Thứ Năm, 23/10/2008 08:55

Khai thác bauxit, lợi bất cập hại

Ngày 22-10, hội thảo tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác và chế biến quặng bauxit, sản xuất alumina luyện nhôm đã khai mạc tại Đắk Nông. Đa số đại biểu tham dự đã phản đối những dự án bauxit mà tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) sắp triển khai trên vùng đất Tây Nguyên.

Lợi ích kinh tế chưa thuyết phục

TKV đã được Chính phủ chấp thuận cho khai thác mỏ bauxit tại Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông. Vốn đầu tư của hai dự án đầu tiên dự kiến khoảng 399 tỉ đồng.

Bauxit là một trong những khoáng sản kim loại phổ biến trên bề mặt trái đất và có trữ lượng lớn tại Việt Nam. Cả nước có khoảng 2,4 tỉ tấn, trong đó Tây Nguyên chiếm đến 91%. Bauxit sau khi khai thác sẽ được dùng để sản xuất alumina, nguyên liệu chính trong việc luyện nhôm. Từ 4-5 tấn bauxit khai thác được sẽ sản xuất ra 2 tấn alumina và luyện được 1 tấn nhôm.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm của tập đoàn TKV, nếu  thực hiện được dự án luyện nhôm thì sẽ mang lại những lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam do nhu cầu sử dụng loại kim loại thân thiện với môi trường này ngày càng gia tăng, đồng thời sẽ khai thác được tiềm năng du lịch từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình khai thác bauxit và luyện nhôm.

Tuy nhiên, hãy thử so sánh những lợi ích do dự án này mang lại với lợi nhuận thu được mỗi năm từ việc trồng cao su, chè, hồ tiêu. Báo cáo của tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn nêu rõ: “Bauxit chưa thể thay thế được những tiềm năng mà việc trồng trọt các loại cây công nghiệp khác mang lại, cùng một số vốn đầu tư ban đầu bỏ ra, nếu khai thác bauxit, một năm sẽ mang lại 301 tỉ đồng, trong khi cao su là 1.061 tỉ đồng và cà phê là 3.700 tỉ đồng”.

Và để có thể xây dựng nhà máy luyện nhôm thì cần một lượng điện lớn. Ở các nước có nguồn quặng này, khi khai thác phải có nguồn điện giá rẻ được cung cấp từ các nhà máy thủy điện. Với giá điện cao như hiện nay thì chính những nhà đầu tư cũng phải cân nhắc.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Triệu Thu Quốc, Chủ tịch tập đoàn Nhôm Chalco, cho rằng chưa nên xây dựng nhà máy sản xuất nhôm tại Việt Nam vì giá điện quá cao, sẽ khó mà thu được lợi nhuận đáng kể như dự án nêu.

Xét đến trường hợp chỉ xuất khẩu alumina thô, nhiều đại biểu cũng không đồng tình. Giáo sư - tiến sĩ Đặng Trung Thuận, thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, lập luận rằng muốn xuất khẩu loại hàng hóa này thì cần xây dựng tuyến đường sắt nối cao nguyên với Bình Thuận để vận chuyển alumina ra cảng biển, đây là một dự án rất khó thực hiện do địa hình Tây Nguyên hiểm trở, cần thời gian và chi phí vốn lớn, trong khi giá trị xuất khẩu của alumina chưa tương xứng.

Tác hại trước mắt và sau này

Tây Nguyên được ví là đại ngàn, là nóc nhà của vùng Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung, là nơi ngăn lũ của đồng bằng. Thế nhưng trong những năm qua, mỗi năm Tây Nguyên bị xóa sổ 120 ngàn héc ta rừng.

Nếu dự án quặng nói trên được triển khai thì Tây Nguyên sẽ tiếp tục phải gánh chịu sự tàn phá của máy móc. Rừng chỉ còn là những công trường khai thác, những hồ chứa chất thải to lớn, và khi lũ về, những hồ chứa ấy sẽ khiến Tây Nguyên và vùng hạ nguồn các con sông phải gánh chịu những tác động xấu do sự tàn phá thiên nhiên gây ra.

Hoạt động đầu tiên là thăm dò các vùng phân bố quặng, tiếp đến là giải phóng mặt bằng, lớp thảm thực bì, đền bù, tái định cư cho người dân, sau đó là tiến hành khai thác quặng. Quặng sẽ được tuyển rửa để chế biến alumina, có thể được xuất khẩu hay đưa vào nhà máy luyện nhôm.

Với quy trình sản xuất này, toàn bộ thảm thực vật, kiến trúc của vùng quặng sẽ thay đổi, sau khi khai khoáng phải tái tạo lại hoàn toàn cây trồng, vật nuôi, công trình dân sinh trên mặt đất. Trong khi đó, để tái tạo lại những mảng rừng bạt ngàn này phải mất đến hàng chục năm, hàng trăm năm.

Quá trình tuyển quặng và chế biến alumina sẽ cần một lượng nước lớn và thải ra môi trường nhiều loại chất thải lỏng và rắn. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bùn đỏ, một loại chất thải độc hại và nguy hiểm có độ pH cao, không tự tiêu hủy được.

“Tai họa do chất thải độc hại từ khai thác bauxit ở trên độ cao và dốc như ở Tây Nguyên chắc chắn còn gấp trăm lần tai họa Vedan”, nhà văn Nguyên Ngọc, một nhà “Tây Nguyên học", bức xúc nói.

Nhà văn Nguyên Ngọc còn nhận định: “Hơn ở đâu hết, với Tây Nguyên, các toan tính lớn nhỏ về kinh tế đều phải phụ thuộc vào những cân nhắc thật thận trọng, nhất là về môi trường, văn hóa, xã hội để giữ yên sự bền vững cho vùng đất vốn đã quá nóng này.”

Còn tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn thì đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể: “Tiền phạt Vedan 127 tỉ đồng không cứu được Thị Vải, và để xử lý hàng trăm triệu mét khối bùn đỏ thì 127 tỉ đồng cũng không đủ".

Tài nguyên nước đang cạn kiệt, trong khi lượng nước cho các dự án sản xuất alumina là không nhỏ. Sau khi quặng đã được khai thác, đã được xuất khẩu, chất thải chưa biết xử lý ra sao thì nguồn nước cạn kiệt sẽ đẩy cuộc sống người dân Tây Nguyên đến chỗ khốn khó hơn.

Việc thay đổi môi trường sống của người bản địa cũng là một điều mà người làm dự án nên nhìn nhận. Người dân trong vùng đất Tây Nguyên, đa phần là người Mơ Nông và đã gắn bó cả ngàn đời nay với mảnh đất này, sẽ sinh kế bằng cách nào và có thể thỏa lòng không khi họ về sống trong các ngôi nhà tái định cư, xa rời hơi thở núi rừng.

Một người dân Bu Zấp, xã Nhân Cơ, nơi TKV đang tiến hành thăm dò, đã tâm sự: “Anh em người Kinh dù đã định cư ở đây nhiều năm nhưng Tết họ vẫn về quê, còn chúng tôi, khi thần đất, thần rừng đã mất, không còn nơi để trú ngụ thì làm gì còn gốc gác nữa. Đến Tết, người Mơ Nông sẽ về đâu”.

Tất cả những ý kiến trong hội thảo đều đồng tình với việc dừng ngay các dự án khai thác để nhìn nhận lại và triển khai dự án thử nghiệm để đánh giá tác động của nó đến môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất này trước khi đưa vào khai thác.

Hội thảo vẫn còn tiếp tục họp bàn thêm một ngày nữa để tìm ra những giải pháp hài hòa cho dự án khai thác quặng bauxit.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Kinh tế thật (23/10/2008)

>   Hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép hoạt động (23/10/2008)

>   Tổ máy số 1 - Thủy điện Sê San 4: Sẽ phát điện vào tháng 6-2009 (23/10/2008)

>   Xăng Ethanol bao giờ sẽ được dùng rộng rãi ở Việt Nam?  (23/10/2008)

>   Ngành thép bội thực vì những dự án tỷ đô (23/10/2008)

>   700 tấn sữa “độc” làm thức ăn chăn nuôi hay tiêu huỷ? (23/10/2008)

>   CPI tháng 10 tăng trưởng âm (23/10/2008)

>   “Mỏ vàng” chưa được khai thác (23/10/2008)

>   Sống không chủ quyền ở chung cư  (23/10/2008)

>   Sẽ tăng giá bán than đối với phân bón, giấy, xi măng (23/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật