ASEM và sự tham gia tích cực của Việt Nam
ASEM (Asia-Europe Meeting) - Tiến trình hợp tác Á-Âu - quan hệ đối tác mới, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi giữa châu Á và châu Âu.
Vượt lên những thách thức của sự khác biệt, hợp tác ASEM phát triển năng động, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa..., đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai châu lục. Nhân dịp Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 7 (ASEM 7) diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Báo Nhân Dân xin giới thiệu một vài nét về ASEM.
Theo sáng kiến của Xin-ga-po và Pháp, được sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN), ASEM được tuyên bố thành lập tại Hội nghị cấp cao (HNCC) Á-Âu lần thứ nhất tại Băng-cốc (Thái-lan) tháng 3-1996. Là diễn đàn đối thoại phi chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, vai trò, vị thế của ASEM trên thế giới ngày càng tăng. Số lượng thành viên của ASEM tăng từ 26 (năm 1996) lên 39 thành viên (tại ASEM 5, Hà Nội, năm 2004) và 45 thành viên hiện nay. Với 58% dân số thế giới, các nước ASEM là một thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu, 60% tổng kim ngạch thương mại thế giới. ASEM phấn đấu vì mục tiêu tăng cường đối thoại và hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn là hòa bình, an ninh và phát triển, trong đó hướng tới việc tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới, toàn diện Á-Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn", "tạo sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập kênh đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng", "duy trì, tăng cường hòa bình và ổn định cũng như phát huy các điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững".
ASEM hoạt động theo các nguyên tắc: bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; là một tiến trình mở, không chính thức, nên ASEM không phải thể chế hóa; quyết định trên cơ sở đồng thuận, không cần ký kết hay bỏ phiếu; hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho những hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau; triển khai đồng đều cả ba lĩnh vực hợp tác chủ yếu là tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác; việc mở rộng thành viên thực hiện trên cơ sở nhất trí chung giữa các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
HNCC là cấp quyết định chính sách của ASEM. Tham gia Hội nghị gồm các vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của các nước thành viên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng Thư ký ASEAN. HNCC ASEM tổ chức hai năm một lần, luân phiên Á-Âu. HNCC quyết định phương hướng hoạt động, kết nạp thành viên mới, thông qua các vấn đề lớn và dài hạn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn. Cơ chế hoạt động ASEM: Các Bộ trưởng Ngoại giao và Thứ trưởng Ngoại giao (SOM) chịu trách nhiệm điều phối chung toàn bộ hoạt động của ASEM. Các Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính, Văn hóa và cấp thứ trưởng điều phối hợp tác trong các lĩnh vực này. Các bộ trưởng khác (Môi trường, Giáo dục - Ðào tạo, Khoa học-Công nghệ, Di cư, Lao động...) nhóm họp khi cần thiết. Về cơ chế điều phối: ASEM không thành lập Ban Thư ký thường trực mà hoạt động thông qua sự điều phối của bốn điều phối viên, gồm hai đại diện của châu Á (một từ ASEAN - hiện là Bru-nây và một từ Ðông-Bắc Á - hiện là Trung Quốc) và hai đại diện của châu Âu (điều phối viên thường xuyên EC và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU - hiện là Pháp).
ASEM đã có sáu HNCC: ASEM 1 tại Băng-cốc (Thái-lan năm 1996); ASEM 2 tại Luân Ðôn (Anh năm 1998); ASEM 3 tại Xơ-un (Hàn Quốc năm 2000); ASEM 4 tại Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch năm 2002); ASEM 5 tại Hà Nội (Việt Nam năm 2004); ASEM 6, Hen-xin-ki (Phần Lan năm 2006). Sau 12 năm hợp tác ASEM đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. ASEM đã trở thành một khuôn khổ đối thoại và hợp tác liên khu vực quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác toàn diện Á - Âu, cũng như hợp tác song phương giữa các thành viên trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Việt Nam chủ động, tích cực tham gia tiến trình hợp tác ASEM, được các nước trong ASEM đánh giá cao, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và trong khuôn khổ diễn đàn ASEM nói riêng. Triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ASEM, luôn chủ động tham gia hợp tác Á-Âu trên cả ba lĩnh vực: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác khác. Bên cạnh việc hoàn thành tốt vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM (2000-2004), Việt Nam tổ chức thành công HNCC ASEM 5 (Hà Nội năm 2004). ASEM 5 Hà Nội là một bước ngoặt lịch sử đánh dấu việc lần đầu ASEM mở rộng thành viên và đưa ra những quyết định mở ra hướng mới cho hợp tác ASEM, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và văn hóa. Hội nghị ASEM 5 thông qua "Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn" (CEP) định hướng cho việc đưa Tiến trình hợp tác Á-Âu lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn. ASEM 5 còn là bằng chứng sinh động thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình ASEM vì lợi ích chung của tất cả các thành viên, và là một bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Qua đó củng cố hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, ổn định và chủ động hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam còn tổ chức thành công các hoạt động quan trọng khác, như Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ ba (2001), các diễn đàn về chính sách an ninh năng lượng và du lịch. Việt Nam cũng tham gia tích cực và chủ động vào việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giao thông vận tải, môi trường, khoa học-công nghệ, công nghệ-thông tin, giáo dục-đào tạo...
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEM 7
* Hội nghị cấp cao ASEM 7 được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trong hai ngày 24 và 25-10.
* Chủ đề của Hội nghị: "Tầm nhìn và hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi".
* ASEM 7 sẽ kết nạp thêm sáu thành viên, gồm Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan, Mông Cổ, Ban Thư ký ASEAN, Bun-ga-ri và Ru-ma-ni.
* ASEM 7 diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh - chính trị, kinh tế thế giới, các vấn đề biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc... diễn biến phức tạp.
* Dự kiến sẽ thông qua ba văn kiện: Tuyên bố của Chủ tịch; Tuyên bố Bắc Kinh về phát triển bền vững; Khuôn khổ hợp tác Á-Âu (AECF) sửa đổi.
nhân dân
|