Người trồng cao su dõi theo giá dầu
Ngược với số đông, việc giá dầu thế giới đang giảm mạnh lại khiến cho những nông dân, công nhân trồng cao su trong nước không vui; thậm chí phải lo lắng, đứng ngồi không yên.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay có lẻ đã một phần tác động tới hầu hết nông dân Việt Nam từ người trồng lúa, cho tới cà phê, tiêu, điều... bởi giá xuất khẩu nông sản hai tháng qua tụt giảm, kéo giá bán của họ giảm theo. Trong đó, người phải gánh chịu thiệt hại nặng nề hiện nay là những người trồng cao su.
Do giá cao su thiên nhiên gắn liền với giá cao su nhân tạo sản xuất từ lọc hóa dầu. Giá dầu hạ đến đâu thì kéo giá cao su nhân tạo xuống theo đến đó và thế là giá cao su thiên nhiên cũng tuột dốc theo.
Ông Đỗ Đức Oánh có trang trại 65 héc ta ở huyện Củ Chi và Bình Phước, trong đó có 33 héc ta cao su, còn lại là tiêu, cây ăn trái. Mấy hôm nay, hàng đêm, xem chương trình thời sự quốc tế trên Đài Truyền hình Việt Nam, ông Oánh luôn chú ý theo dõi các bản tin thời sự để nghe ngóng giá dầu thế giới lên xuống ra sao. Cứ nghe tin giá dầu giảm thêm thì ông lại lo lắng không biết ngày mai giá mủ cao su sẽ còn bao nhiêu? Hồi tháng 7, tháng 8, ông bán mủ còn được hơn 15.000 đồng/kg nhưng bây giờ giá giảm hơn một nửa.
Ở TPHCM, tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa là Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhưng ở huyện Bến Cát, Bình Dương thì bà là chủ một trang trại trồng cao su, kiêm luôn đại lý thu mua mủ cao su cho các trang trại khác trong vùng. Cách nay hơn một tháng, giá mủ cao su mà bà bán cho các nhà máy là 15.000 - 16.000 đồng/kg, nay giá mủ cao su tại vườn tụt thảm hại, chỉ còn khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Đối với bà Hoa, bà hiểu khá rõ tại sao “túi tiền” của trang trại bà giảm nhanh. Bà cho biết có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng giá mủ thấp như hiện nay. Trước hết, "cơn bão" tài chính đã làm tốc độ phát triển kinh tế thế giới chậm lại và đang khiến người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” nên lượng mua sắm ô tô và săm lốp khựng lại. Tất nhiên, công nghiệp săm lốp ô tô giảm sản lượng thì nhu cầu mua mủ cao su thiên nhiên cũng giảm theo.
Nguyên nhân thứ hai là do giá dầu thế giới giảm quá nhanh, từ hơn 140 đô la Mỹ/thùng dầu thô lúc cao điểm vài tháng trước, nay chỉ còn phân nửa khiến xu hướng sử dụng cao su nhân tạo từ dầu, vốn chiếm 50% thị trường cao su, tăng trở lại nhờ lợi thế giá rẻ và đã làm nhu cầu cao su thiên nhiên giảm mạnh.
Nếu quy ra tiền đồng thì vào tháng 7 năm nay, khi xuất khẩu một tấn mủ các công ty cao su thu được 58 triệu đồng, được xem là cao kỷ lục từ trước tới nay, thì đến giữa tháng 10, giá chỉ còn 30 triệu đồng/tấn. Điều này, không một nhà xuất khẩu hay cơ quan nào dự báo kịp.
“Nhiều doanh nghiệp hội viên của VRA bị "choáng" khi chỉ trong vòng có hai tháng, mỗi tấn mủ họ mất 28 triệu đồng, giống như đang ở trên đỉnh cao đột ngột rơi xuống vực sâu”, bà Hoa nói.
Theo VRA, trong vòng 2 tuần đầu tháng 10, giá cao su trên thị trường thế giới đã sụt giảm khá mạnh, giảm 35% tại thị trường giao dịch TOCOM của Nhật; 30% tại SICOM của Singapore; 28% tại Malaysia; 23% tại Thượng Hải, Trung Quốc, so với cuối tháng 9.
Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng mủ cao su xuất khẩu của Việt Nam được 459.000 tấn với kim ngạch 1,25 tỉ đô la Mỹ. Tuy giảm 8% về lượng nhưng tăng 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đơn giá xuất khẩu tăng tới 45%.
Bộ Công Thương đưa ra dự báo trước khi giá cao su tụt giảm vào đầu tháng 10, rằng ba tháng cuối năm, Việt Nam có thể xuất thêm khoảng 270.000 - 290.000 tấn mủ, tạo giá trị 744 triệu đô la Mỹ, nâng sản lượng xuất khẩu cả năm lên 750.000 tấn với kim ngạch 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 44% về kim ngạch so với năm ngoái.
Tuy nhiên, dự báo trên lại dựa vào đơn giá bình quân cả 9 tháng, nay đơn giá xuất khẩu giảm gần phân nửa thì VRA chỉ còn hy vọng cả năm được 1,6 - 1,8 tỉ đô la Mỹ.
VRA cũng đang trấn an các doanh nghiệp hội viên rằng nhu cầu cao su thiên nhiên giảm ở một nước có nền kinh tế bảo hòa như Mỹ, Nhật, châu Âu nhưng vẫn tăng trưởng ở một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, trong đó 64% sản lượng cao su Việt Nam hiện nay được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mặt khác, theo bà Hoa, trước tình hình giá dầu thô và nhiều hàng hóa giảm giá, nhu cầu cao su chậm lại, người tiêu thụ cao su đã giảm tiến độ mua và chờ giá giảm thêm, nhưng do lượng cao su dự trữ trên thị trường thế giới không còn nhiều, do vậy các nhà nhập khẩu sẽ không thể dừng mua quá lâu trong thời gian tới.
Hơn nữa, hôm 17-10, Công ty cao su IRCo (International Rubber Consortium, Limited), một liên doanh giữa ba nước, chiếm 75% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu là Thái Lan, Malaysia và Indonesia, đã nhóm họp nhằm chuẩn bị đối phó trước tình hình giá cao su thiên nhiên đang giảm liên tục. Việt Nam đang hy vọng ba nước nói trên, dưới tác động của IRCo, sẽ cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên.
tbktsg
|