hàng và doanh thu dịch vụ tăng 2% (24/10/2008)

>   Dấu ấn thương hiệu Việt trên thị trường Nga (24/10/2008)

>   Hà Nội: Chỉ số CPI tháng 10 tăng thấp nhất trong 10 tháng qua (24/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật