Thị trường hàng hoá cuối năm:
Mãi lực thấp, giá nhiều mặt hàng "hạ nhiệt"
Trái ngược với diễn biến giá tiêu dùng thường tăng lên vào những tháng cuối năm, năm nay nhiều mặt hàng đang "hạ nhiệt". Đây là một tín hiệu lạc quan và là kết quả của nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát.
Thế nhưng, sức mua trên thị trường hiện nay cũng khá thấp dù đã bước vào mùa mua sắm. Bên cạnh đó, một số mặt hàng vẫn giữ giá cao bất hợp lý.
Giá cả tiếp tục hạ nhiệt
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, giá nguyên liệu thế giới trong 2 tháng 8 và 9 đã liên tục rơi tự do với mức giảm 10,69 và 9,92%. Ba tháng cuối năm, nhiều khả năng giá nguyên liệu thế giới sẽ tiếp tục giảm. Việc giá nguyên liệu thế giới giảm cộng với chính sách kiềm chế lạm phát đã khiến giá cả trong nước hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước trong tháng 9 chỉ tăng 0,18%, riêng tại TPHCM chỉ tăng 0,11% (tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay) và nhiều khả năng trong tháng 10 sẽ giảm tiếp.
Theo các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như các ban quản lý chợ tại TPHCM, sức mua hàng hóa đang chựng lại và giá cả các mặt hàng tiếp tục hạ nhiệt. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart cho biết: "Mọi năm, sang tháng 10, sức mua cũng như doanh số của siêu thị bắt đầu tăng lên, nhưng năm nay mãi lực còn giảm vì người tiêu dùng (NTD) tiết giảm chi tiêu".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa nhận xét: "Giá nhiều nguyên liệu trên thế giới giảm nên gần đây hầu như các nhà sản xuất, phân phối đều điều chỉnh giảm giá ở mức hợp lý hơn. Việc cạnh tranh quyết liệt về giá giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp cũng khiến giá cả các mặt hàng được kìm lại".
Nhiều mặt hàng trên thị trường đã bắt đầu giảm giá. Các loại dầu ăn Neptune, Simply, Tường An... đã giảm 10-15%. Thực phẩm chế biến, đóng hộp cũng giảm 5-10%. Thịt heo 2 tháng nay liên tiếp giảm giá nhiều đợt. Từ 13.10, Cty Vissan tiếp tục giảm giá thịt heo tươi sống với giá bán lẻ hiện chỉ còn 66.000 - 74.000 đồng/kg. Gạo trên thị trường bán lẻ cũng đang giảm 500 - 1.000 đồng/kg so với 1 tháng trước.
Nhiều mặt hàng thuốc tây cũng bắt đầu giảm giá 10-30%. Theo Sở Y tế TPHCM, một số doanh nghiệp dược phẩm như Hậu Giang, Vidiphar, 2-9, Imexpharm, Viễn Đông đã nộp hồ sơ xin giảm giá hàng chục sản phẩm thuốc, mức giảm khá cao, có loại giảm đến 34%. Thị trường vật liệu xây dựng cũng hạ nhiệt đáng kể với giá sắt thép hiện nay đã giảm 4-5 triệu đồng/tấn so với thời điểm cao điểm tháng 7, hiện dao động trong khoảng 17 triệu đồng/tấn. Các loại tôn lợp cũng giảm 15.000 đồng/m2, gạch, đá, cát cũng giảm 10-25% so với 1 tháng trước.
Tương tự, thị trường hàng điện tử - điện máy cũng đua nhau giảm giá 10-30%, thậm chí một số mặt hàng giảm giá đến 50% do áp lực còn 2 tháng nữa VN sẽ mở cửa thị trường bán lẻ - trong đó có các mặt hàng điện tử - điện lạnh, các nhà sản xuất đua nhau cạnh tranh giá, đưa ra sản phẩm mới, giảm giá để kích cầu...
Vẫn còn một số mặt hàng giá chưa hợp lý
Chịu tác động trực tiếp giá dầu thế giới, giá gas trong nước trong 3 tháng gần đây đã liên tiếp 4 đợt giảm giá, hạ xuống còn 253.000 - 254.000 đồng/bình 12kg. Thế nhưng, không ít NTD cho rằng giá mặt hàng này vẫn chưa giảm tương xứng với giá thị trường thế giới. Trong khi đó, vẫn còn một mặt hàng đứng ở mức giá cao ngất ngưởng là sữa bột.
Mặc dù giá nguyên liệu sữa trên thế giới không còn cao như trước, đang có sự kiện melamine, sức mua giảm... nhưng giá sữa bột của các hãng trên thị trường VN vẫn không hạ, dù giá bán tại VN cao hơn nhiều so với thị trường các nước trong khu vực. Một điều nhận thấy khá rõ là hiện nay các nhãn hiệu sữa bột đang tập trung chi phí cho quảng cáo hơn là nghĩ đến việc giảm giá bán.
Mặt khác, trong vài ngày nay, một số cửa hàng - quán ăn bắt đầu tăng giá một số loại bia như Heineken tăng thêm 2.000 đồng/chai, lon. Đây là tín hiệu cho thấy giá bia trong dịp cuối năm, Tết đang ngấp nghé tăng lên.
lđ
|