Giọt nước tràn ly
Ông Trần Ngọc Thực, đại diện cho một số nhà đầu tư vừa có đơn khiếu nại tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Đây là một kết cục chẳng đặng đừng sau nhiều tháng nhà đầu tư này chạy tới chạy lui làm thủ tục đăng ký kinh doanh nhưng mong muốn đã không thành.
Mỏi mòn chờ “xin ý kiến”
Ý định của các nhà đầu tư là thành lập một công ty sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, trong đó vốn trong nước 51% và nước ngoài (Thái Lan) 49%. Theo luật sư Phạm Thành Long, Văn phòng Luật sư Gia Phạm, nơi được ông Thực ủy quyền giải quyết công việc thì tỷ lệ góp vốn và ngành nghề kinh doanh hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành.
“Ở Hà Nội, những trường hợp như thế này đã được cấp phép rất nhiều rồi!”, ông Long nói thêm.
Đơn khiếu nại cũng cho biết, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh vào ngày 22-5-2008 (có phiếu nhận hồ sơ). Nếu chiếu theo quy định thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ cơ quan đăng ký kinh doanh phải xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao quá thời hạn trên các nhà đầu tư vẫn không nhận được bất kỳ trả lời nào từ cơ quan đăng ký kinh doanh. Luật sư Long cho biết, sau nhiều lần hối thúc, ngày 7-7-2008, tức 33 ngày sau khi gửi hồ sơ ông Thực mới nhận được một công văn của Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Công văn này còn cho biết, về ngành nghề phân phối thức ăn chăn nuôi, phòng “sẽ tiếp tục xin ý kiến Bộ Công Thương trước khi cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp”.
Nhà đầu tư lại chờ đợi nhưng là chờ đợi trong vô vọng vì cho đến hạn nộp đơn khiếu nại vào ngày 23-9-2008, yêu cầu của họ vẫn không được giải quyết. Theo đơn khiếu nại, “việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh đã gây rất nhiều tổn thất cho nhà đầu tư bao gồm cả việc thuê cơ sở vật chất, lao động, cũng như mất đi các cơ hội kinh doanh và uy tín của chúng tôi tại thị trường”.
Ông Long cho biết trước khi tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư đã phải bỏ ra nhiều chi phí như thuê trụ sở (luật quy định phải có trụ sở mới cấp đăng ký kinh doanh), nhân sự, giao kết quảng cáo sản phẩm, tìm và giao kết với các đại lý... “Nếu khiếu nại không được giải quyết, vụ việc sẽ được khởi kiện ra tòa, trong đó chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh bồi thường những thiệt hại do họ gây ra” - luật sư Long khẳng định.
Giọt nước tràn ly?
Nhận xét về vụ việc trên, những người trong cuộc cho rằng đây thực chất chỉ là giọt nước làm tràn ly. Theo giới đầu tư, tình trạng giải quyết hồ sơ chậm chạp, đặc biệt đối với những trường hợp có vốn đầu tư nước ngoài và ngành nghề liên quan đến cam kết với WTO như phân phối, xuất nhập khẩu... đang trở thành vấn đề bức xúc tại TPHCM. Một trong những lý do giải quyết chậm thường được phía cơ quan thụ lý hồ sơ đưa ra là họ phải hỏi ý kiến các bộ.
“Luật quy định chỉ trong một số trường hợp phải lấy ý kiến của bộ chuyên ngành nhưng tôi thấy hầu như nộp hồ sơ nào cũng bị ách lại với lý do chờ ý kiến của bộ. Tuy nhiên, giả như thời gian hỏi tối đa 15 ngày và thời gian giải quyết hồ sơ 45 ngày đúng theo như quy định thì có thể chấp nhận được, còn đằng này việc hỏi, việc giải quyết cứ mịt mùng chẳng biết bao giờ mới xong”, một luật sư phát biểu.
Luật sư này cho biết, ông vừa làm xong một hồ sơ đăng ký đầu tư liên quan đến ngành nghề phân phối có vốn nước ngoài với thời gian giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đúng gần một năm trời. Tình trạng “cái gì cũng hỏi ý kiến bộ” như phản ánh cho thấy phải chăng đang “nổi lên” một căn bệnh dồn tích lâu nay: bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức?
Nhiều doanh nghiệp cũng rất hoang mang là gần đây nhân viên thụ lý thường đưa ra yêu cầu về mức vốn tối thiểu đối với nhà đầu tư nước ngoài mặc dù những ngành nghề này luật không quy định, ví dụ như phân phối, quảng cáo, vi tính, thiết kế...
“Họ chỉ yêu cầu miệng nói rằng hồ sơ phải tăng thêm vốn mà không nêu ra mức tăng cụ thể bao nhiêu cũng như không hề nói rõ dựa vào các căn cứ pháp luật nào cả”, một nhà đầu tư ấm ức.
Ngoài ra, có những trường hợp do luật quy định quá chung chung nên nhà đầu tư thực sự “điên đầu”, không biết làm sao để có thể đáp ứng trước những yêu cầu, vặn vẹo của cơ quan cấp phép. Ví dụ, bị buộc phải có xác nhận về tài chính của ngân hàng (để chứng minh năng lực tài chính); điều lệ công ty (luật chỉ quy định nếu có thì mới nộp); dự kiến doanh thu năm nay và năm sau... hoặc dựa vào công văn chỉ đạo của cơ quan quản lý chuyên ngành để hạn chế cấp phép.
Để chứng minh điều này, tại cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức vừa qua, có luật sư đã trưng ra một công văn của Bộ Công Thương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM: đối với các dự án vốn đầu tư nhỏ có mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa, không gắn với việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho dự án thì chỉ xem xét cấp phép với thời hạn tối đa là 10 năm.
“Chúng tôi tìm mãi vẫn không hề thấy có một quy định nào của pháp luật như vậy cả. Đây là một điều tùy tiện khi thay vì tôn trọng pháp luật thì các cơ quan quản lý lại dựa vào những công văn chỉ đạo như thế này”, vị luật sư này nhận xét.
Để làm rõ những bức xúc của nhà đầu tư, phóng viên TBKTSG đã nhiều lần liên hệ, xin được phỏng vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có trả lời chính thức từ cơ quan này.
"Họ chỉ yêu cầu miệng nói rằng hồ sơ phải tăng thêm vốn mà không nêu ra mức tăng cụ thể bao nhiêu, cũng như không hề nói rõ dựa vào các căn cứ pháp luật nào cả”, một nhà đầu tư ấm ức.
tbktsg
|