Để khó khăn không còn che lấp tiềm năng Tây Bắc
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc trong hai ngày 14-15/10 vừa qua, với chủ đề "Đánh thức một vùng tiềm năng", đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhiều lời cam kết đầu tư được đưa ra. Tuy nhiên, để tiềm năng nơi đây thực sự bừng tỉnh thì cả nhà nước - nhà đầu tư - ngân hàng còn phải vượt qua nhiều khó khăn không nhỏ.
Diễn đàn Đầu tư đã mang lại cho Tây Bắc khoảng 20 dự án với với tổng vốn đầu tư khoảng 2,6 tỷ USD. Ông Phạm Văn Cường - Phó chủ tịch UBND Lào Cai cho biết, đa số là các dự án đi vào những thế mạnh mà Tây Bắc đang cần kêu gọi đầu tư. Nếu triển khai tốt thì chỉ 3 năm nữa, những đồng vốn này sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả.
Tuy đó là một kịch bản tốt, nhưng để tiêu thụ hết số vốn này thực sự là một thách thức cho các tỉnh Tây Bắc và các đối tác đầu tư. Theo đó, việc đầu tư hạ tầng cần được xem là một trong những yêu cầu cấp bách, giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Đào tạo nhân lực là đòi hỏi phải sớm có sự chuyển biến. Bên cạnh đó, vấn đề nguồn vốn cũng được đặt ra như một rào cản lớn cần vượt qua trong điều kiện hiện nay.
Lo lắng trước tiềm năng lớn
Ông Phạm Văn Cường - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng trưởng mỗi năm 30 - 40% và đã đạt tới 1 tỷ USD năm 2007. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách du lịch ngày càng tăng nhanh nhưng việc cải thiện giao thông vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Hầu hết các tuyến đường lên Tây Bắc đều đã xuống cấp và quá tải.
Nhu cầu vận tải đường sắt hiện đã lên đến 3,5 - 4 triệu tấn/năm, nhưng hiện chỉ đáp ứng được 1,5 triệu tấn. Hàng ngày ngành đường sắt phải lo đáp ứng đủ 4 - 5 chuyến tàu khách và chỉ có 2 chuyến tàu hàng. Đó là lúc bình thường, còn khi gặp mưa bão thì có thể vận tải bị gián đoạn. Các tuyến đường bộ cũng đều trong tình trạng xuống cấp và quá tải. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất khi đầu tư lên Tây Bắc.
Câu chuyện vận tải được ông Phạm Cao Khiêm - Phó Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam minh họa. Để đưa được sản phẩm về các nhà máy chế biến ở dưới xuôi hay xuất khẩu là một hành trình vô cùng vất vả. Rất khó dùng đường sắt vì đã quá tải, đường sông thì không thể vì nhiều thác ghềnh. Vì vậy, phải dùng ô tô chở quặng từ Lào Cai về Việt Trì, rồi từ Việt Trì đi tàu thủy ra Hải Phòng hay Cái Lân. Mỗi chuyến hàng thêm 2 lần bốc lên xếp xuống, chi phí vận tải, bốc dỡ và kho bãi là một khoản tốn kém lớn.
Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản cho biết, nhân lực cũng đang là một vấn đề lớn. Các dự án do tập đoàn triển khai ở Tây Bắc cần đến hơn 1000 công nhân nhưng nhân lực tại chỗ chỉ đáp ứng tối đa 100 - 200 người, còn lại phải lấy từ dưới xuôi lên. Việc di chuyển và lo cho đời sống mấy trăm con người thực sự là một khó khăn lớn cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Kim - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà - Hoàng Liên đang triển khai 3 công trình thủy điện ở Lào Cai cho biết, tại địa phương, các dự án thủy điện nhỏ đều đã có chủ. Tuy nhiên, do yêu cầu vốn lớn, đòi hỏi đầu tư dài hơn trong khi đa số các DN không có đủ vốn để bảo đảm tỉ lệ sở hữu 30%, lại gặp đúng lúc ngân hàng thắt chặt chính sách cho vay nên dù hầu hết các dự án đã được xí phần nhưng chỉ có 1 -2 chủ đầu tư triển khai.
Đầu tư vào Tây Bắc, nhất là đầu tư vào thế mạnh công nghiệp khai khoáng và thủy điện thì việc khai thông nguồn vốn là rất quan trọng. Đây là những ngành cần vốn lớn, thu hồi lâu... nên cần một cơ chế vốn đặc biệt. Những công trình thủy điện hiện quy định tối thiểu nhà đầu tư có 30% vốn chủ sở hữu, nhưng ông Kim đề xuất đối với Tây Bắc có thể xem xét điều chỉnh xuống 20%.
Bên cạnh những khó khăn trên thì thiên tai liên tục trong những năm gần đây đang là một thách thức lớn, chỉ qua một trận lũ vừa rồi, công trình thủy điện Sử Pán 2 thiệt hại hơn 6 tỷ đồng và có khi phải tạm dừng thi công để chờ khắc phục sự cố và giám định bảo hiểm. Đó mới chỉ là câu chuyện của riêng một DN. Nếu xảy ra lở núi, sạt đường thì giao thông ngừng trệ cả tháng trời, việc kinh doanh của cả vùng đều bị ảnh hưởng.
Sớm đưa nguồn vốn đầu tư vào triển khai
Ông Lê Khả Đấu, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là việc cải tạo Quốc lộ 70 và thi công tuyến đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và khai thác tốt các tuyến đường sông.
Theo dự kiến, đến trước tết âm lịch đường 70 phải được hoàn thành, Quốc lộ 6 lên Lai Châu - Điện Biên cũng đang gấp rút được thi công, công tác GPMB, chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang được triển khai, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy cũng dự kiến đầu tư một cảng sông ở Yên Bái... Với chuyển động này, hy vọng những con đường lên Tây Bắc sẽ sớm được cải thiện và đến 2012 sẽ có bước chuyển biến lớn khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành.
Về câu chuyện vốn, ngay tại diễn đàn, trong số các dự án được cấp phép đầu tư đã có bốn dự án có được sự đảm bảo về vốn khi đạt được thỏa thuận tín dụng với Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV). Cụ thể, tài trợ vốn cho thủy điện Nậm Củm là khoản tín dụng 250 tỷ đồng, cho dự án nhà máy tuyển quặng Apatit Bắc Nhạc Sơn là khoản tín dụng 299 tỷ đồng, dự án Nhà máy chế tạo cơ khí nắp hầm hàng với khoản tín dụng 50 tỷ đồng và dự án nhà máy thủy điện Văn Chấn cho vay 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BIDV còn cam kết cung cấp 15 - 17 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2015 cho các dự án đầu tư vào Tây Bắc.
Tất nhiên, BIDV mới chỉ là người đi đầu, một mình ngân hàng này không thể lo đủ vốn cho cả Tây Bắc mà cần có sự hợp sức của nhiều tổ chức tín dụng khác mà cơ chế 3 nhà do BIDV đề xuất là một mô hình hợp tác hiệu quả.
Ngay tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã cho rằng, hơn 40 ngàn tỷ đồng đầu tư đã vượt ngoài dự kiến nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Cần có những sự chuẩn bị tốt để triển khai các dự án này hiệu quả và lấy thành công này để thu hút thêm các dự án khác vào Tây Bắc. Chúng ta sẽ duy trì Diễn đàn này hai năm một lần và hai năm sau cần có sự tổng kết về thực tế triển khai các dự án này.
VNN
|