Thứ Sáu, 17/10/2008 07:17

"Nóng" với thông tin lúa rớt giá

Trong khi lúa ở ĐBSCL rớt giá, nông dân không biết bán cho ai thì hội nghị “Bàn biện pháp xuất khẩu gạo quí 4-2008” do Bộ Công Thương chủ trì sáng 16-10 tại TPHCM lại cấm cửa với tất cả phóng viên và sau khi cuộc họp kết thúc, không một ai “hé miệng” trả lời những thắc mắc của các báo đài.

Hơn 20 phóng viên đã tập trung tại văn phòng 2 Bộ Công Thương tại TPHCM ở số 45 Trần Cao Vân, quận 3 để lấy thông tin từ hội nghị liên quan tới thu nhập của hàng triệu hộ nông dân trồng lúa từ 8 giờ sáng. Thế nhưng, dù các phóng viên kiên trì chờ đợi tới lúc hội nghị kết thúc hồi 12 giờ 30 nhưng vẫn chỉ là công cốc.

Tăng trưởng trong bất ổn 

Trong báo cáo xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay của Bộ Công Thương thì xuất khẩu gạo được 3,69 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,44 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 89% về giá trị nhưng giảm 8,3% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ này nhận định rằng do đơn giá xuất khẩu bình quân tăng nên xuất khẩu gạo đã vượt mục tiêu đề ra và đóng góp hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ cho mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước so với cùng kỳ năm ngoái là 13,6 tỉ đô la Mỹ.

Theo dự kiến của Bộ Công Thương thì 3 tháng còn lại của năm 2008, Việt Nam có thể xuất khẩu thêm 415 triệu đô la Mỹ để đạt kim ngạch 2,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 91% so với năm ngoái trong khi sản lượng xấp xỉ nhau, tức 4,5 triệu tấn gạo.

Thế nhưng, tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 9 tháng do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM hôm 15-10, chính Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã thừa nhận xuất khẩu gạo đang gặp khó do nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo đang tăng, dẫn tới giá gạo thế giới giảm mạnh.

Trên trang chủ của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ở địa chỉ www.vietfood.org.vn, ghi nhận giá lúa hè thu tại các tỉnh ĐBSCL vào ngày 10-10 giảm so với tuần trước đó, còn khoảng 5.000-5.200 đồng/kg tùy loại, địa phương và tùy độ ẩm. Giá gạo nguyên liệu loại 1 khoảng 6.300-6.700 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại 2 khoảng 6.000-6.400 đồng/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì khoảng 7.250-7.900 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.350-7.300 đồng/kg tùy địa phương.

Tuy nhiên, theo một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh ĐBSCL thì giá lúa đang tiếp tục giảm nhanh.

Đây là tình cảnh trái ngược với hồi tháng 4, tháng 5 năm nay, khi thế giới có thông tin khủng hoảng thiếu lương thực, giá gạo trên thị trường thế giới vọt lên hơn 1.000 đô la Mỹ/tấn thì giá lúa tại ĐBSCL lúc đó vọt lên 6.000-7.000 đồng/kg.

Nông dân lúc đó đổ xô bỏ vườn cây ăn trái, chặt rừng tràm hay đốn cả mía để trồng lúa, còn Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bật “đèn xanh” cho nông dân ào ạt trồng lúa vụ ba.

Lỗi còn do… nông dân 

Một quan chức Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nhân vật từ chối nêu tên -PV) cho biết giống lúa mà nông dân bán “không ai mua” được ông Biên đề cập chính là giống lúa IR 50404. Đây là giống lúa cho năng suất cao nhưng cho gạo bạc bụng, tức phẩm cấp thấp nên chỉ dành cho việc xay xát cho ra gạo 25% tấm xuất khẩu - loại gạo có phẩm cấp thấp nhất trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Khổ nỗi trước đây, khi lúa được giá, thị trường thế giới thiếu hụt thì gạo phẩm cấp thấp có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, như bán qua châu Phi, bán cho một số quốc gia trong khi vực theo các hợp đồng tập trung dạng đấu thầu. Còn nay, theo nguồn tin này, thị trường gạo thế giới đang ế ẩm, giá giảm mạnh nên chẳng ai đặt hàng mua gạo này, trong khi đó tại thị trường trong nước thì giống lúa này rất khó bán cho người tiêu dùng, mà chỉ bán cho những người làm bún, làm bánh tráng. 

“Thế nhưng dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà khoa học đã khuyến cáo không nên trồng quá nhiều giống lúa IR 50404 nhưng nông dân vẫn ào ạt trồng, thậm chí hiện chiếm 40-50% diện tích lúa, có địa phương giống này chiếm tới 70% diện tích gieo sạ”, vị này cho hay.

Sở dĩ nông dân ưa thích giống lúa này là do năng suất cao, ít rầy nâu hơn các giống khác và có thể trồng ba vụ hoặc ba vụ rưỡi/năm. Tuy nhiên, do trồng liên tục và quá nhiều nên giống lúa IR 50404 hiện cũng đã nhiễm rầy nâu.

Thông tin quá “nóng”

Trở lại hội nghị bàn biệp pháp xuất khẩu gạo quí 4-2008, sau khi hội nghị kết thúc vào lúc 12 giờ 30 phút, hơn 20 phóng viên đã quây quanh ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, người chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo VFA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn và chính quyền các tỉnh ĐBSCL.

Thế nhưng ông Biên từ chối trả lời mọi câu hỏi của báo giới, mà chỉ nói: “Tình hình đang rất nóng, rất quan trọng, rất bức xúc, giá lúa gạo như hiện nay mà báo chí viết lên không đầy đủ, thông tin không chuẩn xác thì nước ngoài họ ép giá. Đã viết là viết cho đầy đủ, kín kẻ, chính xác và có tính thuyết phục”.

Thứ trưởng Biên đề nghị các phóng viên nên thống nhất một số câu hỏi và gửi cho ông để ông trả lời chính thức vào cuối tuần này, thông qua ông Phan Thế Hào, Vụ trưởng, Chánh văn phòng phía Nam của Bộ Công Thương. Sau khi ông Biên rời văn phòng, các phóng viên lại quây kín lấy ông Hào nhưng ông này lại có vẻ không muốn cho địa chỉ e-mail để phóng viên gửi câu hỏi.

Tuy nhiên, ông Hào vẫn tiết lộ một thông tin ngắn gọn là mọi việc đang được thảo luận, chưa đi đến thống nhất. “Nhiều thứ đang bàn lắm, như chuyện dư luận bức xúc sao lúc giá thế giới cao mà ta không cho xuất”, ông nói.

Sau đợt sốt giá gạo trên thị trường thế giới vào tháng 4, tháng 5, sau đó sụt giảm dần cho tới nay, giới chuyên gia lẫn doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nêu nhiều ý kiến trái chiều với lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo lúc giá thế giới đang lên; vấn đề VFA áp dụng giá định hướng cao hơn giá xuất khẩu thực tế làm thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân ở một số thời gian nhất định; hay việc tại sao Việt Nam từ chối ký bán hơn 1 triệu tấn gạo cho một quốc gia trong khu vực lúc đó.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Khởi động dự án Tòa tháp 68 tầng Bitexco  (17/10/2008)

>   Thắt lưng buộc bụng (17/10/2008)

>   Doanh nghiệp sẽ thu hẹp nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm (17/10/2008)

>   Xuất khẩu gạo gặp khó (17/10/2008)

>   Đồ gỗ Việt Nam được ưa chuộng tại Hoa Kỳ (17/10/2008)

>   Kiên Giang và Kampot hợp tác trao đổi thương mại (16/10/2008)

>   Vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đưa đất nước phát triển bền vững (16/10/2008)

>   An ninh lương thực là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam (16/10/2008)

>   Ra mắt Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia (16/10/2008)

>   Để khó khăn không còn che lấp tiềm năng Tây Bắc (16/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật