Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư M&A tại Việt Nam
Nếu như hoạt động đầu tư mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã diễn ra khá lâu trên thế giới, thì ở Việt Nam, M&A mới được quan tâm khi ra đời Luật doanh nghiệp 1999. Thị trường M&A tại Việt Nam đang phát triển nhanh về cả số lượng và quy mô. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trở ngại, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Hoạt động M&A diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực
M&A được viết tắt bởi hai từ Tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Aquisitions (mua lại). Trong thực tế, M&A được hiểu một cách ngắn gọn là hoạt động một công ty mua lại số lượng cổ phần lớn của một hay nhiều công ty khác, hoặc việc một hay nhiều công ty sáp nhập lại với nhau để gia tăng hiệu quả họat động và năng lực cạnh tranh.
Ở Việt Nam, hoạt động M&A mới thực sự phát triển trong 2 năm trở lại đây. Thị trường M&A tại Việt Nam đang phát triển nhanh về cả số lượng và quy mô. Năm 2005 chỉ có 18 thương vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu USD thì chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2007, số vụ M&A đã tăng cả về quy mô và giá trị, tổng số vụ M&A là 46 vụ, đạt tổng giá trị là 626 triệu USD (gấp đôi so với cả năm 2006 và gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2006).
Ngoài ra, những thương vụ M&A nhỏ lẻ khác cũng được diễn ra khá sôi động, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển nhượng dự án đầu tư. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT thì tính đến 31/12/2007 đã có 1.092 dự án có chuyển nhượng vốn, với tổng giá trị 16,8 tỷ USD.
Tài chính - ngân hàng là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư: Tập đoàn Daiichi mua Bảo Minh-CMG, Morgan Stanley trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), Deutsche Bank trở thành đối tác chiến lược của Habubank, HSBC đầu tư vào Techcombank... Lĩnh vực chứng khoán có Công ty Technology CX đầu tư vào Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc, Golden Bridge nắm giữ 49% vốn điều lệ của Công ty CP Chứng khoán Nhấp và Gọi, Tập đoàn Morgan Stanley mua 48,33% vốn điều lệ của Công ty CP Chứng khoán Hướng Việt.... Còn trong sản xuất kinh doanh ta thấy Kinh Đô mua lại Kem Wall’s, Anco mua lại nhà máy sữa của Nestlé, Công ty CP Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Cheerfield Rama.
Năm 2007 là năm thuận lợi cho các tập đoàn nước ngoài tìm đến Việt Nam, nhiều thương vụ nổi tiếng đã diễn ra như Công ty bảo hiểm AXA (Pháp) mua lại 16,6% cổ phần của Bảo hiểm Bảo Minh trị giá 50 triệu euro, Quantas mua lại 30% của Pacific Airlines trị giá 50 triệu USD.
Các tổ chức tài chính chuyên nghiệp cũng tìm đến Việt Nam như một điểm đầu tư hấp dẫn: Quỹ Mekong Enterprise II đã đầu tư vào công ty cổ phần Mai Son, Thegioididong.com, công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú bán 10% vốn cho tập đoàn Temasek hay việc VinaCapital mua cổ phần của khách sạn Hilton Opera Hà Nội, Omni Sài Gòn và Phở 24,...
Từ đầu năm 2008 đến nay, các hoạt động M&A cũng diễn ra khá mạnh mẽ: Indochina Capital Vietnam Holding mua 20% cổ phần của Công ty Thời trang Việt – Ninomaxx, Tập đoàn Goldman Sachs đầu tư 30% cổ phần của Công ty cổ phần Diana, hay việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank bán 25% vốn điều lệ cho 4 nhà đầu tư nước ngoài là: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), VOF Investment Limited-British Virgin Islands, Mirae Asset Exim Investment Limited thuộc tập đoàn Mirae Asset Hàn Quốc và Mirae Asset Maps Opportunity Vietnam Equity Balanced Fund 1.
Cơ hội cho hoạt động M&A tại Việt Nam
Hoạt động M&A được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra hết sức sôi động trong thời gian tới, với nhiều thương vụ M&A “khổng lồ”. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế thời gian qua đã “sinh ra” quá nhiều công ty hoạt động trong những ngành có tính cạnh tranh cao như: kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng, chứng khoán... Vì thế, các công ty sẽ có xu hướng liên kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Hơn nữa, hiện luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, và một trong những cách thức để nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chính là thông qua các đối tác Việt Nam, điều này càng tạo đà cho hoạt động M&A phát triển.
Nhận thấy tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động M&A ở Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có kế hoạch soạn thảo đệ trình Chính phủ ban hành Nghị định về M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Mặc dù đã có những bước tiến khá dài, nhưng hoạt động M&A ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều thách thức. Những thách thức này đã và đang trở thành những trở ngại cho việc phát triển hoạt động M&A ở Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm “Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư M&A tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh do Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) và Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) phối hợp tổ chức, các chuyên gia về M&A đã trao đổi thẳng thắn về những trở ngại, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước. Tham dự cuộc Toạ đàm có đại diện của MPI, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, cùng các doanh nghiệp hoạt động về tư vấn luật, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế trẻ, có tốc độ tăng trưởng cao, hội tụ được các yếu tố hấp dẫn cho thị trường M&A, dự kiến có tới 35%-50% số doanh nghiệp của Việt Nam trong vòng 6-10 năm tới có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập với các đối tác. “Trong những năm tới, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh mẽ và tác động sâu sắc tới cách thức kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam” ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Quân - quyền Tổng giám đốc ABS - cho rằng: “Các nội dung được thảo luận cuộc toạ đàm này sẽ là những thông tin bổ ích cho các cơ quan quản lý tham khảo để chuẩn bị cho một Nghị định sắp tới của Chính phủ về việc hướng dẫn đầu tư theo hình thức M&A có yếu tố nước ngoài”.
thương mại
|