Giá hàng hóa: Thế giới giảm, trong nước đủng đỉnh
Người tiêu thụ đang sốt ruột vì giá nguyên liệu để sản xuất nhiều mặt hàng đã giảm mạnh - có loại lên đến 50%, nhưng nhà sản xuất chưa giảm giá tương ứng. Vì sao?
Người chăn nuôi đang trông đứng trông ngồi giá thức ăn chăn nuôi (TACN) giảm thêm. Trong khi đó, các bà nội trợ vẫn chưa cảm nhận được giá hàng tiêu dùng đang giảm dù các nhà sản xuất xác nhận giá nguyên liệu đầu vào đã giảm.
Giảm chậm vì vướng hàng tồn giá cao
Theo giám đốc một công ty dầu ăn, giá các loại dầu thực vật trên thị trường thế giới đã giảm do sản lượng tăng trong khi nhu cầu trên toàn cầu chậm lại. Xu hướng giá giảm còn có thể kéo dài đến cuối năm. Dầu thực vật được sản xuất từ đậu tương, ngô, hạt cải và dầu cọ nhưng giá biến động theo giá dầu… thô vì chúng còn được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Giá dầu thế giới đang giảm nên giá dầu ăn cũng giảm theo.
Tương tự, giá sữa bột nguyên liệu cũng giảm mạnh từ nhiều tuần qua. Hiện sữa bột nhập khẩu từ New Zealand là 4.700 USD/tấn, giá sữa bột Mỹ 3.900-4.100 USD/tấn, trong khi trước đây có lúc 5.200 USD/tấn. Khả năng giá sữa còn giảm thêm khi thị trường nguyên liệu sữa đón nhận sự quay trở lại của nhà cung cấp Ấn Độ với mức giá chỉ 3.400-3.500 USD/tấn.
Giá hàng hóa trên thị trường có giảm nhưng không tương xứng với mức giảm của giá nguyên liệu đầu vào. Theo giới kinh doanh, giá nguyên liệu dầu ăn đã giảm 30-40% trong khi giá dầu ăn chỉ giảm 5-15%. Giá các mặt hàng sữa bột, sữa nước vẫn đứng ở mức cao vì nhà kinh doanh sữa chọn hình thức khuyến mãi tặng kèm, hoặc giảm giá với một số dòng sữa bột có sức mua thấp trong một thời gian. Nhiều đại lý cũng thực hiện giảm giá một số sản phẩm sữa bột nhưng mức giảm còn nhẹ, chỉ nhằm kích thích sức mua vốn giảm mạnh từ sự cố melamine. Vì vậy, mức giảm thật sự chưa đến nhiều với người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Trung Cang - chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, giá nguyên liệu nhựa các loại giảm đến 50% so với thời điểm quý 1-2008. Hiện giá nguyên liệu nhựa PP, PE chỉ còn khoảng 1.150 USD/tấn, giảm hơn 1.000 USD/tấn so với trước. Các doanh nghiệp sản xuất nhựa cũng giảm giá nhưng mức giảm có chậm hơn vì trước đó doanh nghiệp đã nhập quá nhiều nguyên liệu để dự trữ vẫn chưa tiêu thụ hết.
Phần lớn doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước cho biết đã giảm giá 20-40% so với trước và chia làm nhiều đợt. Do sức mua quá thấp nên dù giảm giá bán nhưng lượng tiêu thụ hàng tại các doanh nghiệp vẫn rất chậm.
Người chăn nuôi sốt ruột
Hiện tại, giá nguyên liệu sản xuất TACN đã giảm mạnh. Bã đậu nành nhập khẩu từ 11.000 đồng/kg nay chỉ còn 8.800 đồng/kg. Các loại nguyên liệu nhập khẩu khác như khô đỗ tương, bột xương thịt, dầu cọ, dầu cá… giảm 15-30% so với hồi tháng sáu và tháng bảy. Giá các loại nguyên liệu trong nước cũng đang giảm nhanh. Giá bắp giảm còn 3.500 đồng/kg; mì giảm mạnh từ 3.500-3.600 đồng/kg còn 2.500-3.000 đồng/kg.
Ông Phạm Đức Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN - cho rằng với việc đa số nguyên liệu giảm, giá thành sản xuất TACN đã giảm khoảng 20%. Thế nhưng giá TACN chỉ giảm 2-5%.
Ông Vũ Bá Quang, một nhà tư vấn xây dựng trang trại đồng thời là chủ trại heo 1.200 con tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết: “Mức giảm của các công ty TACN thời gian qua không bằng mức giảm giá của bắp!”. Ông Quang giải thích: “Với loại TACN có 60-70% bắp, khi bắp giảm 500 đồng/kg sẽ giảm giá thành 300-350 đồng/kg, tức giảm 7.500-8.750 đồng với mỗi bao cám 25kg. Tính thêm giá đậu nành xuống nữa thì mỗi bao cám lẽ ra phải giảm trên 10.000 đồng chứ không phải chỉ vài ngàn như các công ty đã làm”.
Ông Nguyễn Minh Trí - giám đốc kinh doanh thức ăn gia súc và gia cầm khu vực phía Nam, Công ty Cargill VN - cho biết tuy giá nguyên liệu hiện tại đã giảm nhưng các công ty sản xuất TACN chưa thể giảm giá bán ngay được do đã mua nguyên liệu dự trữ. Ông Trí giải thích các công ty TACN phải chủ động ký hợp đồng mua và trữ nguyên liệu từ 1-4 tháng, thậm chí dài hơn. Do đó, nguyên liệu đang sản xuất tại thời điểm này đã được mua từ lúc giá cao nên các công ty chưa thể giảm giá bán được.
Ông Nguyễn Vũ Khanh, giám đốc kinh doanh Công ty TNHH thức ăn gia súc Lái Thiêu (Bình Dương), cho rằng công ty có giảm dần giá bán khoảng 7% so với tháng bảy và nếu tính cả hậu mãi nữa thì mức giảm là 12,6%. Tuy nhiên, do công ty phải trữ hàng khoảng hai tháng nên chưa thể giảm nhiều hơn được.
Kêu gọi giảm giá
Mới đây, Hiệp hội TACN VN kêu gọi nhà sản xuất giảm giá để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Hiệp hội kêu gọi “thành viên hiệp hội, các chủ doanh nghiệp ngoài hiệp hội hãy vì sự thân thiện, đồng cảm với người chăn nuôi, cần khẩn trương giảm giá TACN xuống mức hợp lý. Không nên giữ nguyên giá bán cao như tháng bảy để bồi dưỡng hoa hồng đại lý, cửa hàng mà quên giảm giá TACN, tổn thất quyền lợi người chăn nuôi”.
Giữ giá để bớt lỗ
Các công ty TACN còn giải thích rằng, trong đợt giảm giá vừa qua lợi nhuận của các công ty giảm mạnh, thậm chí có DN thua lỗ. Đến nay, tình hình chăn nuôi trong nước đang đi xuống nên doanh số bán ra không như dự kiến, hàng tồn kho còn nhiều cộng thêm lãi suất quá cao nên các DN phải chủ động giữ giá để bù lỗ trước đó.
tt
|