Xăng Ethanol bao giờ sẽ được dùng rộng rãi ở Việt Nam?
Cách đây hơn 1 tháng, khi giá xăng dầu tăng vọt, trở thành mối lo của người sử dụng, các phương tiện thông tin đại chúng đã giới thiệu loại xăng Ethanol E5 được coi là tiết kiệm hơn, ít tiêu hao năng lượng và đặc biệt thân thiện với môi trường của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, khi xuất hiện, đã có rất nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh loại nhiên liệu sinh học này trong khi trên thế giới loại xăng pha cồn này được sản xuất và áp dụng rộng rãi.
Chỉ chưa đầy một tháng xuất hiện (từ ngày 15/9/2009), xăng Ethanol E5 của PVB đã nhận được phản ứng từ nhiều nhà khoa học, người đồng tình, người chưa ủng hộ; Đặc biệt là tại văn bản số 0819 ngày 9/9/2008 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho nhiên liệu xăng trộn Ethanol khi có thông tin bán thí điểm xăng Ethanol E5 ra thị trường và triển khai áp dụng cho 50 xe ô tô thuộc Hiệp hội taxi Hà Nội.
Cũng sau văn bản này, chưa đầy một tuần triển khai bán thí điểm tại 2 cây xăng ở Hà Nội, Bộ Công Thương đã chính thức có công văn (ngày 20/9/2008) chỉ đạo tạm ngừng việc bán xăng để chờ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cũng quan ngại việc sản xuất xăng Ethanol, nếu phải đối mặt với an ninh thực phẩm bị phá vỡ khi phần nhiều cây lương thực được phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Trước những băn khoăn về loại xăng có nhiều tiện ích trên, chiều ngày 22/10, tại Hà Nội, Báo Khoa học và Đời sống đã tổ chức buổi tọa đàm với nhà sản xuất, nhà khoa học, cơ quan quản lý, một số nhà báo về xăng Ethanol.
Hiệp hội taxi Hà Nội có “liều mình” khi thử nghiệm xăng Ethanol?
Ông Phạm Anh Tuấn – Đại diện cho Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho biết: Toyota cũng như các thành viên của VAMA không bàn cãi về những lợi ích do loại xăng nhiên liệu sinh học mang lại. Các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu cũng đã “quen” với loại xăng này. Tuy nhiên, với xăng E5 sản xuất ở Việt Nam lại chưa được rõ về mặt chất lượng, không biết có phù hợp với các loại động cơ hay không, có gây ăn mòn kim loại, phá doăng cao su, nên cần phải kiểm nghiệm; nếu phù hợp các thành viên VAMA sẽ ủng hộ việc sử dụng. Mặt khác, ở Việt Nam hiện đã có quy chuẩn cho nhiên liệu xăng và diesel cho nhiên liệu diesel sinh học gốc (B100) và cho Ethanol nhiên liệu biến tính (E100), nhưng chưa có tiêu chuẩn cho các loại xăng pha nhiên liệu sinh học theo các tỷ lệ E5, E10… nên cần phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho nhiên liệu xăng trộn Ethanol này.
Trả lời một phần những băn khoăn trên, ông Vũ Thanh Hà, Tổng giám đốc PVB khẳng định: Ethanol là dung môi trong sản xuất xăng dầu nên hoàn toàn thích ứng với động cơ, doăng, phốt. Công ty đã xây dựng quy chuẩn cơ sở sản xuất xăng Ethanol trên cơ sở thử nghiệm tại một số phòng thí nghiệm ở nước ngoài, và nay là ứng dụng thực tế với 50 xe taxi của Hiệp hội taxi Hà Nội. Bước đầu thử nghiệm cho thấy, các xe taxi dùng xăng Ethanol đều vận hành tốt.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết: Hiệp hội đã tiến hành thử nghiệm các xe taxi dùng xăng Ethanol với xe dùng xăng bình thường, kết quả cho thấy việc tăng tốc của các xe là bằng nhau, nhưng ở một số chỉ tiêu khác xe dùng xăng Ethanol lại cho hiệu quả tốt hơn, nhất là trong vấn đề đảm bảo cho môi trường. Ông Bình cũng cho rằng, sở dĩ Hiệp hội taxi Hà Nội “liều mình” thử nghiệm E5 khi chưa có quy chuẩn của Nhà nước mà không hề “lo sợ” ảnh hưởng đến khối tài sản cả triệu USD của mình là vì nhiều nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi loại xăng này mà không có vấn đề gì. Hơn nữa, dòng xe Kia Morning đem ra thử nghiệm đã được nhà sản xuất Hàn Quốc khuyến cáo là thích hợp với xăng Ethanol. Nếu tới đây, ở Việt Nam, xăng Ethanol được cho phép sử dụng rộng rãi, 7.000 chiếc xe taxi của Hiệp hội sẽ chuyển sang sử dụng toàn bộ xăng Ethanol.
Xăng Ethanol sẽ được ứng dụng rộng rãi nhưng vẫn phải chờ… quy chuẩn
Theo GS Nguyễn Đức Phú – chuyên gia về động cơ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn động cơ đốt trong, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Sử dụng xăng Ethanol là xu hướng chung của thế giới. Ngay ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải sản xuất được 215.000 tấn xăng Ethanol và dầu thực vật. Việt Nam sản xuất xăng Ethanol (từ sắn và mía) cũng là ứng dụng công nghệ chế biến này từ thế giới. Việc các cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngừng bán xăng Ethanol đã làm kìm hãm sự “hào hứng” của các nhà sản xuất đi tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong khi nền công nghiệp sản xuất ở Việt Nam lại đang rất cần hoạt động ứng dụng. GS Phú chỉ lưu ý, việc pha trộn xăng với Ethanol phải minh bạch, đúng tiêu chuẩn nhà sản xuất công bố, tránh gian lận hơn thương mại. Hơn nữa, do Việt Nam là nước có độ ẩm trong không khí cao, trong khi thành phần cồn khan trong xăng Ethanol lại chiếm tới 99,7% rất hút nước nên sẽ rất khó cho hoạt động bảo quản. Hơn nữa, với những loại xe ít vận hành (khoảng 3 tháng) không nên dùng xăng Ethanol. Loại xăng này chỉ phù hợp với những loại xe sử dụng với tần xuất cao.
Ông Lê Cảnh Hòa – Trưởng ban kỹ thuật, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho rằng, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, nếu lấy xăng pha với cồn dưới 10%, sẽ không xảy ra vấn đề gì và không khác nhiều so với xăng không chì. Duy ở Việt Nam có độ ẩm cao, nên Bộ Khoa học và Công nghệ muốn để sau thời gian doanh nghiệp thử nghiệm thực tế mới xây dựng quy chuẩn cho xăng Ethanol (điều này ở các nước trên thế giới không làm). Mặt khác, bà Hoàng Thị Bính, cán bộ Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho biết: Trung tâm đang xây dựng giai đoạn cuối tiêu chuẩn về nhiên liệu sinh học nói chung.
Có thể thấy, sau buổi tọa đàm, điều mà các nhà khoa học, nhà quản lý thống nhất trong quan điểm, đó là xăng Ethanol có rất nhiều ưu việt và là một xu hướng sử dụng tất yếu của thể giới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về quy chuẩn cho xăng Ethanol ở Việt Nam bao giờ chính thức được ban hành; Đồng nghĩa với đó là người tiêu dùng trước mắt chưa được sử dụng xăng Ethanol và nhà máy mà PVB đã đầu tư có trị giá 80 triệu USD, với công suất 100.000m3 cồn Ethanol mỗi năm vẫn bị “treo”.
hnm
|