Mở cửa thị trường dịch vụ phân phối: Nguy cơ “hở sườn”!
Với những hoạt động đang diễn ra trên thị trường, rất nhiều ý kiến cho rằng, ngành bán lẻ của VN đã bị xuyên thủng từ rất lâu chứ không cần chờ đến giờ G (1-1-2009). Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại đối với ngành bán lẻ của VN còn nhiều yếu kém, thiếu thốn trăm bề. Nhưng còn một vấn đề đáng lo ngại khác ít được chú ý, đó là tình trạng khá nhiều DNVN đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không mở cửa theo cam kết đã bị bán cho nước ngoài.
Không nên lo ngại thái quá?
Theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kể từ ngày 1-1-2009, VN sẽ mở cửa thị trường dịch vụ phân phối cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Theo phân loại của WTO, dịch vụ phân phối là 1 trong 11 ngành dịch vụ chính, bao gồm 4 phân ngành dịch vụ sau: dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ và dịch vụ nhượng quyền thương mại.
Tương tự như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đã ký kết cách đây 6 năm, VN không mở cửa thị trường phân phối đối với 10 mặt hàng gồm xăng dầu, dược phẩm, sách báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý cho các DN nước ngoài. Nhiều sản phẩm nhạy cảm như sắt thép, phân bón, xi măng… VN chỉ mở cửa sau 3 năm, kể từ thời điểm VN chính thức là thành viên của WTO (tức đến ngày 11-1-2010).
Cam kết là vậy nhưng trên thực tế, VN đã mở sớm hơn nhiều, bằng việc cho phép các tập đoàn phân phối trên thế giới như Metro, BigC mở hàng loạt siêu thị và đại siêu thị tại hầu hết các thành phố lớn của VN. Với những hoạt động đang diễn ra trên thị trường, rất nhiều ý kiến cho rằng, ngành bán lẻ của VN đã bị xuyên thủng từ rất lâu rồi chứ không cần chờ đến giờ G. Đối với các danh mục hàng hóa loại trừ có thời hạn, chúng ta cũng đã mở sớm hơn. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại đối với ngành bán lẻ của VN còn nhiều yếu kém, thiếu thốn trăm bề. Sẽ mất rất nhiều thời gian, các DNVN mới có thể đuổi kịp về trình độ, kinh nghiệm so với các DN nước ngoài.
Tuy nhiên, tại hội thảo mở cửa thị trường trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ tổ chức ngày 22-10 tại tỉnh Bình Dương, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN lại cho rằng, chúng ta không nên lo ngại thái quá cho thời điểm 1-1-2009. Bởi lẽ, theo cam kết, VN chỉ cho phép DN nước ngoài mở điểm bán lẻ đầu tiên. Việc mở thêm điểm bán lẻ thứ 2 sẽ được xem xét tùy theo từng trường hợp cụ thể, thông qua việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) với những tiêu chí như quy mô địa lý, số lượng nhà bán lẻ hiện diện trên địa bàn, sự ổn định của thị trường… Với việc áp dụng ENT, VN có thể hạn chế bớt những tổn hại cho các DNVN, đặc biệt là những hộ kinh doanh cá thể từ việc hiện diện của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Nguy cơ từ “hội chứng M&A”
Thế nhưng, cũng theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, vấn đề khiến các nhà quản lý thực sự lo ngại, đó chính là nguy cơ bị “hở sườn” từ chính các danh mục mặt hàng loại trừ vĩnh viễn mà VN không mở cửa theo cam kết như đã nêu trên. Theo lý giải của bà Loan, việc mua bán, sáp nhập DN (M&A) đang trở thành xu hướng chung trên thế giới và ngay tại VN. Trong tình hình kinh tế khó khăn thì “hội chứng M&A” sẽ diễn ra với mức độ ngày càng dày đặc, giá trị lớn hơn. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, VN đã có 46 vụ M&A với trị giá 626 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2006. M&A mới thực sự là vấn đề thách thức cho VN.
Đối với các DNVN đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng không mở cửa theo cam kết, số liệu thống kê không chính thức cho thấy, hiện có khá nhiều DN trong ngành dược đã bán tới 30% cổ phần cho các tập đoàn nước ngoài. Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và một số DN ngành hàng khác cũng không loại trừ có thể họ đã và sẽ bắt tay với DN nước ngoài vì luật của chúng ta không cấm…
Có thể nói, giờ G trong lĩnh vực bán lẻ đã đến. Thời gian cho các bộ, ngành chức năng và các DNVN là quá ít. Thực tế tại khá nhiều quốc gia đang phát triển khi mới gia nhập WTO, một khi có sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia thì trong bán kính 10 km, hàng loạt các DN phải phá sản. Tại VN cũng không là ngoại lệ. Chúng ta vừa gia nhập WTO, việc soạn thảo, sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với cam kết là điều cần phải được tính sớm và phải tính một cách khôn ngoan nhất để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Tránh tình trạng, luật thì cho phép nhưng cam kết thì lại không sẽ rất khó cho cả DN trong nước và DN nước ngoài. Và với những gì đang diễn ra thì việc loại trừ vĩnh viễn các DN nước ngoài trong một số lĩnh vực sẽ không còn ý nghĩa. Điều gì sẽ xảy ra nếu các DN này trở thành cổ đông lớn tại các DN?
sggp
|