Vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, đưa đất nước phát triển bền vững
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XII sáng nay (16/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009, trong đó, chỉ rõ 7 điểm nhấn về KT-XH thời gian qua cũng như thẳng thắn chỉ ra các hạn chế trong công tác điều hành và các bài học thiết thực, đồng thời nêu lên 8 giải pháp lớn phát triển KT-XH năm 2009 mà kiềm chế lạm phát tiếp tục được ưu tiên hàng đầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, chúng ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã nêu bật bối cảnh kinh tế thế giới, những khó khăn trong nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống, đe dọa nghiêm trọng kinh tế vĩ mô; nhấn mạnh: "Chính phủ đã chủ động theo sát tình hình, phân tích các diễn biến, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng, đề cao trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra".
7 nét lớn về kinh tế - xã hội năm 2008
Từ kết quả đạt được trong 9 tháng và ước định khả năng thực hiện của những tháng còn lại, Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2008 với 7 nét lớn. Thứ nhất, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Đã triển khai khẩn trương và đồng bộ 8 nhóm giải pháp; trong đó, tập trung chỉ đạo kiên quyết chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu; tăng cường quản lý giá cả, ngăn chặn đầu cơ, bình ổn thị trường. Từ tháng 6 năm 2008, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, tháng 9 tăng 0,18%, tính chung 9 tháng giá tiêu dùng tăng 21,87%, dự báo cả năm 2008 tăng khoảng 24%.
Thứ 2, nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,5% - 7%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,5% - 3,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,3% - 7,5%, dịch vụ tăng 7,2% - 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD (xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là 1.050 - 1.100 USD/người). Thứ 3, an sinh xã hội được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội năm 2008 khoảng 19.800 tỷ đồng, tăng khoảng 14.700 tỷ đồng so với thực hiện năm 2007.
Thứ 4, các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin và bảo vệ môi trường được chú trọng. Thứ 5, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực. 14 loại thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp đang được tập trung rà soát. Thứ 6, hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả. Thứ 7, chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
5 bài học thiết thực
Trong khi khẳng định những chuyển biến tích cực bước đầu quan trọng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Nổi lên là lạm phát cao, nhập siêu lớn, cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế khó đạt chỉ tiêu đề ra. Đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Việc giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc còn chậm, kết quả còn hạn chế. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu là khâu đột phá; kết quả phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn thấp. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn vẫn còn phức tạp. Quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện tuy có bước tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Qua thực tiễn điều hành, Thủ tướng Chính phủ cho biết, bước đầu có thể rút ra một số bài học thiết thực. Trước hết là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững. Hai là, phải đặc biệt coi trọng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế trong quá trình phát triển. Ba là, phải kiên trì và nhất quán thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, đồng thời coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Bốn là, phải quan tâm, tổ chức tốt công tác dự báo và phân tích kinh tế. Năm là, phải căn cứ tình hình thực tế của đất nước mà xác định nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức hành động với trách nhiệm cao nhất.
Huy động mọi nguồn lực để duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2009
6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, nhiệm vụ còn lại trong năm 2009 và 2010 là rất nặng nề, nhiều chỉ tiêu khó đạt kế hoạch. "Tuy nhiên, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, đó là điều kiện chính trị xã hội ổn định; nội lực, tiềm năng tăng trưởng của đất nước còn lớn và còn có thể phát huy mạnh hơn...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế, xã hội của năm 2009, Thủ tướng nêu rõ: Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chăm lo tốt hơn an sinh xã hội; duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu tổng quát này, cần tập trung làm tốt 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Một là, thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tài khoá, đầu tư, xuất nhập khẩu, tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; đưa lạm phát năm 2009 xuống dưới 15% và xuống một con số vào năm 2010. Thứ 2, thực hiện tốt các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo. Tiếp tục phát triển vững chắc các lĩnh vực văn hoá, xã hội và môi trường.
Thứ 3, phát huy mọi tiềm năng của đất nước, tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%. Thứ 4, đặc biệt coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và hiệu quả đầu tư, áp dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Thứ 5, tập trung cao hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Thứ 6, tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" trong tăng trưởng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thu hút đầu tư; trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là sức cạnh tranh cơ bản nhất, là yêu cầu bất biến trong thế giới toàn cầu hoá và biến đổi không ngừng.
8 giải pháp lớn phát triển kinh tế - xã hội năm 2009
Phát huy những kết quả tích cực về KT-XH năm 2008 để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm 2009, trong báo cáo của Chính phủ, giải pháp tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được đưa lên hàng đầu. Các giải pháp tiếp theo là tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực để duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu; Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Giải pháp thứ 5 là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo. Thứ 6, tăng đầu tư ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hoá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường. Thứ 7, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Thứ 8, tăng cường công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
"Nhiệm vụ năm 2009 là rất nặng nề. Chúng ta vừa phải phấn đấu đạt cho được những kết quả cơ bản trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt hơn những vấn đề an sinh xã hội; vừa chủ động hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế nước ta, phấn đấu giữ tăng trưởng ở mức hợp lý với yêu cầu chất lượng cao hơn", Thủ tướng khẳng định.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng kiến nghị Quốc hội xem xét quyết định những chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà Chính phủ trình là những chỉ tiêu có tính định hướng. Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức, hành động khẩn trương, quyết liệt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2009, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực trong cả hệ thống chính trị và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, nhất định sẽ vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
chính phủ
|