Thứ Sáu, 17/10/2008 08:53

Quốc hội yêu cầu đánh giá vốn đầu tư

Tỷ số vốn/sản lượng tăng thêm (hay còn gọi là hệ số ICOR), dao động từ 4,5 đến 5,3 là cao so với khu vực, điều này khẳng định rằng đầu tư của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.

Ngay trong ngày khai mạc Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 (16-10), tại Hà Nội, bản báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 của Chính phủ đã chỉ ra rằng: “Mấy năm gần đây, hệ số ICOR của Việt Nam dao động từ 4,5 đến 5,3. Năm 2008 có thể cao hơn”. Theo Viện Khoa học Tài chính, Bộ Tài chính hệ số ICOR bình quân ở các nước trong khu vực chỉ từ 3 đến 4, nên Việt Nam nếu ở mức này có thể nói là cao so với khu vực.

Trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên thế giới hiện nay, Chính phủ đã dựa trên hệ số ICOR như là một trong những cơ sở để đánh giá hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi tỷ lệ đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng.

Nói về nguồn thu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong bản báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội cũng trình ra trước Quốc hội trong phiên khai mạc đã nhấn mạnh rằng: nguồn thu ngân sách nhà nước đạt cao, vượt 76 ngàn tỉ đồng so với năm trước.

Nhưng nguồn thu đầu vào này vượt được là do giá dầu thô tăng, nên thu tới 35,7 ngàn tỉ và vượt các khoản thu về nhà, đất hơn 7,2 ngàn tỉ (chiếm 56% số vượt thu). Điều này cảnh báo rằng, tốc độ tăng thu có xu hướng giảm, số thu không ổn định (5 tháng đầu năm, tốc độ tăng thu bình quân 44% so với cùng kỳ năm 2007, từ tháng 6 đến tháng 8 giảm còn khoảng 16%), đặc biệt thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp nhà nước tăng không đáng kể.

Đó là những yếu tố tiềm ẩn không bền vững cho đầu vào của nền kinh tế. Đáng nói nữa về nguồn thu từ kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm dự kiến tăng 39%, vượt mức kế hoạch đề ra nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ tăng khoảng 14,8% (tăng kim ngạch do tăng giá 2 nhóm mặt hàng nông sản và khoáng sản đã chiếm 19,1%).

Trong vấn đề nhập siêu thì chỉ riêng 9 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 21 tỉ đô la Mỹ, còn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 5,2 tỉ đô la Mỹ.

Điều này gợi lên rất nhiều suy nghĩ về đầu tư đầu vào cho sản xuất trong điều kiện suy giảm của thị trường xuất khẩu do khủng hoàng tài chính thế giới. Nếu không có những biện pháp quyết liệt trong ngắn hạn và dài hạn để đẩy mạnh xuất khẩu thì nguồn thu đầu vào sẽ càng khó khăn hơn nữa.

Nhưng đầu ra của các nguồn thu nhà nước cũng chủ yếu nhắm đến các hoạt động đầu tư thì chưa phản ánh được hiệu quả thực tế.

Ủy ban Kinh tế phân tích rằng: khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra. Qua 8 tháng đầu năm, mức giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách đạt khoảng 38,5% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 32% kế hoạch đã điều chỉnh. Việc giải ngân chậm đồng nghĩa với vốn đầu tư sẽ chậm phát huy hiệu quả trong việc góp phần tăng trưởng kinh tế.

“Rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khó đánh giá về khả năng trả nợ vay của các doanh nghiệp nhà nước”, Ủy ban Kinh tế băn khoăn.

Cũng theo phân tích, việc cắt giảm các dự án đầu tư ở doanh nghiệp nhà nước (theo báo cáo của Chính phủ là 1.145 dự án với giá trị trên 31 ngàn tỉ đồng) cần được rà soát, đánh giá thực chất hơn nữa. Bởi thực tế cho thấy, chất lượng, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước thấp hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù tất cả các khu vực này đều chịu tác động từ những khó khăn chung, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm chỉ tăng 5,9% so với mức tăng 20,9% của khu vực dân doanh hoặc 17,9% của khu vực doanh nghiệp nước ngoài (không tính dầu thô).

Ủy ban Kinh tế đưa ra những đề nghị cụ thể cho việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện tình hình đầu tư. Theo đó, đề nghị Chính phủ phải xem xét lại tính khả thi của việc cân đối nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 là 30 ngàn tỉ đồng, tăng khoảng 9,4% so với kế hoạch đã điều chỉnh năm 2008, trong khi nguồn vốn này trong hai năm 2007 và 2008 đều không thực hiện được kế hoạch đề ra.

“Mặt khác, cũng cần rà soát, cân nhắc việc cân đối nguồn vốn đầu tư ở khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 79 ngàn tỉ, tăng 21,5% so với ước thực hiện năm 2008 (65 ngàn tỉ)”.

Mục đích của việc này, theo Ủy ban Kinh tế là nhằm thực hiện nghiêm từ đầu năm 2009 nhóm giải pháp về kiểm soát chặt hiệu quả đầu tư công, không để tình trạng đầu tư tràn lan xảy ra, không đúng với nhiệm vụ của các doanh nghiệp nhà nước như đã xảy ra trong những năm qua.

Hệ số ICOR các nước trong khu vực

- Philippines: 2,3

- Indonesia: 2,8

- Thái Lan: 3,6

Nguồn: Thống kê tài chính quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chưa mặn mà với đại lý Hải quan (17/10/2008)

>   Bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (17/10/2008)

>   Không thiếu lương thực, nhưng vẫn còn những vùng dễ tổn thương (17/10/2008)

>   Để khó khăn không còn che lấp tiềm năng Tây Bắc (17/10/2008)

>   "Nóng" với thông tin lúa rớt giá (17/10/2008)

>   Khởi động dự án Tòa tháp 68 tầng Bitexco  (17/10/2008)

>   Thắt lưng buộc bụng (17/10/2008)

>   Doanh nghiệp sẽ thu hẹp nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm (17/10/2008)

>   Xuất khẩu gạo gặp khó (17/10/2008)

>   Đồ gỗ Việt Nam được ưa chuộng tại Hoa Kỳ (17/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật