ISO cho sản xuất thức ăn chăn nuôi
Cầm trên tay cuốn “Sổ tay nguyên liệu sử dụng trong dinh dưỡng vật nuôi” dày cả trăm trang, Tổng giám đốc Công ty Guyomarc’h Việt Nam, ông Christophe Guillaume, giải thích một cách say sưa về hệ thống các chỉ tiêu kỹ thuật mà mỗi nguyên liệu đầu vào của công ty phải trải qua trước khi được đưa vào chế biến.
Khoát tay chỉ về phía nhà máy Guyomarc’h-VCN ở Chèm, Từ Liêm-Hà Nội (thuộc Công ty Guyomarc’h Việt Nam do Pháp đầu tư) nơi từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở thành phẩm đi tiêu thụ, vị doanh nhân người Pháp mỉm cười: “Các nhà cung cấp bắt tay với công ty phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong cuốn sổ này. Nếu họ cam kết, chúng tôi sẵn sàng mua nguyên liệu cao hơn giá thị trường”.
Quy trình kiểm tra chất lượng đầu vào được Guyomarc’h-VCN áp dụng thống nhất cho tất cả các nguồn nguyên liệu và đánh giá chi tiết từng loại thông qua các thông số kỹ thuật nhằm duy trì nguyên tắc sử dụng nguyên liệu sạch không có hoóc-môn kích thích tăng trưởng. Bước tiếp theo, phòng phân tích kỹ thuật của công ty có vai trò như “bộ lọc” xét nghiệm từng mẫu nguyên liệu để đảm bảo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của công ty. Lấy ví dụ, bắp được đánh giá tại khâu kiểm hàng thông qua các chỉ tiêu cảm quan về độ ẩm, tạp chất, mốc, mọt, nhiệt độ để phân loại chất lượng tốt, trung bình hay xấu, sau đó sẽ được đưa vào phòng phân tích kiểm nghiệm chỉ tiêu hóa tính: hàm lượng tinh bột, độc tố…
Ông Guillaume cho rằng, sự nghiêm ngặt không bao giờ là thừa bởi vì nó đảm bảo chất lượng tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm cho đầu ra cuối cùng của sản phẩm. “Nguồn nguyên liệu kém chất lượng sẽ tạo ra sản phẩm thức ăn chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn, đôi khi, chỉ một cái gật đầu dễ dãi sẽ làm hại đến sức khỏe của bao nhiêu người”, ông giãi bày.
Đối với Guyomarc’h-VCN, một liên doanh có vốn pháp định 990.000 đô la Mỹ giữa tập đoàn Evialis của Pháp (góp 70% vốn) và Viện Chăn nuôi (góp 30%) thuộc Công ty Guyomarc’h Việt Nam (có bốn nhà máy ở Việt Nam), vốn liếng và tài sản không phải là thước đo duy nhất giá trị doanh nghiệp. Uy tín doanh nghiệp nằm trên mỗi bao thức ăn dinh dưỡng gia súc tuân thủ đúng quy trình ISO 9001-2000.
Nhiều công nhân Việt Nam mười năm trời gắn bó với công ty còn nhớ thời mới đi vào hoạt động, cơ ngơi của Guyomarc’h-VCN chỉ là ba dãy nhà kho cũ kỹ vẻn vẹn 1.290 mét vuông thừa hưởng từ Viện Chăn nuôi đặt tại Chèm. Từ ba dãy nhà này, một nhà máy sản xuất thức ăn bột công suất 30.000 tấn/năm hình thành và đến tháng 6-1999 vốn pháp định tăng thêm 250.000 đô la Mỹ để lắp đặt hệ thống máy ép viên và xây dựng thêm 1.440 mét vuông nhà kho dự trữ nguyên liệu, nâng công suất nhà máy lên 40.000 tấn thức ăn/năm, gồm cả thức ăn gia súc dạng viên và bột.
Năm 2005, nhà máy ép viên thứ hai ra đời cùng với 2.500 mét vuông nhà kho mới và hệ thống si lô và hệ thống định lượng tự động. Sau mười năm hoạt động, liên doanh có tổng vốn điều lệ 7 triệu đô la Mỹ và công suất từ 60.000-80.000 tấn/năm tùy theo chủng loại sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Guyomarc’h-VCN, hai tháng 6 và 7-2008 là thời điểm giá cả nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng tới 50-60%, trong khi đó 40% nguồn nguyên liệu đầu vào của Việt Nam là nhập khẩu, chẳng hạn như khô đỗ tương, khô dừa, khô cải, bột cá, tinh bột ngô…
Giá nguyên liệu tăng nhưng giá thực phẩm tươi sống tại miền Bắc như thịt heo, thịt bò, trứng hiện nay lại giảm. Chẳng hạn vài tháng trước, giá thịt heo siêu nạc là 37.000-38.000 đồng/ki lô gam hơi thì nay tụt xuống còn 30.000 đồng/ki lô gam.
“Giá thịt trên thị trường giảm cùng với sự cạnh tranh quyết liệt của thịt nhập khẩu bán trong các siêu thị khiến cho hầu hết chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở phía Bắc thua lỗ và phải thu hẹp quy mô chăn nuôi dẫn đến nhu cầu về thức ăn chăn nuôi trên thị trường giảm mạnh. Công ty chúng tôi cũng bị giảm khoảng 20%”, ông Bảo nói.
Để đối phó với tình hình khó khăn, một mặt Guyomarc’h-VCN chủ động mở rộng hệ thống phân phối từ đồng bằng sông Hồng, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ đến Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. (hệ thống đại lý cấp một của công ty hiện nay lên tới con số 150), mặt khác, công ty thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo tập huấn cho các hộ nông dân và chủ trang trại nhằm trang bị cho họ kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và phòng chống dịch bệnh. Trung bình hàng tháng công ty tổ chức bốn hội thảo trên cả nước cho người nông dân, đến nay đã có hơn 25.000 lượt nông dân và chủ trang trại được đào tạo thông qua các khóa học này.
“Chúng tôi quan niệm đây là cách tốt nhất để giúp nông dân tập trung vào hướng sản xuất quy mô lớn gắn với khoa học kỹ thuật, từ đó dần hình thành nên một ngành chăn nuôi theo ISO”, ông Bảo khẳng định.
tbktsg
|