Malaysia dẫn đầu về FDI vào Việt Nam
Malaysia trong chín tháng qua đã vượt qua các nhà đầu tư truyền thống luôn dẫn đầu về vốn đăng ký vào Việt Nam đến từ Nhật, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… để trở thành nhà đầu tư có vốn đăng ký cao nhất ở Việt Nam.
Chín tháng qua, Việt Nam ghi nhận một luồng vốn đầu tư nước ngoài cao chưa từng có, đạt hơn 57 tỉ đô la Mỹ với 885 dự án được cấp phép. Đặc biệt, đây được xem là thời kỳ đầu tư nhiều nhất của Malaysia từ trước đến nay ở thị trường Việt Nam.
Chỉ với 37 dự án được cấp phép, Malaysia thua xa các nước và lãnh thổ khác như Hàn Quốc (217 dự án), Đài Loan (116), Nhật Bản (84), Singapore (73), hoặc Trung Quốc (58) nhưng lại dẫn đầu về nguồn vốn đăng ký đạt hơn 14,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm 26% tổng vốn đầu tư.
Dự án lớn nhất đưa Malaysia vươn lên vị trí dẫn đầu ở Việt Nam là liên doanh xây dựng khu liên hợp thép ở Ninh Thuận giữa Tập đoàn Lion của Malaysia và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Dự án có tổng công suất 14,42 triệu tấn thép thô/năm này đã đóng góp gần 10 tỉ đô la Mỹ vào tổng vốn cam kết đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong chín tháng qua.
Thật ra, dự án thép nói trên không phải là dự án đầu tiên của Lion ở thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư đa ngành này đã đến Việt Nam hơn bốn năm nay thông qua công ty con là Parkson, với ngành nghề kinh doanh là phân phối mở trung tâm thương mại bán lẻ.
Parkson đã nhanh chóng mở 5 trung tâm thương mại chuyên bán hàng thời trang cao cấp tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng. Hiện Parkson đang cố gắng tìm thêm nhiều địa điểm mới nhằm nhân rộng mô hình kinh doanh hàng thời trang cao cấp lên khoảng 8-10 trung tâm ở Việt Nam.
Lĩnh vực xử lý môi trường cũng là một thế mạnh của các doanh nghiệp Malaysia.
Tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Gamuda khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án công viên Yên Sở, ở Hà Nội. Dự án có nhiều hạng mục, trong đó nhà máy xử lý nước thải có diện tích 8,8 héc ta với tổng vốn đầu tư ước tính 233 triệu đô la Mỹ được xem là hạng mục quan trọng nhất. Nhà máy có khả năng xử lý 200.000m3 nước/ngày đêm, tương ứng với gần một nửa lượng nước thải sinh hoạt của Hà Nội, và phục vụ 1,2 đến 1,5 triệu dân Hà Nội.
Tập đoàn Wijaya Baru của Malaysia cũng đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TPHCM để hợp tác các dự án đầu tư lớn về giao thông và môi trường trên địa bàn thành phố.
Đầu tư mạnh vào bất động sản
Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư nhiều nhất của Malaysia ở Việt Nam hiện nay đó là địa ốc. Hàng loạt công ty bất động sản lớn của Malaysia hai ba năm nay đã nhanh chân đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư với nhiều tham vọng lớn, như Tập đoàn Berjaya đặt ra mục tiêu trở thành nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam.
Tập đoàn này vừa nhận được giấy phép đầu tư xây dựng một khu đô thị - đại học quốc tế đầu tiên tại khu đô thị Tây Bắc, huyện Hóc Môn, TPHCM, với tổng vốn đầu tư 3,5 tỉ đô la Mỹ. Đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất trên địa bàn TPHCM. Dự án này sẽ được xây dựng trên khu đất 925 héc ta và được chia làm bốn khu chức năng: giáo dục đại học, đô thị kế cận, trung tâm dịch vụ tổng hợp và khu công viên cây xanh.
Ngoài ra, Berjaya đã nhận được giấy phép đầu tư dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam với tổng vốn đầu tư 930 triệu đô la Mỹ, tại khu đất số 12 trên đường 3-2, quận 10, TPHCM (khu du lịch Kỳ Hòa hiện hữu).
Berjaya cũng vừa cho khởi công xây dựng khu phức hợp gồm khách sạn năm sao, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và khu căn hộ cao cấp tại Đồng Nai, với vốn đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ.
Ngoài các dự án bất động sản, Berjaya còn hợp tác với các doanh nghiệp và ngân hàng trong nước để thành lập công ty chứng khoán tại TPHCM. Berjaya hiện đang có cổ phần trong các khách sạn Sheraton, Intercontinental ở Hà Nội và khu du lịch Longbeach ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Berjaya có kế hoạch đầu tư đến 10 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, trong vòng 12 năm.
Bên cạnh Berjaya, một nhà đầu tư bất động sản lớn khác là SP Setia cũng có mặt với dự án khu đô thị sinh thái Eco Lake quy mô lớn ở Bình Dương.
Lĩnh vực địa ốc đang trong tình trạng “đóng băng” do các ngân hàng siết chặt vốn cho vay bất động sản cũng như ảnh hưởng chung tình hình tài chính thế giới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Malaysia, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, về trung và dài hạn, thị trường địa ốc Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong khu vực, vì nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giới trẻ chiếm đa số có nhu cầu sống độc lập…
Do đó, nhiều doanh nghiệp Malaysia tiếp tục tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn Giant Group Limited của Maylaysia đã lên kế hoạch xây dựng khu đô thị mới với số vốn lên đến 5 tỉ đô la Mỹ ở Đồng Tháp. Hay gần đây nhất là một đoàn doanh nghiệp bất động sản Malaysia thuộc Liên đoàn bất động sản Quốc tế (FIABCI) đã đến TPHCM tìm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển các dự án nhà ở, cao ốc văn phòng, khách sạn, khu đô thị…
Tính từ trước đến nay, cả nước thu hút được hơn 9.580 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 142,2 tỉ đô la Mỹ. Malaysia có 281 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 17,7 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ hai về vốn đăng ký sau các nhà đầu tư đến từ Đài Loan (tổng vốn đăng ký hơn 19,46 tỉ đô la Mỹ).
tbktsg
|