Ngành Công Thương xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009
Thực hiện Chỉ thị 723/CT-TTg ngày 6/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, Bộ Công Thương vừa yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Bộ sớm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2009, đồng thời các Sở Công Thương căn cứ vào các định hướng, mục tiêu của ngành tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những giải pháp, cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Với mục tiêu cùng cả nước phấn đấu tăng trưởng kinh tế, GDP năm 2009 đạt khoảng 7%, năm tới ngành Công Thương đặt kế hoạch sản xuất công nghiệp tăng khoảng 16,5% so với 2008, giá trị gia tăng toàn ngành Công nghiệp tăng 10%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 76,7 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 96,6 tỷ USD, tăng 15%, nhập siêu hàng hóa năm 2009 khoảng 20 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường nội địa đạt khoảng 1.200-1.500 nghìn tỷ đồng, tăng 24-28% so với năm 2008.
Đẩy mạnh sản xuất - ổn định thị trường
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục được khuyến khích phát triển mạnh bao gồm: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Để đảm bảo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 18% so với 2008, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chú trọng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất. Tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA) gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc Liên minh châu Âu quyết định rà soát thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam với mức 10% cùng với việc giày dép của Việt Nam sẽ không được hưởng thuế ưu đãi thuế quan phổ cập từ ngày 1/1/2009 cũng sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp cần đa dang hóa và đa phương hóa thị trường, tiếp tục khai thác và đẩy mạnh thị trường chủ lực, truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Nga, Canada, Hoa Kỳ…
Trong năm 2009, với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, hoạt động đầu tư xây dựng của ngành sẽ tập trung vào các dự án năng lượng , sản xuất phôi thép, thép tấm, sản xuất phân bón, bột giấy, các dự án sản xuất nguyên phụ liệu. Tổng vốn đầu tư xây dựng của Bộ Công Thương năm 2009 khoảng 157. 415 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty 91 dự kiến 151.860 tỷ đồng, các tổng công ty 90 và các doanh nghiệp dự kiến 4.930 tỷ đồng…
Một số sản phẩm công nghiệp thiết yếu của năm 2009
Than thương phẩm: nhu cầu dự kiến 43,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 24 triệu tấn (tăng thêm 4 triệu tấn). Xuất khẩu dự kiến 19-20 triệu tấn.
Điện: Nhu cầu khoảng trên 78,0 tỷ kWh. Cộng cả nguồn điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và điện mua ngoài chỉ đạt 77,1 tỷ kWh ( thiếu 1 tỷ kWh).
Thép: Nhu cầu các loại khoảng 11-12 triệu tấn, trong nước sản xuất đủ thép xây dựng khoảng 5 triệu tấn, 6,5 triệu tấn còn lại sẽ được nhập khẩu.
Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, Bộ Công Thương đề nghị ngành Điện tập trung đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ các dự án để huy động thêm 3.842MW, đồng thời tăng thêm lượng điện mua ngoài của các dự án BPT, IPP, Trung Quốc.
Ngành Than: Cần đẩy mạnh công tác thăm dò gia tăng trữ lượng, công tác quản lý môi trường và tiêu thụ than.
Ngành Thép: Năng lực sản xuất phôi năm 2009 đạt khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng 54% nhu cầu trong nước. Ngành Thép phải tập trung rà soát lại quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất phôi và cán thép đang triển khai, đảm bảo cân đối nguyên liệu cho sản xuất phù hợp yêu cầu thị trường.
chính phủ
|