Thứ Bảy, 25/10/2008 11:06

Hàng tiêu dùng: Thế giới giảm mạnh, trong nước lừng khừng

Cách đây 3-4 tháng, giá dầu thế giới tăng mạnh lên tới hơn 140 USD/thùng, thị trường tiêu dùng trong nước cũng có những điều chỉnh nhanh chóng với việc nhiều mặt hàng tăng giá.

Tuy nhiên có ý kiến đến thời điểm hiện nay khi giá nhiên, nguyên liệu đầu vào giảm rất mạnh, giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng thì các mặt hàng trong nước đã được điều chỉnh tăng giá trước đây vẫn không có sự điều chỉnh giảm tương xứng.

Tăng nhanh, giảm chậm

Tại các siêu thị Citimex, Intimex Bờ Hồ, chợ Bách Khoa, chợ 19-12 và cùng nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội, theo ghi nhận của chúng tôi các mặt hàng tiêu dùng đều chưa có dấu hiệu giảm giá tương đương theo mức thế giới.

Điển hình trước đây giá thịt lợn trung bình ở mức 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg sau tăng vọt lên 70.000 đồng/kg, giá mì tôm Hảo Hảo trong năm qua có nhiều thay đổi về giá, từ 35.000 đồng/thùng 24 gói, sau được điều chỉnh có lúc lên 42.000 đồng/thùng, có lúc 65.000 đồng/thùng và đến nay giá bán lẻ là 2.400 đồng/gói (57.600 đồng/thùng), tăng gần 40% so với đầu năm 2008.

Nhiều mặt hàng khác vẫn giữ mức trên 30% so với đầu năm. Còn so với 2-3 tháng trước đây, mức giá các loại hàng này mức giảm không nhiều. Thậm chí một số mặt hàng, theo người bán cho biết, có xu hướng tăng giá.

Theo khảo sát chiều 24/10 của chúng tôi, tại chợ Bách Khoa, giá dưa hấu là 11.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg so với tháng trước), quả bơ 60.000 đồng/kg (tăng 25.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đây), cam sành 25.000 đồng/kg, xoài từ 20.000 đồng- 25.000 đồng/kg, nho Mỹ 110.000 đồng/kg…

Chủ cửa hàng hoa quả tại chợ này cho biết: “Các mặt hàng luôn tăng, trong khi nhu cầu mua không nhiều, nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ”.

Tại siêu thị Citimex ở tòa nhà Vincom, phố Bà Triệu, Hà Nội, chị Nguyễn Thái Hòa, Phó quản lý siêu thị cho biết: Nhiều mặt hàng bán tại đây đã tăng 2 lần trong những tháng qua với mức tăng mỗi lần khoảng 10%.

Một số mặt hàng đã có mức giảm nhưng chỉ giảm một lần với mức giảm từ 3-5%, như hàng gội đầu, chỉ có 1 - 2 hãng giảm trong khi có tới 10 hãng cung cấp và mỗi hãng cũng chỉ có 1-2 mặt hàng giảm.

Tại siêu thị Big C, anh Lê Sĩ Hiển, Trưởng ngành hàng thực phẩm cho biết: Trong nhóm ngành hàng tiêu dùng- thực phẩm thì từ đầu tháng 10 tới nay mặt hàng thực phẩm đang có xu hướng giảm. Biểu hiện rõ rệt nhất là các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, giảm khoảng 20% so với giá hồi đầu tháng 10, nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng nông thủy sản đang gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Nhiều mặt hàng bị ứ đọng, kéo theo giá tiêu dùng một số sản phẩm trong nước giảm. Dầu ăn giảm khoảng gần 20.000 đồng/can 5 lít, như dầu ăn Neptuyn 1 tháng trước vẫn được bán với giá 172.000 đồng/can 5 lít nhưng hiện giảm xuống còn 155.000 đồng.

Cần độ trễ để giảm

Trao đổi với Tiền phong, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, giá trong nước chênh với nước ngoài thời gian qua là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, đối với thị trường luôn có độ trễ nhất định để điều chỉnh trong khi đó người dân thì luôn yêu cầu các mặt hàng phải giảm giá tương xứng với giá thế giới.

Xét về khía cạnh doanh nghiệp, họ thường lấy lý do phải bán hết hàng tồn cũ mà họ đã mua giá cao trước đó rồi mới điều chỉnh giá là điều cũng có thể hiểu được. Điều này là do không phải họ mua để găm hàng đợi giá cao mà trong quá trình sản xuất lưu thông bao giờ cũng phải có hàng tồn và luôn phải ký hợp đồng ở thời điểm trước đó.

“Theo dự báo, giá một số nguyên liệu đầu vào trên thế giới và trong nước giảm sẽ giúp thị trường những tháng giáp Tết “dễ thở” hơn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của lạm phát nên các doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh qui mô sản xuất hàng Tết của mình và mức giá sẽ có sự điều chỉnh tùy theo từng mặt hàng chứ không thể có sự giảm mạnh hay ồ ạt”- Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết.

Nhìn theo khía cạnh khác, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính cũng khẳng định có thực tế là giá nhiều mặt hàng trên thế giới giảm khá mạnh trong thời gian qua nhưng giá nhiều mặt hàng trong nước vẫn chưa giảm tương xứng. Điều này cũng do mỗi mặt hàng có đặc điểm riêng.

Đối với lương thực thực phẩm trong nước trong tháng 10 theo thống kê đã giảm 1,91% so với tháng 9 và là một mức giảm khá mạnh. Tuy nhiên dù giá phân bón thế giới trong nửa tháng qua có mức giảm mạnh đến 130 – 160 USD/tấn, nhiều vật liệu khác dùng trong sản xuất nông nghiệp cũng giảm mạnh nhưng do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào chu kỳ nên mức giảm ngay đối với mặt hàng này là khó xảy ra.

Còn đối với mặt hàng xăng dầu, do xăng dầu không phải là mặt hàng có thể giao ngay mà là hàng giao có kỳ hạn nên giữa Việt Nam và thế giới phải có một độ trễ nhất định về nhập khẩu. Vì vậy việc giảm ngay lập tức là không thể.

“Còn việc doanh nghiệp trong nước giảm giá chậm do họ phải giải quyết số hàng tồn kho đang có. Đối với thị trường thép, do tính toán sai về việc giá thép sẽ tăng mạnh nên các doanh nghiệp đã mua ồ ạt phôi thép về tích trữ. Nhưng thời gian gần đây giá thị trường liên tục biến động theo xu hướng giảm mạnh khiến các doanh nghiệp mắc kẹt. Hiện các doanh nghiệp phải tìm cách tiêu thụ số hàng mua thời điểm giá cao này. Đây là một trong những lý do giá nhiều mặt hàng sẽ chưa thể giảm mạnh ngay như thế giới trong thời gian tới”- Ông Ánh phân tích.

Thị trường điện máy cuối năm sẽ giảm mạnh

Trao đổi với Tiền phong, ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing của Pico Plaza cho biết trong khoảng 7-8 tháng đầu năm rõ ràng nền kinh tế VN gặp nhiều khó khăn và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Nhưng theo số liệu từ các tổ chức nghiên cứu thị trường thì tiêu thụ trong ngành hàng điện máy vẫn tăng mạnh.

Điển hình như trong tháng 7, 8 sức tiêu thụ tại Pico tăng 20% so với tháng 5, 6 và không hề giảm so với năm trước. Dự báo thị trường điện máy từ nay tới cuối năm sẽ vô cùng khó khăn đối với các siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này do theo “lệ thường” chắc chắn các siêu thị điện máy sẽ tiếp tục bước vào cuộc đua giảm giá.

Giá cả các mặt hàng điện máy sẽ rẻ đi một phần do các nhà sản xuất và siêu thị bắt tay cùng vượt qua khó khăn khi đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn tại các thời điểm khác nhau và đưa ra dồn dập. 

tp

Các tin tức khác

>   "Cái bóng" EVN vẫn bao trùm (25/10/2008)

>   Xuất khẩu và đầu tư sẽ bị nặng nhất (25/10/2008)

>   Năm 2009 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (25/10/2008)

>   Luật Cạnh tranh chưa được phát huy (25/10/2008)

>   Thị trường công nghệ vẫn tăng trưởng (25/10/2008)

>   Thu mua lúa: Doanh nghiệp và nông dân cùng khó (25/10/2008)

>   Ít tiền vẫn xây dựng được nông thôn mới (25/10/2008)

>   Thủ tướng đồng ý với lộ trình tăng giá than cho 4 hộ tiêu thụ lớn (25/10/2008)

>   Thiếu giải pháp tài chính, “ngán” giải phóng mặt bằng (25/10/2008)

>   Cần một “trọng tài” cho người mua căn hộ (25/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật