Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý và quy hoạch đô thị
Ngày 22/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về 2 Dự án Luật: Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT), Luật Quản lý nợ khu vực công; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009; thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quy hoạch đô thị.
Tờ trình về Dự án Luật QHĐT nêu rõ, trong thời gian qua, với chính sách đổi mới, hội nhập, cùng với sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế-xã hội, hệ thống các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Bộ mặt đô thị Việt Nam nói chung đã có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn nhiều lãng phí, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện, các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc... đòi hỏi sớm ban hành Luật QHĐT nhằm mục đích tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị ở nước ta hiện nay. Luật QHĐT được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị; bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại; đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo Tờ trình về Dự án Luật quản lý nợ khu vực công, công tác quản lý công nợ trong thời gian qua đã dần đi vào nề nếp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Tỉ lệ nợ nước ngoài của quốc gia nói chung và của khu vực công nói riêng so với GDP có xu hướng ổn định và giảm dần trong trung hạn. Trong công tác quản lý nợ, các văn bản pháp lý ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn và tiến gần đến các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực quản lý nợ nước ngoài. Chính phủ đã thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nợ Chính phủ, nợ quốc gia trên cơ sở phân công, xác định trách nhiệm rõ ràng hơn giữa các cơ quan quản lý.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý nợ khu vực công nêu rõ, việc ban hành Luật Quản lý nợ công trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý có hiệu lực cao và thống nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, luật hoá và thống nhất các qui phạm pháp luật hiện hành về nợ công để đảm bảo huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, quản lý nợ an toàn, hiệu quả; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam...
Sau phiên họp toàn thể tại Hội trường, chiều 22/10 các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật QHĐT. Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự thống nhất cao về tên gọi cũng như sự cần thiết sớm ban hành Luật QHĐT, bởi đến nay đã có khoảng gần 30% dân số của cả nước sống và làm việc trong khu vực đô thị. Đây là khu vực có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng còn có rất nhiều bất cập, nhất là trong quản lý và phát triển đô thị, mà một nguyên nhân quan trọng là do khâu quy hoạch đô thị làm chưa tốt.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắk), đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. HCM) cho rằng Luật QHĐT sẽ tạo điều kiện để quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị được hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý hơn... Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng, Luật cần có quy định chặt chẽ hơn nữa, xử lý mối quan hệ giữa Luật QHĐT với các luật khác liên quan đến quy hoạch đô thị như Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ di sản văn hóa ... để bảo đảm sự thống nhất và tránh chồng chéo giữa các luật.
Nhiều đại biểu có ý kiến đề nghị không phân loại đô thị trong dự thảo Luật QHĐT vì việc phân loại đô thị hiện nay đang có nhiều bất cập, không phù hợp với cấp hành chính, ví dụ: có trường hợp thành phố thuộc tỉnh lại là đô thị loại I nhưng thành phố trực thuộc Trung ương lại là đô thị loại II, dẫn đến khó khăn cho công tác phân cấp quản lý nhà nước về đô thị. Các đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Phạm Phương Thảo (đoàn TP. HCM) đề nghị bổ sung chi tiết thêm một số điều, khoản đối với công tác lập quy hoạch đô thị, như việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân bị tác động do việc lập quy hoạch đô thị gây ra, nhất là khi cải tạo, chỉnh trang đô thị, có quy định cụ thể hơn nữa điều kiện của các tổ chức, cá nhân được hành nghề lập quy hoạch đô thị cũng như cấp có thẩm quyền về quy hoạch đô thị...
chính phủ
|