Tự do hoá và sự can thiệp của nhà nước, nhìn từ góc độ kinh tế
Sự can thiệp vô tiền khoáng hậu của tất cả các nước phát triển trong mấy ngày qua vào hệ thống tài chính nhằm chặn đứng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lại khơi dậy cuộc tranh cãi đã kéo dài vài trăm năm giữa các nhà kinh tế học: Tự do hoá và sự can thiệp của nhà nước.
Trường phái tự do hoá (biến thể hiện đại của nó là chủ nghĩa tân tự do) cho rằng đời sống kinh tế phải do thị trường điều tiết, sự can thiệp của nhà nước càng ít càng tốt; tự do hoá mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế từ thương mại, đầu tư đến vốn.
Từ các năm 1980, trường phái này thắng thế và ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế của hầu hết các nước phát triển và đang phát triển. Mỹ, và nhất là Đảng Cộng hoà đang nắm quyền, theo trường phái này triệt để nhất, thậm chí đi đến thái quá, nhưng đã phải can thiệp mạnh mẽ để cứu hệ thống tài chính ngân hàng và làm cho người ta nghi thuyết tự do hoá đã sụp đổ.
Trường phái can thiệp cho rằng nhà nước phải can thiệp vào đời sống kinh tế. Biến thể cực đoan nhất của trường phái này thể hiện ở hệ thống xã hội chủ nghĩa cổ điển, nơi nhà nước can thiệp không những vào mọi hoạt động kinh tế mà vào mọi hoạt động cá nhân.
Và sự thất bại của thuyết can thiệp (cực đoan) đã là điều hiển nhiên từ sau sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu Xôviết. Người VN chẳng xa lạ gì với trường phái này, tàn dư của nó còn đọng lại trong đầu óc nhiều người. Những tiến bộ vượt bậc của kinh tế VN trong thời kỳ đổi mới gắn với tự do hoá là không thể chối cãi.
Trước diễn biến của khủng hoảng tài chính toàn cầu người ta lại bàn nhiều về trường phái tự do hoá đối lại trường phái can thiệp. Thực ra vấn đề không phải là trường phái nào đúng, trường phái nào sai, không phải là sự đối đầu gữa hai thứ; phải thay chữ đối lại bằng chữ và. Hai thuyết không đối đầu nhau mà bổ sung cho nhau. Vấn đề chính là người ta đi đối lập hai thứ đó với nhau. Tự do hoá đã mang lại sự phát triển kỳ diệu cho nhân loại, song đẩy tự do hoá đến thái quá lại gây ra tai hoạ.
Can thiệp một cách cực đoan đã gây khốn khổ cho gần nửa nhân loại trong nhiều thập kỷ.
Đại thể có thể phân nền kinh tế thành nền kinh tế thực và nền kinh tế tiền tệ (tài chính).
Trong nền kinh tế thực, người ta sản xuất và trao đổi các mặt hàng hữu hình và các dịch vụ. Các hàng hoá và dịch vụ ở đây gắn liền với các tài sản ở tầng vật lý, hữu hình (lúa gạo, nhà cửa, ôtô, cắt tóc, dịch vụ viễn thông,
) do các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ làm ra (mà chủ yếu là các công ty).
Bên trên tầng vật lý này là các tầng thông tin, nơi những biểu diễn của các quyền tài sản ở tầng dưới được trao đổi. Thí dụ về những biểu diễn của các quyền tài sản đó là: tiền, chứng thư sở hữu nhà đất (sổ đỏ), chứng chỉ sở hữu công ty (cổ phiếu), các giấy tờ có giá, v.v... Nền kinh tế tiền tệ (tài chính) bao trùm các tầng thông tin này. Bí ẩn của sự giàu có của các nước phát triển chính là ở chỗ họ có nền kinh tế tiền tệ tài chính phát triển (có các thể chế và môi trường pháp lý hoạt động hữu hiệu cho việc trao đổi thông tin đại diện cho các quyền tài sản), là ở cơ chế biến tài sản (ở tầng dưới) thành tư bản, thành vốn (thông tin biểu diễn các quyền tài sản) ở tầng trên.
Tự do hoá cả trong nền kinh tế thực lẫn trong nền kinh tế tiền tệ đã tạo ra sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tự do hoá hay can thiệp một cách thái quá đều có thể dẫn đến tai hoạ như hệ thống kinh tế kế hoạch hoá tập trung hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cho thấy. Đại thể có thể nói, cơ chế thị trường là cơ chế điều tiết chủ yếu của nền kinh tế thực và nền kinh tế tiền tệ, nhưng nền kinh tế tiền tệ cần sự điều tiết nhiều hơn của nhà nước.
Như thế, vấn đề không phải là sự đối lập giữa cơ chế thị trường và sự can thiệp của nhà nước mà là sự phối hợp, là mức độ và thời điểm. Bạn đọc của bài tuần trước có thể thấy: Ngay trong nền kinh tế thực, thí dụ trong ngành điện, cũng có mảng cần tự do hoá (phát điện), có mảng cần sự can thiệp mạnh (mạng tải điện) và có mảng cần sự kết hợp của tự do hoá và can thiệp (bán lẻ điện). Chắc chắn hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế sẽ có thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng cường sự điều tiết và can thiệp của nhà nước, song không vì thế mà hạn chế cơ chế thị trường.
Con người thường hay chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Để tránh việc bám vào các tín điều, tránh việc đẩy thuyết này hay thuyết nọ đến cực đoan, để tránh tai hoạ, thì điều cần nhất là để cho các ý kiến khác nhau có cơ hội được bày tỏ và được lắng nghe, để phát hiện ra cái sai và sửa kịp thời. Đấy là cơ chế hữu hiệu nhất để giữ cho hệ thống bền vững. Và sự thay đổi trong chính sách giải cứu có giá trị 700 tỉ USD của Chính phủ Mỹ (từ mua nợ xấu của các ngân hàng sang mua cổ phần của chúng) có thể là một minh chứng cho cơ chế dẻo dai, bền vững đó.
Nguyễn Quang A
lđ
|