Thứ Bảy, 25/10/2008 16:12

Giá cước di động có thể hạ thêm nữa!

Đó là ý kiến của ông Tống Việt Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel, trong cuộc trao đổi với phóng viên SGGP 12 Giờ. Ông Trung cho rằng: Nếu muốn khách hàng sử dụng nhiều hơn, phải có những hình thức tiếp cận mới. Việc giảm giá cước trên diện rộng, tùy thuộc vào mức độ cạnh tranh trên thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ. Quy luật cạnh tranh sẽ chi phối trực tiếp, có tính quyết định đến việc hạ giá cước và hạ đến mức nào...

* Ông đánh giá như thế nào về việc trong thời gian gần đây, các mạng di động đều đồng loạt hạ giá cước gọi đi quốc tế?

Ông Tống Việt Trung: Vấn đề này được mạng Viettel làm đầu tiên và đây là xu thế chung trong những kết nối quốc tế. Hiện ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ gọi đi quốc tế với công nghệ mới, giá rẻ, nhất là với dịch vụ VoIP. Bản thân các mạng di động cũng ngày càng tối ưu hóa mạng lưới của mình. Vì vậy, việc hạ giá cước gọi đi quốc tế của các mạng di động ở Việt Nam vừa qua là điều tích cực, thể hiện rõ xu hướng hội nhập viễn thông quốc tế của chúng ta...

* Dư luận gần đây cho rằng, các mạng di động ở Việt Nam đều đang quá tải và chất lượng dịch vụ không còn được tốt như trước... Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Thực ra bài toán đảm bảo dung lượng mạng để đáp ứng yêu cầu phát triển thì tất cả mạng đều phải tính đến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi, nhiều thời điểm, do việc nâng cấp mạng lưới nên có thể đã xảy ra hiện tượng trên một cách cục bộ. Hiện nay Viettel cũng như các mạng khác đều đang cố gắng đẩy nhanh việc xây dựng hàng ngàn trạm thu phát sóng (BTS), tăng cường vùng phủ sóng để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu vào dịp cuối năm nay, nhất là vào dịp Tết Âm lịch.

* Theo ông, giá cước di động ở Việt Nam, cụ thể là với giá cước của Viettel hiện nay, có thể giảm được nữa không?

Giá cước hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô của thị trường. Ở Việt Nam ở giai đoạn này, Viettel vẫn đang có những biện pháp để giảm giá cước. Hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, lớp khách hàng có mức thu nhập trung bình và thấp chiếm tỷ lệ rất đông trên mạng, vì vậy, cần phải có những mức cước, gói cước rẻ, hợp lý hơn để phù hợp với mức chi trả của lớp khách hàng này.

* Đánh giá của ông về mức độ cạnh tranh ở thị trường di động Việt Nam hiện nay nhất là giữa 3 mạng có thị phần lớn nhất Viettel, MobiFone và VinaPhone?

Tôi cho rằng 3 mạng này đang bám đuổi nhau tương đối sát sao. Trong vòng khoảng 1 năm qua mà giá dịch vụ giảm xuống 20%-30% thể hiện sự cạnh tranh rất quyết liệt. Điều đó đã mang lại lợi ích cho khách hàng khi được sử dụng dịch vụ với giá thành ngày càng rẻ hơn.

* Theo ông, thị trường di động Việt Nam trong một vài năm tới sẽ phát triển như thế nào?

Nhìn chung, thị trường vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh từ đây đến hết 2009 và thực tế thì các nhà cung cấp dịch vụ đang chuẩn bị tích cực cho giai đoạn phát triển này. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm đi và đi dần vào xu hướng bão hòa với khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại di động.

Khó khăn nhất đối với mạng di động Việt Nam thời gian tới là việc đảm bảo chất lượng dịch vụ. Khi thuê bao phát triển thì việc đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ rất khó khăn. Mặt khác là sự sáng tạo trong việc cung cấp dịch vụ, bởi khách hàng luôn đòi hỏi những cái mới hơn, tốt hơn. Nếu mạng nào không đảm bảo được chất lượng dịch vụ và sự sáng tạo trong kinh doanh, thì khó mà tồn tại lâu dài, phát triển được trên thị trường.

*Cảm ơn ông!.

Tính đến đầu tháng 10 vừa rồi, cả nước có 70,4 triệu thuê bao điện thoại trên toàn mạng, đạt mật độ gần 82 máy/100 dân. Trong đó thuê bao VNPT đang chiếm khoảng 55,4%, tiếp đến là Viettel với 34% thị phần. Phần còn lại thuộc các nhà cung cấp khác như EVN Telecom, SPT, VTC... Trong số 70,4 triệu thuê bao điện thoại, thuê bao di động chiếm gần 81%, tương đương với khoảng 57 triệu số. Theo số liệu khảo sát và công bố của Bộ TT-TT, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 10-2008, các mạng di động Việt Nam đã phát triển thêm được khoảng 10 triệu thuê bao.

sggp

Các tin tức khác

>   Chính phủ yêu cầu khẩn trương di dời Cảng Sài Gòn (25/10/2008)

>   Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 “bất ngờ” giảm 0,19% (25/10/2008)

>   Giá nông sản rất nhạy cảm (25/10/2008)

>   Tôm, cá khó đi xa? (25/10/2008)

>   Hội nghị lúa gạo quốc tế tổ chức tại Việt Nam vào năm 2010 (25/10/2008)

>   Hàng tiêu dùng: Thế giới giảm mạnh, trong nước lừng khừng (25/10/2008)

>   "Cái bóng" EVN vẫn bao trùm (25/10/2008)

>   Xuất khẩu và đầu tư sẽ bị nặng nhất (25/10/2008)

>   Năm 2009 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (25/10/2008)

>   Luật Cạnh tranh chưa được phát huy (25/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật