Tán thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao
Ngày 18-10, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự thảo Luật Đa dạng sinh học và dự thảo Luật Công nghệ cao.
Yêu cầu quy định chi tiết về sản phẩm biến đổi gien
Các vấn đề chính được bàn luận xung quanh dự thảo Luật Đa dạng sinh học liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, quyết định loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ; kiểm soát việc nhập khẩu các loài ngoại lai xâm hại; tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gien, sản phẩm biến đổi gien…
Là một nhà sinh vật học, ĐB Nguyễn Lân Dũng (ảnh) (Đắc Lắc) đặc biệt quan tâm đến khả năng nghiên cứu và khai thác các sản phẩm biến đổi gien song song với việc đảm bảo an toàn sinh học và lợi ích cho người tiêu dùng. Ông đề nghị: “Cần có quy định cụ thể để các nhà công nghệ sinh học Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng các sinh vật biến đổi gien, một việc bình thường của công nghệ sinh học hiện đại”.
ĐB Hà Thanh Toàn (TP Cần Thơ) tán đồng và chỉ ra rằng, theo quy định trong dự thảo “có tới 5 bộ cùng có trách nhiệm trong vấn đề này”. Ví dụ, khi nhập sữa, trong sữa có bổ sung đỗ tương, đỗ tương đó có sản phẩm biến đổi gien. Những quy định về sữa và đỗ tương hiện thuộc thẩm quyền 2 bộ khác nhau. Hay sản phẩm thủy sản đã được nuôi bằng những thức ăn có thành phần đỗ tương có biến đổi gien, để xuất ra nước ngoài… “Cần xác định rõ một đầu mối trong kiểm định, tốt nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ”, ông nói.
Một vấn đề hiện cũng đang là bức xúc trong nông nghiệp, nông thôn được ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập: “Nên bổ sung vào luật giao cho chính quyền các cấp có trách nhiệm trong việc bảo vệ đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái đô thị và hệ sinh thái nông nghiệp, điều này luật còn bỏ ngỏ. Trong hệ sinh thái nông nghiệp thì những loài thiên địch là rất cần thiết, duy trì sự đa dạng sinh học, đảm bảo cho nền nông nghiệp của chúng ta xanh hơn, bớt dùng hóa chất, thuốc trừ sâu hơn”...
Công nghệ cao: rất cần đầu tư của Nhà nước
Theo Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, 4 lĩnh vực được coi là “công nghệ cao”, được ưu tiên phát triển trong thời gian tới là công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ tự động hóa.
Tuy tán thành coi 4 lĩnh vực trên là “công nghệ cao”, song ĐB Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) cho rằng, cùng với đà phát triển khoa học kỹ thuật rất nhanh chóng như hiện nay, luật nên để “ngỏ” cho Chính phủ quy định thêm một số lĩnh vực mới cho phù hợp với tình hình thực tế.
ĐB tán thành việc lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia nhằm đẩy mạnh và tạo được bước phát triển đột phá trong lĩnh vực này. ĐB Trần Văn (Cà Mau) cùng chung quan điểm: “Nhà nước cần đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực công nghệ cao, vì đầu tư của Nhà nước sẽ tạo niềm tin, động viên khối doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực nhiều rủi ro này”.
Về nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, ĐB Ly Kiều Vân (Quảng Trị) còn có băn khoăn: “Tại Điều 18, Khoản 2 dự thảo luật quy định khuyến khích giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo tham gia hoạt động công nghệ cao thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp công nghệ cao. Quy định như trên là không phù hợp với dự thảo Luật Cán bộ công chức về những việc mà cán bộ, công chức không được làm. Cần xem xét để tránh tình trạng luật “cãi” luật”.
Về văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai liên quan đến việc đình chỉ Vedan, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: Sẽ trao đổi lại
Chiều 18-10, trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh quyết định số 8483/UBND-CNN mà UBND tỉnh Đồng Nai gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: “Tại văn bản này, không phải là UBND tỉnh Đồng Nai phản đối việc đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan, mà chỉ là họ còn phân vân về việc áp dụng quy định pháp luật như thế nào cho đúng trình tự, thủ tục. Quyết tâm xử lý nghiêm minh vi phạm về môi trường (không chỉ của Công ty Vedan mà tất cả những đơn vị, doanh nghiệp có hành vi tương tự) đã được quán triệt, Thủ tướng cũng đã có ý kiến. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có sự trao đổi lại với tỉnh Đồng Nai để cùng thống nhất cách thức ban hành văn bản xử lý”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Có thể thí điểm thu phí lưu thông ở vài khu vực nhỏ
Bên lề kỳ họp QH, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đề xuất của TPHCM về việc thu phí lưu thông, tăng thuế trước bạ phương tiện cá nhân (xe máy đóng phí lưu hành 500.000 đồng, ô tô dưới 7 chỗ là 10 triệu đồng và tăng thuế trước bạ để hạn chế sự gia tăng phương tiện, gây ùn tắc giao thông) ở thời điểm hiện nay là “chưa thích hợp” trong tình hình lạm phát vẫn còn cao.
Bộ trưởng nói: “Về nguyên tắc người tham gia giao thông cần đóng phí để hỗ trợ nâng cấp duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường khi tham gia giao thông, hỗ trợ phương tiện công cộng. Nhiều nước trên thế giới đều có các khoản phí khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông. Đây là biện pháp cần thiết và cũng thể hiện công bằng khi tham gia giao thông. Phương tiện đắt tiền, gây ảnh hưởng môi trường, chiếm nhiều diện tích khi lưu thông thì phải đóng góp nhiều, còn người đi bộ, sử dụng phương tiện thô sơ... thì không phải đóng.
Tại nhiều nước, thủ đô, thành phố lớn phát triển đều có biện pháp này. Đỗ xe hay lưu thông ở khu phố nào phải chi phí tương ứng hoặc có quy định đường nào hạn chế xe, xe biển số chẵn số lẻ... Tuy nhiên, thời điểm, đối tượng, mức phí cụ thể thì cần cân nhắc, chọn thời điểm thích hợp. Hiện tại mục tiêu hàng đầu của chúng ta vẫn là chống lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đặt vấn đề thu phí vào thời điểm này là hơi sớm. Tuy nhiên, nên có sự nghiên cứu, chuẩn bị ngay từ bây giờ, cần thiết có thể làm thí điểm ở một vài khu vực nhỏ mà nạn ùn tắc thường xảy ra nghiêm trọng”.
sggp
|