Tính mạng người tiêu dùng bị nhiều doanh nghiệp... phớt lờ!
“Người tiêu dùng Việt Nam rất thua thiệt và ít được bảo vệ như pháp luật quy định”, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam đã khẳng định như vậy tại Hội thảo “Doanh nghiệp (DN) với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” tổ chức sáng 25/10.
Người tiêu dùng luôn ở thế yếu…
Hàng loạt vụ bê bối mới đây của DN trong việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) bùng phát như sữa nhiễm malamine, rượu chứa methanol, gian lận trong kinh doanh xăng dầu, bánh kem có xác chuột chết... đã làm cả xã hội bàng hoàng.
Niềm tin của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất đã sứt mẻ nhiều, bởi trước đó, một số DN đã khiến cả xã hội bất bình qua các vụ gian lận trong taximet, nước tương có chứa 3-MCPD, thực phẩm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép…
Tuy vậy, hiện nay, NTD trong nước vẫn chưa được bảo vệ như luật pháp quy định. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong xu thế kinh tế hiện đại, NTD luôn ở vị thế thấp so với nhà sản xuất, nhà phân phối. Bởi lẽ, người NTD không thể am hiểu và thấu đáo về sản phẩm được bán trên thị trường. Những thông tin mà họ có được là do chính nhà sản xuất công bố. Chính vì vậy, không ít DN đã gian lận trong sản xuất, từ thành phần nguyên liệu, hàm lượng đến bao bì, thông tin quảng cáo, khuyến mãi, hậu mãi. Đặc biệt, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, quy mô vi phạm và phạm vi ảnh hưởng rất rộng.
Trong khi đó, NTD thường có xu hướng tin theo những thông tin do DN công bố nên đã bị lợi dụng.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, thế yếu của NTD còn ở chỗ hiểu biết về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình còn khá hạn chế. Nhiều người khi bị xâm phạm quyền lợi đã không biết tìm đến đâu để nhờ giải quyết.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Nam Vinh, Trưởng văn phòng phía Nam Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thế yếu của NTD còn thể hiện ở chỗ họ ít tiền để khiếu nại, đòi hỏi được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm.
Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, nhất là trong các trường hợp gian lận xăng dầu, gian lận taximet, rất khó để khiếu nại vì không chứng minh được bằng chứng do không hóa đơn thanh toán…
Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, các vụ khiếu nại không được xử lý đến nơi đến chốn. DN lấp liếm, cơ sở pháp lý để giải quyết không rõ ràng khiến NTD mệt mỏi, không muốn kêu ca thêm.
Thậm chí, có những vụ hoàn toàn không bị xử lý, NTD đành ấm ức chịu đựng mà không còn cách nào khác.
Luật pháp chưa đủ sức bảo vệ NTD
Ngày càng nhiều vụ vi phạm quyền lợi NTD bị phát hiện.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, số người tìm đến với Cục Quản lý Cạnh tranh mỗi ngày một đông. Trong đó, có đến khoảng 95% phản ánh, khiếu nại của họ là hoàn toàn chính đáng.
Ông Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ NTD TP.HCM cũng cho biết, trong 5 năm, từ 2003 đến 2007, Hội đã giải quyết hơn một ngàn vụ khiếu nại với tỷ lệ vi phạm của các ngành điện tử: 25%, dịch vụ: 23%, điện máy: 12,6%, mỹ phẩm - thực phẩm: 12.13%, ô tô - xe máy 8%, vật liệu xây dựng: 3,3%.
Bên cạnh, đó, những hành vi gian lận như nói quá sự thật về sản phẩm trong quảng cáo hay bán hàng đa cấp, không công khai thành phần, nguyên liệu chất dinh dưỡng trong thực phẩm, thời hạn bảo hành ngắn, địa điểm bảo hành không rõ ràng cũng rất phổ biến.
Điều này cho thấy, vì lợi nhuận, các DN sẵn sàng phớt lờ sức khỏe, tính mạng NTD và bất chấp luật pháp.
Trong khi đó, theo nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi NTD và trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối hiện hành còn quá chung chung, rời rạc và không mang tính hệ thống.
Không chỉ vậy, các quy định pháp luật về quản lý Nhà nước về bảo vệ NTD còn lạc hậu và mang tính hình thức, khẩu hiệu hơn là thực thi. Chưa kể, các luật chồng chéo lên nhau khiến nhiều vụ như bán hàng đa cấp không biết giao cho ai xử và nếu xử thì dựa vào luật nào.
Hiện nay, Nghị định 55 của Chính phủ về trách nhiệm bảo vệ NTD tuy được đánh giá là bước tiến trong hành trình hoàn thiện pháp luật bảo vệ NTD nhưng theo bà Loan và ông Dũng, Nghị định này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, còn chung chung và chỉ là một biện pháp chữa cháy, một lựa chọn tình thế trong tình trạng hiện tại chứ không phải biện pháp căn cơ.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Trung Dũng, để bảo đảm quyền lợi NTD, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật với những quy định cụ thể, chặt chẽ về quyền lợi, trách nhiệm cũng như biện pháp chế tài.
Hiện Cục Quản lý cạnh tranh đang xây dựng dự thảo Luật bảo vệ NTD để chậm nhất là vào năm 2010 sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua, ông Dũng cho biết.
vnn
|