Nỗi lo xuất khẩu năm 2009
Những tác động đã và đang diễn ra từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khiến hầu hết hiệp hội ngành nghề lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009. Do yêu cầu phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu là cấp thiết nên Bộ Công thương vẫn đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 là 18% và phân bổ mặt hàng cho từng thị trường. Tuy nhiên, bộ này cũng cho rằng, chỉ tiêu phấn đấu là vậy, nhưng dự kiến tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 chỉ khoảng 10%.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hầu hết mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản tuy gặp phải giới hạn về khả năng mở rộng nuôi trồng song vẫn có thể nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, đồng thời chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu của các nước thông qua việc đổi mới cây trồng, công nghệ sau thu hoạch… và chỉ tiêu tăng trưởng của nhóm nông lâm thủy sản ở mức thấp, chỉ là 4%/năm. Tuy nhiên, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm tới sẽ là gánh nặng đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp và chế biến công nghiệp với chỉ tiêu tăng trưởng là 34%/năm.
Được đánh giá là ngành hàng sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính do phụ thuộc nhiều vào sức mua và hoạt động mua - bán bất động sản, Bộ Công thương dự báo nhu cầu đồ gỗ gia dụng sẽ giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chưa kể đến những khó khăn như tắc đường, tắc cảng làm đội chi phí lên, rồi những yêu cầu ngày càng khắt khe về vấn đề môi trường, hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ còn phải đối mặt với khó khăn chung là vốn tín dụng quá cao. Theo ông Quyền, nguyên liệu gỗ nhập khẩu chiếm 80% giá thành sản phẩm, nhưng do vốn tín dụng quá cao nên các doanh nghiệp chưa nhập khẩu được nhiều để sản xuất. Thời gian tới, dự kiến có khoảng 20% doanh nghiệp gỗ có khả năng phá sản, 50% doanh nghiệp trụ được và 30% doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Đối với ngành dệt may, Bộ Công thương nhận định, các thị trường trọng điểm vẫn là Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Dù khó khăn, nhưng Bộ vẫn dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2009 sẽ đạt 11,5 tỷ USD, tăng 21% so với năm nay. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam e ngại, chỉ tiêu tăng trưởng 21% hơi cao so với con số 15% mà Hiệp hội đưa ra. Bởi năm 2009, xu hướng thị trường sẽ chuyển sang các sản phẩm bậc trung và thấp, sản phẩm giá cao sẽ khó bán hơn...
Thuộc nhóm có tỷ trọng sẽ giảm từ 20,7% năm 2008 xuống 18,3% năm 2009, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, năm 2009 cũng sẽ là năm khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vì sẽ phải cạnh tranh gay gắt với thủy sản Thái Lan khi xuất khẩu vào Hàn Quốc, bởi Chính phủ Thái Lan vừa ký Hiệp định song phương với Hàn Quốc, trong đó một số mặt hàng thủy sản của Thái Lan khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ được hưởng thuế suất 0%; trong khi sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào nước này đang chịu thuế suất 15 - 20%. Đó là chưa kể đến những khó khăn trong nước mà các doanh nghiệp ngành này đang phải đối mặt như: thiếu hụt lao động trầm trọng, cước phí vận tải tăng mạnh...
Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương dự kiến, cơ cấu xuất khẩu vào các thị trường của Việt Nam có sự thay đổi. Thị trường chủ lực là châu Á có tỷ trọng giảm nhẹ, từ 42,5% năm 2008 xuống 42,4% năm 2009; tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường châu Phi cũng giảm, từ 4,9% năm 2008 xuống còn 4,8% năm 2009; thị trường châu Đại dương không tăng, trong khi xuất khẩu vào châu Mỹ tăng cũng không mạnh, từ mức 24,5% năm 2008 lên 24,9% năm 2009.
Theo ông Phạm Thế Dũng,Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cạnh tranh trên thị trường Mỹ và thế giới sẽ tăng cao, điều này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Bởi khi hàng hóa của các nước (chủ yếu là các nước ASEAN và Trung Quốc) khi không bán được ở thị trường trên sẽ quay lại chính thị trường nội địa, điều này khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không chỉ khó khăn ở thị trường Mỹ, mà sẽ còn vất vả hơn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN.
đtck
|