Chủ Nhật, 19/10/2008 08:17

GDP “xanh” để phát triển

Không phải đến khi Vedan VN bị “day tận trán” tội giết chết sông Thị Vải, Miwon sát hại sông Hồng..., tiếng chuông cảnh tỉnh về sự trả giá quá đắt của việc “hy sinh môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế” mới được dóng lên. Nó có nghĩa là chấm dứt sự tranh cãi “phát triển kinh tế trước, có tiền sẽ lo bảo vệ môi trường sau” – TS Nguyễn Văn Vịnh, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội và phát triển nói

TS Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) - nhận định: Với nguồn ngân sách 5.100 tỉ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường, cao hơn rất nhiều so với 1% ngân sách trước đây đã thể hiện sự quyết tâm của VN trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó việc thành lập lực lượng cảnh sát môi trường cũng để tăng cường thêm đơn vị đấu tranh với tội phạm môi trường.

Trung Quốc đã mất 15% GDP vì ô nhiễm môi trường

Trong một giai đoạn dài, Trung Quốc được coi là một sự thần kỳ của thế giới với mức phát triển nóng 9%-11% mỗi năm. Tuy nhiên, sự hài lòng đó giờ đây đang được thay thế bằng những tính toán thiệt hơn chi phí khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, bệnh tật, người dân mất đất... Môi trường đã không bắt kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, 1/3 lãnh thổ quốc gia này hứng chịu mưa acid, một nửa lượng nước tại 7 con sông lớn hoàn toàn không thể sử dụng, trong khi 1/4 dân số không được tiếp cận với nước sạch, 1/3 dân cư đô thị phải hít thở không khí bị ô nhiễm, chưa tới 20% rác thải tại các đô thị được xử lý bằng các biện pháp thân thiện môi trường. Trong danh sách 10 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất thế giới, có 5 thuộc về Trung Quốc.

Theo tính toán của các chuyên gia Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, với mức độ ô nhiễm hiện nay, Trung Quốc sẽ phải chi khoảng 450 tỉ USD tương đương 15% GDP, cho việc làm sạch môi trường. Ngoài ra, là hàng tỉ USD cho chi phí y tế đối với các loại bệnh tật do ô nhiễm gây ra.

Đấy là giả thiết tăng trưởng kinh tế giúp cho quốc gia này có những nguồn lực tài chính để đối phó với các cuộc khủng hoảng môi trường, nguyên liệu thô và gia tăng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, theo tính toán của ông Pan Yue - Cục phó Cơ quan Bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc (SEPA) - các nước phát triển với GDP bình quân đầu người từ 8.000 USD - 10.000 USD mới có thể đáp ứng được.

Chấm dứt tranh cãi

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Môi trường của QH, nói: Những bức xúc về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, dịch vụ... kém, đều đã được biết từ lâu. Khi tôi còn ở Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cũng đã có báo cáo giám sát nhưng không giành được sự quan tâm đúng mức. Lâu nay vì thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vấn đề môi trường đã không được quan tâm mặc dù mỗi dự án đầu tư đều có yêu cầu về báo cáo tác động môi trường.

TS Nguyễn Văn Vịnh phân tích: Nếu lấy ví dụ từ Trung Quốc làm chuẩn so sánh, hầu hết những ngành công nghiệp “bẩn” gây ra hậu quả môi trường thì cũng đã và đang có mặt tại VN. Đó là những ngành công nghiệp phát triển nhất, đóng góp nhiều nhất vào doanh thu sản xuất và xuất khẩu như luyện kim, nhiệt điện, hóa dầu, đóng tàu, chế biến thực phẩm...

Theo ông Vịnh, nếu căn cứ vào Báo cáo Viễn cảnh môi trường toàn cầu- 4 (GEO-4) được công bố tháng 10-2007, về độ an toàn môi trường, VN xếp thứ 8/8 nước ASEAN (trừ Singapore và Brunei); thứ 98/117 nước đang phát triển. VN có mọi vấn đều được nêu ra, tức là nếu xét tới các tổn thất môi trường, GDP tăng trưởng hằng năm sẽ chỉ còn 3% - 4% thay vì 8,5% của năm 2007, có nghĩa là chỉ số tăng trưởng cao cũng không còn ấn tượng nữa.

Rất nhiều đại biểu QH đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khắp mọi nơi và cho rằng nguyên nhân do pháp luật chưa quy định rõ ràng, việc xử lý chưa nghiêm và bộ máy quản lý yếu kém.

Tuy nhiên, ông Vịnh cho rằng mọi lý do đó chỉ là hình thức. Việc điều tra, xử lý ô nhiễm môi trường không khó, “không phát hiện được” xuất phát từ nhận thức “ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá”, ưu ái mà lờ đi những sai phạm của nhà đầu tư. “Bảo vệ môi trường, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, sự tính toán chứ không phải đổ lỗi cho những yếu kém” - ông Vịnh nói.

Rất mừng, sự thay đổi này bắt đầu được nhen nhóm bằng việc Đà Nẵng từ chối 2 dự án thép hàng tỉ USD vì lý do bảo vệ môi trường và du lịch; bằng việc xử lý Hyundai Vinashin lén lút đổ rác thải ra ngoài; việc bắt quả tang Vedan, Miwon chỉ là việc thúc đẩy sự quyết tâm thay đổi tư duy.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết rất mừng vì Chính phủ đã đặt cả 3 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường ngang bằng nhau. “Đây là 3 chân kiềng của phát triển bền vững” - ông Thuyết nói. TS Nguyễn Thành Bang (Viện Chiến lược Chính sách Khoa học – Công nghệ, Bộ Khoa học – Công nghệ) cũng nhấn mạnh phải thay đổi nhận thức: “Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần cho phát triển, chứ không đồng nghĩa với phát triển.

Lâu nay trên các phương tiện đại chúng và trên tất cả các tài liệu chính thức mà chúng ta công bố, chỉ nói đến mức độ tăng trưởng GDP, chứ chưa nói đến chất lượng tăng trưởng”.

Tổng thu nhập quốc nội “xanh”

TS Pan Yue cũng là người khởi xướng cái gọi là “Tổng thu nhập quốc nội xanh”. Đây là một mô hình đánh giá những chi phí cho tăng trưởng, như ô nhiễm môi trường là một ví dụ.

Mặc dù về mặt kỹ thuật rất khó thực hiện việc tính toán GDP xanh, nhiều nước đang nghiên cứu GDP xanh, song đến nay chưa nước nào tính được chỉ số này với ý nghĩa thực sự, nhưng TS Nguyễn Văn Vịnh cho rằng việc nghiên cứu để áp dụng GDP xanh sẽ thúc đẩy tốt hơn việc bảo vệ môi trường.

GDP không phản ánh đúng trạng thái thực của nền kinh tế bền vững. Mỗi năm GDP tăng trưởng 7%-8,5% nhưng không biết được cái giá là nguồn vốn tự nhiên bị hao mòn bao nhiêu? GDP tăng cũng không đồng nghĩa với đời sống của người dân được tăng theo. Do đó, nhằm phản ánh sự phát triển kinh tế một cách trung thực hơn. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đang xây dựng và sử dụng những chỉ số đo lường khác để thay thế GDP như GPI (chỉ số phát triển thực), ISEW (chỉ số phúc lợi kinh tế bền vững), SNBI (chỉ số lợi tức ròng và bền vững). Các chỉ số này không dựa trên giá trị sản phẩm làm ra mà căn cứ vào mức chi tiêu mà người dân trong nước bỏ ra để thụ hưởng các sản phẩm và dịch vụ.

Bộ Tài nguyên-Môi trường: Sẽ có hướng dẫn để UBND tỉnh Đồng Nai đóng cửa Vedan VN

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thông báo về việc không thể tạm đình chỉ hoạt động của Vedan VN do vướng quy định của pháp luật. Theo đó, tỉnh Đồng Nai cho rằng căn cứ theo Pháp lệnh Xử phạt hành chính quy định "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần". Do vậy, việc tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan VN thuộc hình thức xử phạt bổ sung trong quyết định xử phạt hành chính ngày 6-10 vừa qua của Chánh Thanh tra Bộ TN-MT nên UBND tỉnh Đồng Nai không thể ra quyết định xử phạt hành chính bằng một quyết định riêng lẻ tiếp theo quyết định của Bộ TN-MT.

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 14-10, Vedan VN đã nộp số tiền phạt vi phạm hành chính 267,5 triệu đồng vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai. Việc nộp phạt này theo UBND tỉnh Đồng Nai có nghĩa Vedan VN đã hoàn tất nghĩa vụ nộp phạt hành chính theo quyết định của Thanh tra Bộ TN-MT.

Trước đó, ngày 7-10, Bộ TN-MT đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất các nhà máy Vedan VN cho đến khi hoàn thiện biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Chiều 18-10, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho hay, phía Bộ TN-MT đã có ý kiến với tỉnh Đồng Nai và tỉnh này khẳng định không có chuyện không thể đình chỉ Vedan VN. Theo ông Hà, văn bản mà UBND tỉnh Đồng Nai gửi Bộ TN-MT là văn bản trao đổi nghiệp vụ nhằm tham khảo cách xử lý cho phù hợp. Do vậy, Bộ TN-MT sẽ sớm có hướng dẫn để UBND tỉnh Đồng Nai áp dụng đúng theo trình tự pháp luật để đóng cửa Vedan VN. “Việc xử lý sai phạm, cũng như đóng cửa Vedan VN căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường, ở đây chỉ là vấn đề tỉnh Đồng Nai hiểu chưa đầy đủ. Không có chuyện bất hợp tác giữa bộ và tỉnh” – ông Hà nói.

nlđ

Các tin tức khác

>   Giá mủ cao su tụt không phanh, liệu có đáng lo (19/10/2008)

>   ĐBSCL: Ì ạch dự án chợ đầu mối (19/10/2008)

>   Việt-Ấn trao đổi kinh nghiệm phòng vệ thương mại (18/10/2008)

>   Mở rộng quốc lộ 1A đoạn Đông Hà-Quảng Trị (18/10/2008)

>   Cơ hội phải chia đều (18/10/2008)

>   UBND tỉnh Đồng Nai không thể 'đóng cửa' Vedan (18/10/2008)

>   “Trở thành đối tác... hơn là tạo ra mối đe dọa” (18/10/2008)

>   Indochina Airlines chuẩn bị cất cánh (18/10/2008)

>   Malaysia dẫn đầu về FDI vào Việt Nam (18/10/2008)

>   Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim sang châu Âu (18/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật