Kinh tế rừng miền tây Nghệ An phát triển chưa vững chắc
Phát triển kinh tế rừng miền tây Nghệ An chưa vững chắc, mức sinh khối thấp, độ che phủ còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ rừng chưa cao, diện tích đất chưa có rừng chiếm tỷ lệ hơn 27% diện tích toàn vùng.
Miền tây Nghệ An trải dài trên địa bàn mười huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Ðàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh vì có đường biên giới chung với nước CHDCND Lào khoảng 419 km. Dải biên giới có các cửa khẩu lớn: cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy. Miền tây Nghệ An nổi tiếng với nhiều cánh rừng nguyên sinh ở Vườn quốc gia Pù Mát và khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Huống, Pù Hoạt), một số khu di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia.
Theo kết quả rà soát, quy hoạch lại ba loại rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp của các huyện thuộc miền tây Nghệ An là 1.095.239 ha, chiếm 80% diện tích tự nhiên của toàn vùng, trong đó diện tích đất có rừng 722.308 ha (rừng tự nhiên 681.062 ha, rừng trồng 41.246 ha), đất chưa có rừng hơn 372.930 ha có thể đưa vào sản xuất lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác. Chất lượng đất thích hợp nhiều loại cây trồng, cho năng suất, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng miền tây Nghệ An đạt được một số kết quả nhất định, đã giảm dần tình trạng suy thoái, bước đầu đi vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng, độ che phủ của rừng không ngừng được tăng lên, chất lượng rừng ngày càng được cải thiện. Các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như của tỉnh Nghệ An về bảo vệ và phát triển rừng được ban hành tạo hành lang pháp lý thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển, nhất là phát triển rừng sản xuất. Nghề rừng ở nhiều huyện bước đầu thích ứng với phương thức sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Ðã hình thành một số vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở công nghiệp chế biến gỗ, lâm đặc sản... Công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được xã hội hóa, huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia phát triển vốn rừng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển kinh tế rừng miền tây Nghệ An chưa vững chắc, mức sinh khối thấp, độ che phủ còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ rừng chưa cao, diện tích đất chưa có rừng chiếm tỷ lệ hơn 27% diện tích toàn vùng. Nghề rừng chưa trở thành kinh tế mũi nhọn, chưa bảo đảm an toàn nguồn nước cho hệ thống thủy điện. Công tác điều tra, thiết kế cơ bản còn có một số tồn tại, chất lượng quy hoạch và các dự án còn hạn chế, dẫn đến việc đề ra và thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng còn nhiều bất cập... Mức độ và hiệu quả đầu tư phát triển rừng còn thấp, sản phẩm từ rừng nghèo nàn, công nghiệp chế biến chưa phát triển và sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, chưa tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, tiêu thụ lâm sản còn ách tắc. Công tác bảo vệ rừng yếu, tình trạng vi phạm lâm luật đốt nương làm rẫy, cháy rừng xảy ra ở nhiều khu vực. Một số nơi rừng tiếp tục bị tàn phá, cạn kiệt dẫn đến xói mòn, sạt lở cao, đang gây hậu quả xấu về tài nguyên, môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân miền núi. Công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến đầu tư vào lâm nghiệp chưa sâu rộng, thiếu thông tin cho các nhà đầu tư, vì vậy những tiềm năng, lợi thế của vùng về lâm nghiệp chưa được khai thác một cách hiệu quả.
Ðể phát triển rừng miền tây Nghệ An tương xứng vị trí, vai trò của vùng, cần rà soát, quy hoạch lại ba loại rừng đã được phê duyệt. Các huyện tiến hành điều chỉnh, quy hoạch phát triển lâm nghiệp phù hợp điều kiện thực tiễn và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và miền tây Nghệ An nói chung. Ðiều chỉnh mục đích sử dụng đất cho phù hợp, trong đó cần phải tính đến tính chất đa tác dụng của rừng. Xác định rõ ranh giới của ba loại rừng trên bản đồ và ngoài thực địa, hoàn tất thủ tục giao đất, giao tài nguyên rừng, kiểm kê một cách chính xác hiện trạng rừng, tạo điều kiện cho chủ rừng yên tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tập trung quy hoạch ổn định hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng biên giới, rừng đặc dụng nhằm tạo nguồn sinh thủy, ổn định dân cư, bảo đảm an toàn nguồn nước cho công trình thủy điện Bản Vẽ, hệ thống thủy điện Bản Mòng và một số công trình thủy lợi...
Ðối với rừng sản xuất, trên cơ sở cân đối nhu cầu phát triển và khả năng thực tế các nguồn lực, quy hoạch vững chắc diện tích rừng để tăng diện tích trồng và phát triển kinh tế rừng. Nâng cao chất lượng và hiệu quả rừng sản xuất nguyên liệu giấy, ván sàn, cung cấp gỗ dân dụng, lâm sản ngoài gỗ, diện tích trồng cây nguyên liệu cho công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Xác định diện tích rừng nghèo kiệt, rừng trồng hiệu quả kinh tế thấp, cải tạo thành rừng giàu cho hiệu quả kinh tế cao.
Hình thành các vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với các cơ sở chế biến hiện có và xây dựng thêm các nhà máy mới với quy mô, công suất, công nghệ tiên tiến phù hợp trên địa bàn, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường và tạo ra thị trường tiêu thụ lâm sản ổn định. Ðây là yếu tố quyết định bảo đảm cho phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Bảo đảm chính sách hưởng lợi đối với người bảo vệ và phát triển rừng, tạo động lực cho đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, cần rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo vệ và phát triển rừng, sửa đổi, bổ sung định mức, thời gian, đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo đảm cho chủ rừng có thể sinh sống và làm giàu từ kinh tế rừng. Ðồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân dưới nhiều hình thức.
Ðổi mới cơ chế, chính sách và huy động tổng hợp, đồng bộ giữa các nguồn lực cho yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng một số dự án đầu tư phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng để kêu gọi vốn ODA và các nguồn vốn khác. Có cơ chế thông thoáng để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, đối tác nước ngoài, vốn của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân) và các thành phần kinh tế khác... cho bảo vệ và phát triển rừng.
Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên kết với nhân dân để phát triển rừng sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch chế biến, tiêu thụ lâm sản trên thị trường sản xuất, cung ứng giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật và có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng phù hợp để thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân vào làm rừng, liên doanh chế biến lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Kỹ sư TRẦN VĂN ÐƯỜNG - Phó Chủ tịch Hội KHKT lâm nghiệp Nghệ An
nhân dân
|