Cơ hội phải chia đều
Ngay sau khi Nghị định 109/2007/NĐ-CP về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (DNNN) có hiệu lực, cơ hội để tiếp cận với thị trường mua - bán DNNN sẽ được chia đều cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Khoảng thời gian chờ đợi quy chế riêng dành cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định 80/2005/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê DNNN được chấm dứt nhờ những quy định rõ ràng, điều kiện ràng buộc... ngay tại Nghị định 109/2008/NĐ-CP. Điều quan trọng nhất, với cách đặt vấn đề này, ngoài một số hạn chế về tỷ lệ tham gia mua DNNN hoạt động trong lĩnh vực được cam kết về quyền kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, toàn bộ quy trình, thủ tục, các ưu đãi cũng như trách nhiệm trong hoạt động mua - bán DNNN được áp dụng chung cho cả nhà đầu tư, DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các quy định về quyền lựa chọn hình thức pháp lý của DN sau khi mua; được tiếp tục thuê đất hoặc nhận giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai cũng được dùng chung cho các đối tượng mua DN. Thời gian hiệu lực của các quy định này với các đối tượng là như nhau.
Thực ra, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài trong thị trường này đã được mở ra ngay tại Nghị định 80/2005/NĐ-CP. Khi đó, sự đón nhận từ phía nhà đầu tư rất hồ hởi. Với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mua lại DNNN đang gặp khó khăn để tận dụng lợi thế về địa điểm, thậm chí cả thương hiệu nội địa, hệ thống phân phối nội địa... được coi là hướng đi "tắt" để tiếp cận thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, như bình luận từ một số nhà đầu tư, cơ hội đó đã "treo" ngay từ ngày được mở ra. Lý do là điều kiện được quy định kèm theo là quy chế hướng dẫn đã không được ban hành.
Phải thừa nhận là những cơ hội "treo" như trường hợp của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường mua - bán DNNN không phải là cá biệt. Những quy định kèm điều kiện có văn bản hướng dẫn cụ thể tiếp theo thường ở trong tình trạng văn bản này chờ đợi văn bản kia. Nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản cũng đã phải kêu ca gần 1 năm mới biết rõ được các điều kiện cần phải có để được thực hiện quyền kinh doanh của mình. Nếu như tính thêm cả khoảng thời gian cơ quan thực thi trực tiếp phải chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên thì hầu hết nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực đều không tránh khỏi tình trạng "treo" cơ hội của mình.
Hoạt động bán DNNN ngay từ khi khởi động được kỳ vọng là giải pháp tốt để các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần, không tiến hành được cổ phần hoá… tránh phải tiến hành các thủ tục giải thể hoặc phá sản DN. Không chỉ các lợi thế về địa điểm, đất đai của những DN này được khai thác theo giá thị trường, mà hướng đi này còn mở ra cơ hội cho các DNNN này có khả năng vực dậy nhờ các nhà đầu tư thực chất, các phương án chuyển đổi kinh doanh phù hợp, phương pháp quản trị tiên tiến hơn… Điều quan trọng nhất là số lao động trong DN sẽ tránh được tình trạng mất việc khi DN giải thể, phá sản.
Tuy nhiên, những chuyển biến lớn, kỳ vọng đột phá trong quản trị DN của các DNNN thuộc diện bán đã không đạt được. Một trong những nguyên nhân được đưa ra, đó là cơ hội dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài chậm được khai thông. Mặc dù trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã chọn con đường vòng, bằng cách đứng sau một số nhà đầu tư trong nước, DN trong nước, để tranh thủ tận dụng cơ hội, song cách đi không chính thống thường không đem lại sự yên tâm về pháp lý của nhà đầu tư, yếu tố có thể nói là cần nhất trong hoạt động mua lại các DNNN gặp khó khăn, đang đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể.
đtck
|