Ngành thép bội thực vì những dự án tỷ đô
Những dự án với lượng vốn hàng tỷ USD vẫn đang xếp hàng chờ lượt vào Việt Nam, nhưng nếu các dự án này hoàn thành đúng tiến độ, Việt Nam có thể "ngập" trong thép, vì dự báo sản lượng trong hơn 10 năm nữa có thể gấp rưỡi cầu trong nước.
Tại Việt Nam hiện có ít nhất 6 dự án thép cỡ lớn, mới đây nhất là liên doanh giữa tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và tập đoàn Lion (Malaysia), đầu tư khu liên hợp thép Cà Ná tại Ninh Thuận, với vốn đăng ký gần 10 tỷ USD.
Trước đó, đã có 5 dự án lớn được cấp phép, trong đó dự án của Formosa (Đài Loan) tại Hà Tĩnh có tổng vốn 7,8 tỷ USD, dự án của 2 tập đoàn Tycoons và E-United (Đài Loan) tại Khu kinh tế Dung Quất 4 tỷ USD. Làn sóng đầu tư vào ngành thép vẫn chưa dừng lại, bởi hiện vẫn còn hai dự án khổng lồ của tập đoàn Posco (Hàn Quốc) và Tata (Ấn Độ) đang chờ được cấp phép.
Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Công Thương dự báo, đến năm 2020, nhu cầu thép của Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Trong khi đó, nếu tất cả dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện đúng tiến độ, đến năm 2020 ngành thép Việt Nam sẽ có sản lượng không dưới 40 triệu tấn.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, dự kiến đến năm 2010, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam vào khoảng 10-11 triệu tấn và năm 2025 là 24-25 triệu tấn. Với số lượng dự án đang có và dự báo về nhu cầu, trong khoảng 10 năm nữa Việt Nam chỉ cần thêm 1-2 liên hợp luyện thép.
Tiềm năng của thị trường thép trong nước lớn, nhưng đây không là lý do duy nhất Việt Nam thu hút được nhiều dự án thép lớn. Với vị trí gần trung tâm của khu vực Đông Nam Á, bờ biển dài và thuận lợi cho cảng biển nước sâu để tiếp nhận tàu trọng tải lớn, lại có nguồn than anthraxit khá lớn, Việt Nam là địa điểm tốt để xây dựng các cơ sở sản xuất thép lớn cung cấp cho cả khu vực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá nhiều dự án thép có thể lại đáng lo ngại. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cao cấp kinh tế cho rằng: “Việt Nam cần xem xét thận trọng về nhiều mặt, liệu có thể tiêu hoá được những dự án lớn như vậy hay không. Trên thực tế cho thấy đã có nhiều dự án được đưa ra ở Việt Nam lâu nay nhưng không được thực hiện”.
Bà Phạm Chi Lan nhận định, trong điều kiện vật tư kinh tế hiện nay, giá một số nguyên liệu đầu vào như phôi thép, hay một số sản phẩm của thép không ổn định, mà các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng là có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận lớn là khó khả thi. Hiện doanh nghiệp Việt Nam cũng đề nghị, nên giới hạn tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trong các dự án thép, nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cho rằng, cần xem những dự án đã đăng ký có thực sự khả thi hay không và có đem lại lợi ích cho chủ nhà Việt Nam hay không. Theo ông, Việt Nam chưa đủ năng lực để kiểm soát tình trạng lỗ giả lãi thật, và họ có thể khai báo lỗ ở Việt Nam, nhưng lại chuyển lãi về công ty mẹ.
Mặt khác, với quy mô sản xuất hàng chục triệu tấn thành phẩm, mỗi năm các tổ hợp thép sẽ thải ra hàng chục triệu tấn xỉ than và xỉ quặng, cùng với một lượng lớn khói bụi vào không khí. Khi nộp hồ sơ xin cấp phép, nhà đầu tư thường đưa ra phương án giải quyết, nhưng việc thực hiện lại nằm trong tương lai, khi các dự án được thực sự khởi động. Các dự án thép lớn cũng "hứa hẹn" tiêu tốn nguồn điện, than khổng lồ.
vne
|