Thứ Năm, 23/10/2008 10:38

Xuất nhập khẩu tụt dốc ?

Xét trên bình diện tổng thể, bức tranh xuất nhập khẩu (XNK) nước ta 9 tháng đầu năm nay đã có những biến đổi cực kỳ mạnh mẽ, nhưng theo chiều hướng sáng dần. Tuy nhiên, với những động thái hiện nay, rất có thể lại thêm một lần nữa có những biến đổi tương tự, nhưng theo hướng cùng giảm tốc, cho nên khó có thể đạt được những mục tiêu mới đề ra.

Vào thời điểm cuối tháng 9/2001, tức là khoảng 3 tuần lễ sau khi sự kiện "Ngày 11/9 đen tối", đã có ý kiến cho rằng, do kim ngạch XK sang thị trường Mỹ lúc đó chỉ mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ, cho nên nền kinh tế  nước ta ít bị ảnh hưởng.

Nói chuyện cũ ...

Cũng ở thời điểm đó và cũng theo hướng này, cho dù ước tính 9 tháng chỉ tăng 10,5%, nhưng Bộ Thương mại nước ta hồi đó dự báo kim ngạch XK hàng hoá cả năm có nhiều khả năng chỉ tăng 13,3%, thấp khá xa so với mục tiêu phấn đấu là 16% và càng thấp xa so với tốc độ tăng 25,26% của năm 2000 trước đó. Còn theo lời rất dung dị của một quan chức cấp cao của bộ này thì đại thể là đạt được tốc độ tăng trên 10% trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà xuống dốc, lại xảy ra sự kiện làm rung chuyển cả thế giới như vậy đã là "oách" lắm rồi. Tuy nhiên, con số này cuối cùng rơi tự do xuống 3,77% ở thời điểm cuối năm. Cũng vẫn theo hướng này, nhưng trên bình diện tổng thể nền kinh tế, từ xuất phát điểm ước đạt 7,0%, Tổng cục Thống kê dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 7,1%, bởi quý IV có thể tăng 7,4%, tức là nền kinh tế vẫn theo tập quán "đủng đỉnh đầu năm và chạy đua nước rút cuối năm" giống như năm 2000 (9 tháng đầu năm chỉ tăng 6,4%; cả năm đạt 6,79%).

Tuy nhiên, cũng tương tự, khi năm 2001 khép lại, con số này chỉ là 6,89%, tức là trong quý IV nền kinh tế đã giảm tốc mạnh so với 9 tháng đầu năm, cho nên đã kéo lùi tốc độ tăng cả năm chậm lại, thấp rất xa so với mục tiêu tăng trưởng được kỳ vọng ở mức 7,5%.

Ngược lại, cũng có ý kiến tỉnh táo cho rằng, cho dù tác động trực tiếp của sự kiện "Ngày 11/9 đen tối" năm 2001 đối với nền kinh tế nước ta là không lớn do tỷ trọng kim ngạch XK của nước ta sang thị trường này còn rất nhỏ (năm 2006 mới đạt 732,4 triệu USD và chỉ chiếm 5,12% tổng kim ngạch XK; 7 tháng đầu năm cũng chỉ mới chiếm 6,87%), nhưng nền kinh tế của "người khổng lồ" nhất hành tinh này sẽ tác động gián tiếp rất mạnh đến nền kinh tế nước ta theo nhiều kênh khác nhau. Trước hết, đó là do XK của những bạn hàng lớn của nước ta sang thị trường Mỹ giảm khiến XK của nước ta sang các thị trường này giảm theo. Tiếp theo, khác với sự suy giảm hoạt động XK hàng hoá và dịch vụ của nước ta theo các kênh khác nhau chỉ diễn ra đối với những mặt hàng nhất định và những thị trường nhất định, sự suy yếu của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác, cũng như suy yếu ngay cả so với đồng Việt Nam đương nhiên sẽ là cái phanh hãm đối với tất cả các hoạt động XK...

Nếu nhìn ngược trở lại những năm 1996-1998, tuy không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, nhưng hoạt động XNK của nền kinh tế nước ta "chạm đáy" với tốc độ tăng thấp kỷ lục 1,91% và "âm" 0,80% năm 1998 trong khi liên tục ba năm 1994-1996 đều tăng cao ngất ngưởng trong khoảng 36-48%, còn năm 1997 cũng vẫn còn tăng khá cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tụt dốc từ mức "đỉnh" 9,54% năm 1996 xuống mức "đáy" chỉ với 4,77%, kỷ lục thấp nhất trong 18 năm trở lại đây.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong điều kiện nền kinh tế thế giới "giở chứng", với một nền kinh tế có độ mở cả ở đầu ra XK lẫn ở đầu vào NK lớn thuộc loại hiếm có, mà lại đang ở trình độ phát triển còn rất thấp như nước ta, tác động tiêu cực là rất lớn. Và điều đặc biệt quan trọng hiện nay là, dường như "tập quán" này vẫn đang còn tồn tại trong nền kinh tế nước ta.

Và hiện tại

Hẳn nhiên, bài học lịch sử nói trên chỉ có ý nghĩa tham khảo, bởi hoàn cảnh của nền kinh tế nước ta hiện đã rất khác trước và thực trạng hoạt động XNK hiện tại cũng có những đặc điểm rất khác.

Nhìn tổng quát, hoạt động XNK của nước ta 9 tháng qua có ba điểm nổi bật sau đây:

- Thứ nhất, từ xuất phát điểm rất cao, NK đã tăng bùng nổ rất nhanh và hơn một nửa thời gian còn lại là giai đoạn hạ nhiệt chậm. Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, ngay trong tháng đầu năm kim ngạch NK đã đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 37,8% so với mức trung bình hàng tháng năm 2007. Còn sau đó, sau khi giảm xuống còn gần 6,2 tỷ USD trong tháng có Tết Nguyên đán như thông lệ, kim ngạch NK đã lập tức tăng vọt lên hơn 8,1 tỷ USD trong tháng 3 và đạt kỷ lục hơn 8,3 tỷ USD trong tháng 4, còn từ tháng 5 đến nay liên tục hạ nhiệt và dừng ở khoảng 5,8 tỷ USD trong tháng 9 vừa qua.

Chính vì vậy, nếu như tốc độ tăng so với cùng kỳ ở thời điểm tháng 1 đã là 66,2%, thì tháng 4 đạt kỷ lục "mọi thời đại" với 79,77% và tháng 9 vừa qua vẫn còn khoảng 48,3%.

- Thứ hai, trong khi đó, cho dù đến thời điểm hiện tại vẫn đạt tốc độ tăng kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây, nhưng XK lại trong trạng thái gần như ngược lại. Bởi lẽ, như các số liệu thống kê cho thấy, nếu như kim ngạch XK tháng 1 đạt trên 4,9 tỷ USD và chỉ tăng 30,6% so với cùng kỳ, thì sau hai tháng giảm mới vượt qua ngưỡng 5 tỷ USD/tháng vào tháng 4 và liên tục tăng, nhưng chậm, cho nên đến tháng 7 mới đạt tới mức "đỉnh" hơn 6,6 tỷ USD, còn hai tháng gần đây tuy cũng giảm, nhưng tương đối chậm (tháng 9 ước đạt 5,3 tỷ USD), cho nên tốc độ tăng vẫn đạt ở mức đáng mừng 39,0%.

- Thứ ba, chính do sự lệch tốc như vậy trong XNK, cho nên nhập siêu đã tăng "sốc" ngay từ những tháng đầu năm, cho nên tỷ lệ nhập siêu hiện vẫn còn cao, cho dù đã liên tục giảm mạnh trong nhiều tháng qua. Các số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch nhập siêu ngay từ tháng 1 đã đạt gần 2,3 tỷ USD và đạt kỷ lục gần 3,3 tỷ USD ngay trong tháng 3, còn tháng 4 chững lại ở mức trên 3,2 tỷ USD và sau đó hầu như liên tục giảm mạnh, nhưng tỷ lệ nhập siêu chín tháng vẫn còn khoảng 32,6%, vẫn cao kỷ lục trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, những động thái trong XNK như nói trên là do nhiều yếu tố quyết định, nhưng trong đó sốt nóng giá cả thế giới và năng lực sản xuất của nền kinh tế nước ta là hai nguyên nhân đặc biệt quan trọng.

Đó là, tuy cùng bị "khuếch đại" bởi sốt nóng giá cả thế giới và mặc dù chúng ta được lợi hơn ở đầu ra XK, nhưng do khối lượng bị hạn chế, còn nhu cầu NK vẫn tăng khá mạnh, cho nên kim ngạch NK và nhập siêu vẫn tăng mạnh hơn.

Trong khi đó, kim ngạch XK thực tế cũng 8 mặt hàng đạt 16,322 tỷ USD, tăng 5,339 tỷ USD và 48,61%, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2007 thì "co lại" chỉ còn 9,779 tỷ USD, tức là yếu tố khối lượng hàng hoá XK giảm đã làm "ngót" kim ngạch XK tới 1,204 tỷ USD và 10,96%.

Điều này có nghĩa là, chỉ cần duy trì được khối lượng hàng hoá XK như cùng kỳ năm 2007 thì kim ngạch XK những mặt hàng này chín tháng qua đã tăng 6,543 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng 59,57%, còn nếu tăng được khối lượng XK giống như NK thì đương nhiên tốc độ tăng XK còn cao hơn rất nhiều, và do vậy, kim ngạch nhập siêu cũng như tỷ lệ nhập siêu đương nhiên cũng đã giảm rất mạnh.

Bên cạnh ba nguyên nhân nói trên, bức tranh XNK nước ta còn bị "méo mó" bởi việc NK "quá đà" khiến tốc độ tăng vọt trong những tháng đầu năm, còn sau đó đã đồng loạt tái xuất ra thị trường thế giới khiến tốc độ tăng XK được duy trì ở mức đáng mừng những tháng vừa qua như đã nói ở trên.

Khập khiễng ba mục tiêu

Cũng từ thực trạng hiện nay và những kinh nghiệm thực tế, có thể nói, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu "kép ba": XK 64,7 tỷ USD; NK 84 tỷ USD và nhập siêu 19,3 tỷ USD của năm nay. Còn với những kinh nghiệm thực tế của nền kinh tế nước ta trong các cơn khủng hoảng trước đây, cũng như từ những động thái của thị trường thế giới hiện nay, gần như chắc chắn hoạt động XNK của nước ta đều sẽ tụt dốc.

Bởi lẽ, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, trong các năm gía nguyên liệu thế giới đạt mức "đỉnh" trong cả ba chu kỳ sốt nóng trong vòng 28 năm qua đều cho thấy, giá trong 3 tháng cuối năm đều giảm mạnh so với 9 tháng đầu năm. Đó là, giá nguyên liệu phi lương thực, thực phẩm 3 tháng cuối năm 1981 giảm 6,64% so với 9 tháng đầu năm, còn tỷ lệ này ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm là 6,82%. Một cách tương tự, cặp số liệu này năm 1991 là 4,98% và 3,18%, còn năm 1996 lên tới 6,09% và 9,39%.

Như vậy, trong điều kiện gía nguyên liệu thế giới sau khi liên tục phá kỷ lục mọi thời đại hồi giữa năm, còn cuối năm kinh tế thế giới đang đứng trước khủng hoảng tài chính tiền tệ được đánh giá là có tầm vóc thế kỷ như như năm nay, việc gía nguyên liệu thế giới những tháng cuối năm sẽ "phá lệ" tăng nóng những năm gần đây để đi theo "quy luật" của những năm sốt nóng kỷ lục là điều chắc chắn.

Việc gía dầu thế giới rơi tự do trong những ngày vừa qua và kéo theo nó sẽ là tình trạng hạ nhiệt giá cả những nguyên liệu có gốc dầu mỏ, mà cả những mặt hàng phi dầu mỏ, cũng như việc giá của một loạt mặt hàng nông sản XK chủ lực của nước ta đang "tụt dốc không phanh" trong thời gian vừa qua và sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới là điều chắc chắn.

Trong bối cảnh như vậy, yếu tố tốc độ tăng "ảo" do giá cả sốt nóng "khuếch đại" lên trong thời gian qua hiển nhiên là không còn, cho nên tốc độ tăng cả XK lẫn NK đương nhiên sẽ giảm mạnh.

Thế nhưng, trong khi yếu tố tăng khối lượng hàng hoá trong NK chắc chắn vẫn còn tồn tại vừa do những nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh XK, cũng như do gia tăng đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, cho nên tốc độ tăng NK khó có khả năng "giậm chân tại chỗ" như vậy, thì "đoàn tàu XK" lại không những không có nguồn động lực tăng, mà còn bị "chiếc phanh hãm" do giảm khối lượng XK, cũng như do việc tái xuất ồ ạt bắt nguồn từ tình trạng NK "quá đà" chấm dứt khi hết nguồn. Do vậy, có nhiều khả năng là mục tiêu tăng lệch tốc quá lớn giữa hai "đoàn tàu XK và NK" như nói trên để đạt được sự đồng tốc cao ngất ngưởng có thể nói là rất lý tưởng vào cuối năm (XK tăng 33,23% và NK tăng 34,01%) sẽ thiếu tính khả thi, và cũng do vậy, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới ngưỡng 20 tỷ USD cũng có nhiều khả năng khó có thể đạt được.    

Nói tóm lại, nhờ hàng loạt giải pháp cấp bách phục hồi nguồn động lực thúc đẩy XK, đồng thời kiềm chế gắt gao NK, tuy bức tranh XNK những tháng gần đây đã sáng dần, nhưng triển vọng những tháng cuối năm lại rất khó lường, thậm chí rất có thể sẽ không sáng sủa.

dddn

Các tin tức khác

>   Đóng 4 tàu hàng xuất khẩu trị giá 134 triệu USD (23/10/2008)

>   Nigieria muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với VN (22/10/2008)

>   ASEM và sự tham gia tích cực của Việt Nam (23/10/2008)

>   Ðầu tư 3,5 triệu USD phát triển ngành nghề thủ công tại Tây Bắc (23/10/2008)

>   Khi nào giá xăng mới theo cơ chế thị trường? (23/10/2008)

>   Thanh long xuất khẩu của Việt Nam đã đến Mỹ (23/10/2008)

>   Nếu là người lãnh đạo EVN, tôi sẽ không trích thưởng từ tiền chênh lệch giá (23/10/2008)

>   Triển vọng giảm giá đã trong tầm tay (23/10/2008)

>   SuperStar Virgo đến TPHCM với 2.000 khách (23/10/2008)

>   Cần Thơ: kiến nghị thu hồi 5 dự án dân cư (23/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật