ĐBSCL: Ì ạch dự án chợ đầu mối
Chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế, 5-6 năm qua, hệ thống chợ đầu mối đã được Nhà nước quan tâm qui hoạch và xây dựng. Nhiều chủ trương, văn bản mang tính khả thi cao; nhưng khi triển khai lại gặp vướng mắc, hoặc có nguy cơ “chệch hướng”.
Trong Chương trình phát triển chợ đến năm 2010, Chính phủ và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã có nhiều văn bản làm cơ sở cho việc triển khai ở các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều chủ trương đúng, văn bản được chuẩn bị công phu, mang tính khả thi cao; nhưng khi triển khai thực hiện gặp vướng mắc, hoặc có nguy cơ “chệch hướng”, lại chưa được rà soát, kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm.
“Chương trình chợ” đang được triển khai tiếp bằng Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT của Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư lên đến 7.837 tỷ đồng ...
Từ những cơn sốt giá tại “vựa lúa châu Á”
Trong năm 2008, người tiêu dùng chứng kiến các “cơn sốt” cục bộ một số mặt hàng chiến lược như gạo, xi măng, sắt, thép… Cơn “sốt ảo” giá gạo tháng 4 vừa qua, mặc dù chỉ xảy ra trong vài ngày ngắn ngủi, nhưng làm cho nhiều người giật mình trước một nghịch lý chưa từng có ở xứ sở lúa gạo mà từ lâu đã được mệnh danh là “vựa lúa châu Á”.
Các “cơn sốt” vừa qua cho thấy những yếu kém trong tổ chức kênh phân phối, lúng túng trong “đối phó” do thiếu nguồn lực vật chất, do hệ thống hạ tầng thương mại yếu kém, liên kết dọc -ngang lỏng lẻo...
Và người ta nghĩ đến vai trò các chợ đầu mối với khả năng thu hút, phân phối và tham gia điều tiết thị trường. Tại ĐBSCL đã xây dựng nhiều chợ đầu mối cấp quốc gia, khu vực, trong đó các chợ tại Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã đi vào hoạt động 2 - 4 năm nay.
Theo ngôn ngữ của dự án, thì “chợ đầu mối” là “mô hình” liên kết 4 nhà, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với cách mua bán hiện đại, góp phần ổn định thị trường nông sản, đưa người nông dân tham gia vào thị trường, xóa bớt đầu mối trung gian, liên kết chặt chẽ các chuỗi giá trị trên cơ sở lợi ích hài hoà giữa người sản xuất, làm dịch vụ và tiêu thụ, xuất khẩu; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia mạnh mẽ.
Nhưng thực tế phần lớn các chợ đầu mối hiện nay giống như nơi gom các tiểu thương lại, hầu hết các dịch vụ hiện đại trong chợ như viễn thông, Internet, cách dịch vụ, tư vấn kinh doanh … chưa được triển khai. Đáng lo ngại là nhiều chợ đầu mối đang có nguy cơ bị biến dạng, đã và đang chờ chuyển sang… khu dân cư, khu công nghiệp. Chúng ta hãy cùng nhìn lại một số chợ đầu mối trái cây, lúa gạo “cấp quốc gia” trong vùng.
Chợ đầu mối trái cây quốc gia… bán mắm!
Trung tâm trái cây quốc gia Satra Tiền Giang rộng khoảng 11,2ha tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Đây là chợ đầu mối có vị trí đẹp mắt, có thế “tiền lộ, hậu sông”, với quốc lộ 1A đi qua – con đường giao thương sôi động nhất nối TP.HCM với ĐBSCL. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí cho rằng: “Khi bắt tay đầu tư, tỉnh có ý định nối liền trung tâm này với khu vực chợ gạo Bà Đắc để tạo thành chuỗi các đầu mối tiêu thụ hàng hóa do nông dân làm ra”.
Ông Nguyễn Hữu Chí còn cho biết, hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm mặc dù đã được xây dựng khang trang, nhưng việc khai thác lại không đơn giản. Cụ thể là mặt tiền nằm kề quốc lộ 1A với 500m chiều dài, mặt hậu có âu thuyền nối liền hệ thống kênh rạch tự nhiên và diện tích vườn cây ăn trái hàng chục ngàn hecta của huyện Cái Bè, Cai Lậy, cách không xa Trung tâm nghiên cứu ứng dụng cây ăn quả Miền Nam – một cơ sở khoa học nông nghiệp hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực cây ăn quả.
Vậy mà việc kinh doanh của trung tâm này lại gặp rất nhiều khó khăn từ lúc khai trương, tạm ngưng, rồi mở cửa trở lại, đến nay chỉ hoạt động cầm chừng. Trong tình thế đó, tỉnh “buộc lòng” phải chuyển giao trung tâm cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn khai thác.
Sau một thời gian tiếp nhận, Satra đã bố trí khu nhà chính của Trung tâm trái cây quốc gia làm “Siêu thị mắm Trí Hải” và cho xây thêm khách sạn, nhà hàng, văn phòng làm việc…. Tuy vậy, lượng khách vào-ra siêu thị cũng rất lèo tèo…
Cách nay 4 tháng (ngày 20/05/2008), Satra Tiền Giang có đề xuất đổi tên Trung tâm trái cây quốc gia thành “Trung tâm kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp”. Theo phương án này, Trung tâm sẽ chuyển sang kinh doanh giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, máy móc thiết bị nông-ngư cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Về lý do chuyển đổi, Satra Tiền Giang cho biết thời gian qua, các hoạt động của Trung tâm như cho thuê mặt bằng mở nhà hàng, cho thuê mở nhà vựa kinh doanh trái cây, nhà xử lý và bảo quản trái cây, kho mát, siêu thị, trạm dừng chân... gặp nhiều khó khăn.
Một lý do khác, theo Satra Tiền Giang, phương án mới sẽ “Được sự quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ của Satra Group về vốn, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tổ chức hội chợ…” Vì thế, lần thứ hai, hy vọng về một sự chuyển đổi tư thế khai thác khối tài sản cố định hơn 30 tỷ đồng này nhắm đến hiệu quả cao hơn nhiệm vụ mục tiêu ban đầu của nó.
Hiệu quả kinh doanh đang còn là dự kiến. Chỉ có điều chắc chắn là một Trung tâm trái cây quốc gia – vốn là ý định và mong muốn trước đây - sẽ không còn như tên gọi của nó.
Chợ gạo… ì ạch trong xây dựng
Khác với chợ trái cây Tiền Giang, việc triển khai xây dựng chợ lúa gạo đầu mối ở Thốt Nốt, Cần Thơ vừa qua đã bị Thủ tướng Chính phủ “thổi còi”. Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của UBND thành phố Cần Thơ trong việc triển khai dự án. Đây là 1 trong 3 chợ đầu mối cấp quốc gia, cùng được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2005 theo QĐ 559/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhắm tới những mục tiêu tốt đẹp, đồng bộ với QĐ 80 về tiêu thụ nông sản, giải quyết căn cơ “đầu ra” cho nông sản.
Chợ đầu mối cà phê Đắk Lắk đang phấn khởi chuẩn bị ngày khai trương sàn giao dịch cà phê (dự kiến cuối năm nay, nhân dịp Festival Cà phê lần thứ II – 2008) với hệ thống đặt lệnh, khớp lệnh đều thông qua các phương tiện điện tử và mang tầm quốc tế. Trong khi đó, chợ gạo đầu mối Thốt Nốt (Cần Thơ) hiện còn đang ì ạch trong xây dựng.
Có cả những “nguyên nhân khách quan, chủ quan”. Nhưng Cần Thơ là thành phố động lực của vùng, là một “chành lúa” trong vựa lúa ĐBSCL. Tuy chỉ cung cấp khoảng 1 triệu tấn lúa/năm, ít hơn sản lượng lúa của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, nhưng Cần Thơ được đại diện cho vùng để ghi danh vào “3 chợ đầu mối nông sản quốc gia”, đã được ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ.
Vì vậy, đề nghị của Cần Thơ “xin thôi đầu tư chợ gạo và chuyển toàn bộ phần đất sang phát triển công nghiệp” xem ra khó thuyết phục. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng chợ gạo Thốt Nốt, UBND và các ngành chức năng Cần Thơ đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới.
Cho đến nay, chợ đầu mối quốc gia vùng ĐBSCL còn nhiều việc phải bàn, từ đầu tư xây dựng đến hiệu quả khai thác. Làm gì để những chợ đầu mối tầm cỡ quốc gia - với hàng chục tỉ đồng đầu tư mỗi dự án - được khai thác hiệu quả, không phải chuyển đổi mục đích sử dụng một cách vá víu?
Câu trả lời không phải dễ. Bởi vì đây là những mô hình chưa có tiền lệ ở nước ta, và cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong đầu tư của Nhà nước về chợ đầu mối quốc gia.
vnn
|