Vật lộn với thịt nhập khẩu
Làn sóng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, buộc doanh nghiệp kinh doanh thịt tươi trong nước tìm mọi cách giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
Thịt trong nước gặp khó
Với lợi thế giá rẻ chỉ bằng 2/3 so với các loại thịt trong nước, điều kiện nhập khẩu dễ dàng nên nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh nhập khẩu thịt. Hiện có khoảng 20 đơn vị nhập khẩu các loại thịt heo, bò, gà từ Mỹ, Brazil, Argentina, Úc, Canada về Việt Nam cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, chợ, cửa hàng, siêu thị…
Cục Chăn nuôi TPHCM cho biết chỉ trong tám tháng đầu năm 2008, có đến 103.401 tấn thịt được nhập về, gấp ba lần so với khối lượng nhập khẩu của cả năm 2007, trong đó thịt heo (thịt và nội tạng) là 8.612 tấn.
Theo Chi cục Thú y TPHCM, trong ba tuần đầu tháng 8-2008, sản phẩm gia cầm đông lạnh tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 16.221 tấn, bình quân 77 tấn/ngày, trong đó thịt gia cầm nhập khẩu, chủ yếu là thịt gà, chiếm khoảng 50%.
Nhiều công ty chế biến thực phẩm đã chuyển sang sử dụng thịt nhập làm nguyên liệu thay thế dần thịt trong nước. “Trung bình một bữa ăn của công nhân khoảng 6.000 đồng, dù sử dụng thịt tươi loại hai, loại ba, công ty vẫn không có lời”, ông Nguyễn Văn Nam, một doanh nghiệp kinh doanh bếp ăn tập thể cho biết. Trong ba tháng gần đây, công ty đã thay thế 90% thịt tươi bằng thịt nhập trong các khẩu phần ăn.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng với quyết định tăng thuế nhập khẩu thịt của Bộ Tài chính được áp dụng từ ngày 12-10, giá bán thịt nhập trong nước sẽ tăng. Cụ thể, thuế nhập khẩu thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm, nhất là gà nguyên con, đã chặt mảnh dưới dạng tươi hay đông lạnh được áp thuế 40%, thay vì 15% như trước đây; thịt heo ướp lạnh hay đông lạnh là 27% (thay vì 25%).
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Thương mại và Chế biến thực phẩm Phú An Sinh, cho rằng: “Thay vì chỉ được tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, ngày càng nhiều hộ gia đình chọn thịt nhập cho bữa ăn hàng ngày”.
Theo một cuộc khảo sát với khoảng 1.000 người (800 người ở TPHCM và 200 người ở Biên Hòa, Đồng Nai) do một công ty nghiên cứu thị trường thực hiện, số người sử dụng thịt nhập đã tăng lên 30-40% thay vì chỉ 10% trong năm 2007.
Những hướng đi
Trước cuộc chiến giành lại thị phần bị mất bởi thịt nhập, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi và giết mổ trong nước dần chuyển đổi mô hình theo hướng khép kín và chuyên nghiệp.
Ông Vũ Bá Quang, Phó giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nam (D&F), cho biết nhà máy đã phát triển quy trình khép kín từ “trang trại đến bàn ăn”, để kiểm soát chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn, quá trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến và sau đó cung cấp tận tay người tiêu dùng. D&F là thành viên của Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai vốn có sẵn nhà máy ấp trứng, trại heo giống, nhà máy chế biến thực phẩm gia súc.
Hiện nay, ngoài tập đoàn CP của Thái Lan hoạt động ở Việt Nam hàng chục năm qua, một số tập đoàn từ châu Á khác như San Miguel (Philippines), GreenFeed (Thái Lan), Chiashin (Đài Loan), Handpork (Hàn Quốc), Japfa (Malaysia) đang đi theo quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến chế biến.
Tuy vậy, việc đầu tư cho mô hình chăn nuôi khép kín chẳng hề dễ dàng vì còn đòi hỏi nhiều yếu tố về vốn, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm... Ông Lý Công Thắng, Giám sát marketing Công ty TNHH Unitek Enterprise với thương hiệu Gia cầm 99, cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu: nguồn cung từ các hộ nông dân không đảm bảo về số lượng, khó kiểm soát về chất lượng, còn nếu mua thịt thông qua công ty trung gian thì giá thành cao, khó kiểm soát nguồn gốc.
“Unitek Enterprise mới đầu tư dây chuyền giết mổ trị giá gần 7 triệu đô la Mỹ với công suất 4.000 con gà/giờ. Nhưng do thiếu đầu vào, công ty chỉ nhận giết mổ gia công khoảng 22.000 con/ngày và chỉ khoảng 7.000 con được bán dưới thương hiệu Gia cầm 99, bao gồm thịt tươi và thịt chế biến. Vì vậy, doanh thu chủ yếu của công ty là từ gia công, chỉ 4% từ bán sản phẩm trực tiếp”, ông Thắng nói.
Trong quy trình kinh doanh khép kín trên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là gian nan hơn cả, nhất là khi thị phần đang bị thu hẹp bởi thịt nhập. Xu hướng của các công ty giết mổ trong nước là đầu tư mạnh vào quy trình chế biến tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Chẳng hạn, D&F phát triển các sản phẩm chế biến theo hướng tiện lợi và phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam như thức ăn truyền thống (giò thủ, chả lụa, lạp xưởng tươi…), thức ăn hiện đại (thịt nguội, patê…), thức ăn nhanh (có thể dùng ngay sau khi hâm qua lò vi sóng)…
Còn thương hiệu Gia cầm 99, ngoài việc mở rộng kênh phân phối thịt tươi, còn đầu tư chuỗi sáu cửa hàng bán hơn 15 món ăn chế biến từ gà.
“Hiện công ty cung cấp các sản phẩm thịt gà theo yêu cầu của từng khách hàng. Khi nhận được đơn hàng, phòng R&D của công ty sẽ tính toán thành phần gia vị riêng cho khách hàng đó và cam kết không cung cấp công thức cho khách hàng khác. Hình thức này đang được nhiều nhà hàng, khách sạn lựa chọn nhằm tạo sự khác biệt”, ông Thắng nói.
Thêm nữa, nhiều công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ và thị trường Tây Âu, như Cầu Tre, Acecook, Vifon... luôn đòi hỏi các sản phẩm thịt tươi được kiểm soát nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, một khi kiểm soát được nguồn gốc vật nuôi, các công ty chăn nuôi trong nước sẽ nhanh chóng giành được đầu ra quan trọng này, thậm chí mở rộng xuất khẩu sản phẩm thịt tươi lẫn thịt chế biến sang các thị trường khó tính.
Nằm trong chiến lược đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm, D&F đang thử nghiệm mô hình gà ta sinh thái, được nuôi thả tự nhiên trên đồng cỏ. Theo ông Quang, nhu cầu tiêu thụ loại gà này hiện rất lớn và cung không đáp ứng đủ cầu. Mặc dù chưa đến Tết nhưng số đơn đặt hàng đã lên đến 50.000 con với giá bán cao hơn gà thông thường.
Khó khăn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Trong cuộc cạnh tranh với thịt nhập khẩu, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá bán sản phẩm luôn thấp hơn giá thành chăn nuôi. Chẳng hạn, với quy mô chuồng 1.000 con gà, giá thành nuôi khoảng 25.000-26.000 đồng/ki lô gam nhưng các công ty chỉ mua với giá 21.000-22.000 đồng/ki lô gam.
Con đường duy nhất để tồn tại là người chăn nuôi phải tìm cách giảm chi phí, mà chủ yếu là tiền mua thức ăn, chiếm từ 60-70% giá thành chăn nuôi (các khoản chi phí như tiền nhân công, điện nước, vật tư sửa chữa chuồng trại… rất khó tiết giảm).
tbktsg
|