Thực trạng nợ BHXH của các DN: Tòa án cũng... bó tay
Việc DN không đóng BHXH (dưới nhiều hình thức như không đóng tiền BHXH cho NLĐ, thu tiền BHXH của NLĐ nhưng không đóng, không đúng thời gian quy định...) diễn ra ở nhiều DN. Nhiều DN nợ BHXH với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, kéo dài nhiều năm, cơ quan quản lý nhà nước đã thanh tra, xử phạt, khởi kiện ra tòa nhưng rồi cũng không giải quyết được dứt điểm làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng BHXH của người lao động (NLĐ)...
Những hành vi vi phạm đó về thực chất là chiếm dụng tiền của NLĐ và nghiêm trọng hơn là đã chiếm dụng tiền của ngân sách nhà nước: vì số tiền DN phải đóng BHXH đã được hạch toán vào trong giá thành sản phẩm, phí lưu thông nên số thu ngân sách nhà nước bị giảm tương ứng.
“Chúa Chổm” hiện đại
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2008, có 166 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT cho NLĐ, với số tiền lên đến 126,6 tỷ đồng (đơn vị nợ ít nhất cũng từ 200 triệu đồng trở lên). BHXH thành phố Hà Nội cho biết, các đơn vị nợ tiền bảo hiểm từ 200 triệu đồng với thời gian từ 3 tháng trở lên của NLĐ tập trung chủ yếu vào những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cầu đường, dệt may. Đây được coi là những khoản nợ "xấu", bởi vậy phía BHXH thành phố Hà Nội cho biết, sẽ lần lượt đưa các đơn vị nợ tiền bảo hiểm ra tòa nếu thời gian tới vẫn không chịu nộp tiền BHXH, BHYT cho NLĐ.
Còn tại TP HCM - nơi tập trung số lượng DN và NLĐ lớn nhất nước cũng là điển hình về tình trạng nhiều chủ DN chây ỳ đóng BHXH cho NLĐ. Theo thống kê ngày 17/9/2008 của Phòng kiểm tra thuộc cơ quan BHXH thành phố, hiện có 74 DN đang nợ BHXH với tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng. Có thể điểm mặt một số DN nợ lớn như: Cty TNHH giày Anjin (nợ hơn 6,2 tỷ đồng), Cty CP may Sài Gòn 2 (nợ hơn 6,2 tỷ đồng), Cty TNHH AMW Việt Nam (nợ 2,74 tỷ đồng), Cty TNHH may Dục Quân (nợ gần 2,3 tỷ đồng), Cty TNHH IIshin Womo (nợ gần 1,8 tỷ đồng), Cty TNHH Ga Eun Vina (nợ hơn 1,7 tỷ đồng), Cty TNHH Global cybersoft Việt Nam (nợ hơn 1,3 tỷ đồng).
Theo đại diện của cơ quan BHXH thành phố thì cơ quan này đang khởi kiện 3 DN có nợ đọng BHXH khá lớn. Tuy nhiên, vụ việc đang trong quá trình tố tụng nhưng các DN này đều tỏ thái độ bất hợp tác. Cụ thể: Cty TNHH giày Anjin và Cty TNHH đồ chơi quốc tế Lucky Việt Nam đều không chấp nhận hòa giải. Riêng Cty TNHH Vina Haeng Woon Industry vắng mặt trong phiên hòa giải sáng 22/9/2008. Còn Cty Kwangnam (phường 9, quận Phú Nhuận), tháng 6/2008 vừa qua, TAND quận Phú Nhuận tuyên buộc Cty Kwangnam phải trả một lần số tiền nợ hơn 7 tỷ đồng cho BHXH thành phố. Thời hạn cuối cùng để thi hành án là ngày 19/9/2008. Thế nhưng, thời hạn cuối cùng đã trôi qua mà Cty Kwangnam vẫn không chịu trả nợ.
Nộp phạt quá thấp
Trong hoạt động kinh tế, chuyện nợ nần là khó tránh khỏi, kể cả đối với các trách nhiệm đóng góp như đóng thuế. Nhưng nợ thường xuyên, phổ biến, nợ kéo dài đối với trách nhiệm đóng BHXH thì là bất bình thường. Đôi khi, chính các quy định pháp luật tạo kẽ hở đã vô tình khuyến khích DN tranh thủ trì hoãn đóng BHXH thêm được một số ngày (từ 30 ngày trở lên)... Và hơn nữa, để tồn tại những món nợ BHXH phải kể đến nguyên nhân chủ quan từ chính những cá nhân, tổ chức có liên quan trong tổ chức thực thi pháp luật; sự chây ì, có ý thức của chính người sử dụng lao động.
Luật BHXH đã có những quy định về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện và kết quả ở nhiều địa phương chưa được như mong muốn, chưa phát huy được tác dụng.
Nguyên nhân của tình hình này là do lực lượng thanh tra của các cơ quan chức năng còn mỏng, vì vậy số vụ vi phạm do cơ quan BHXH báo cáo thì nhiều nhưng được xử lý thì rất ít. Mặt khác, sự phối hợp cũng như cơ chế xử lý các vi phạm còn nhiều bất cập về thủ tục cũng như mức độ xử phạt.
Cần xử lý nghiêm
Để hạn chế, tiến đến xoá bỏ tình trạng nợ đọng BHXH, nợ dây dưa, kéo dài của các DN, đòi hỏi phải tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm minh và quyết liệt hơn.
Theo đại diện BHXH, đã đến lúc phải có cơ chế, chính sách để xác lập, xây dựng và duy trì các kênh trao đổi thông tin phù hợp và thuận lợi cho DN và NLĐ với cơ quan BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi về BHXH cho NLĐ; thực hiện cải cách hành chính, tổ chức công việc thực sự khoa học, giải quyết các yêu cầu của DN, NLĐ đăng ký tham gia, giải quyết quyền lợi BHXH nhanh gọn, thuận tiện. Đối với các hành vi cố ý chây ỳ, nợ dây dưa kéo dài cần được phát hiện, xử lý nhanh chóng, kiên quyết, đúng quy định của pháp luật. Song song với giáo dục, tuyên truyền pháp luật cần phát huy tính răn đe của các biện pháp trừng phạt về kinh tế.
Nếu nhìn nhận việc không đóng, đóng chậm, đóng thiếu BHXH như là một hình thức chiếm dụng vốn thì rõ ràng phải có giải pháp thích hợp hơn, mức lãi suất áp dụng để tính lãi trong trường hợp này phải cao hơn mức lãi suất tiền vay quá hạn của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, thời điểm bắt đầu tính lãi phải bắt đầu ngay sau khi hết thời hạn đóng mà không phải chờ đến 30 ngày sau như hiện nay.
dddn
|