Khi nào giá xăng mới theo cơ chế thị trường?
Sẽ không cường điệu một chút nào khi nói rằng, câu chuyện giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay là “cuộc giằng co” giữa một bên là dư luận quần chúng - những người suy cho cùng vẫn chỉ “đoán già đoán non” và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu - những người “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” hay không.
Thế nhưng, “lời qua tiếng lại” rồi cũng hé mở hai điều có lẽ là đáng quan tâm nhất sau đây.
Thứ nhất, theo quy định hiện hành, giá bán lẻ xăng dầu là do từng doanh nghiệp xây dựng, nhưng phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chỉ sau ba ngày cơ quan này không có ý kiến phản hồi thì doanh nghiệp mới được thực hiện. Cho nên đã có chuyện “phá lệ” khi doanh nghiệp đã nhận được “cái gật đầu” sớm đến như vậy của cơ quan quản lý này.
Bởi lẽ, như “anh cả” trong làng kinh doanh xăng dầu nước ta, để tiến hành giảm giá bán lẻ 500 đồng/lít đối với mặt hàng xăng Mogas 92 từ 8h ngày 17/10 vừa qua thì theo thông lệ đã phải nộp hồ sơ đăng ký giá này từ 8h ngày 14/10 trước đó. Và tiếp theo, nếu cũng đúng thông lệ, để có giá tiếp tục giảm thêm 500 đồng/lít nữa từ 13h ngày 18/10 vừa qua, thì cũng chỉ 29 giờ đồng hồ sau khi nộp hồ sơ đăng ký giá lần trước cũng đã phải nộp hồ sơ đăng ký giá lần này.
Có nhiều khả năng là tình huống máy móc như thế đã không xuất hiện, mà có lẽ đã xảy ra tình huống “đốt cháy thời gian” trong việc chấp nhận giảm giá bán lần thứ hai chỉ trong vòng 29 giờ đồng hồ.
Thứ hai, cái quan trọng hơn nhiều là ở chỗ, có lẽ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nước ta đã không rơi vào tình trạng như họ nói trong ngày giá giảm lần đầu.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của một tờ báo “ông nghĩ sao về việc giá dầu thế giới đã xuống dưới 70 USD mỗi thùng, cho nên mức giảm giá 500 đồng cho mỗi lít xăng là thấp hơn kỳ vọng của người tiêu dùng”, một quan chức cấp cao của vị “anh cả” này đã nói như đinh đóng cột rằng: “mức giảm giá phải căn cứ vào lượng hàng doanh nghiệp đang có...; mức giảm được tính dựa trên giá trung bình trong 20 - 30 ngày trước đó (từ 25/9 đến 15/10 là 91,705 USD mỗi thùng)...; hiện giá thế giới giảm xuống 70 USD mỗi thùng, nhưng chúng tôi chỉ có thể tính toán theo lượng hàng đã có trong tầm tay”.
Cụ thể hơn, quan chức này còn nói: “Ví dụ như hôm nay giá dầu tại New York là 70 USD mỗi thùng, nhưng đó là hàng giao trong tháng 11, nếu chúng tôi mua được lượng hàng đó thì tháng sau mới về đến Việt Nam và khi có hàng chúng tôi sẽ tính mức giá mới”.
Do vậy, việc cũng chính “anh cả” này lại tiên phong trong việc giảm thêm 500 đồng/lít cho mặt hàng này chỉ vỏn vẹn sau 29 giờ đồng hồ đã đủ nói lên tất cả.
Còn theo cái logic 20 ngày giá xăng dầu trong nước mới chuyển động theo giá thế giới đó, nếu như giá dầu thế giới bình quân trong ba tuần đến ngày 22/7 ở mức đỉnh 138,16 USD/thùng thì đến ngày 17/10 vừa qua đã rơi tự do xuống chỉ còn khoảng 82,02 USD/thùng, tức là đã giảm 40,63%, trong khi giá xăng Mogas 92 chỉ giảm từ 19.000 đồng/lít xuống 16.000đ/lít, tức là chỉ giảm vỏn vẹn 3.000 đồng/lít (giảm 15,79%), còn với giá 15.500 đồng/lít, các mức giảm này cũng chỉ là 3.500 đồng/lít (18,42%).
Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, liệu khoảng chênh 22,21% giữa hai mức giảm này liệu có hợp lý và được phân bổ như thế nào giữa khoản 5% thuế của Nhà nước, khoản bù lỗ của Nhà nước cho doanh nghiệp nhập khẩu và khoản lợi nhuận của doanh nghiệp.
Có thể nói, trong cái “mớ bòng bong” này, chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu là người rõ nhất. Bởi lẽ, nếu thông tỏ mọi “chân tơ kẽ tóc” thì cơ quan quản lý đã không để xảy ra câu chuyện hai lần giảm giá xăng dầu chỉ trong hai ngày, đặc biệt là trong đó có một ngày mà theo đúng luật lao động các công chức đã có thể sum họp cùng gia đình, chứ không phải bận rộn với “công chuyện”.
Nếu vậy, để các doanh nghiệp nhập khẩu đưa ra các mức giá thực sự là giá thị trường, điểm mấu chốt phải cải tổ trong toàn bộ hệ thống cơ chế thị trường mà chúng ta thực thi hiện nay là phải tạo ra khoảng 4 - 5 doanh nghiệp nhập khẩu “bằng vai phải lứa” với nhau. Đó là điều còn thiếu duy nhất hiện nay để có cạnh tranh và chỉ có cạnh tranh thì mới có giá cả thị trường.
Bằng không, những chuyện “bùng nhùng” kiểu như hiện nay chắc chắn sẽ còn nảy sinh, bởi các nhà quản lý dù có tài giỏi đến đâu thì có lẽ vẫn trong tình trạng “gỡ xong chuyện này, sẽ lại xì chuyện khác”.
Xét trên bình diện tổng thể, công việc này có lẽ không quá khó, bởi toàn bộ 11 đơn vị kinh doanh nhập khẩu xăng dầu hiện nay vẫn thuộc sở hữu nhà nước.
sgtt
|