Xoay xở để... vượt khó
Giảm hội họp, dùng than thay vì điện, đi máy bay giá rẻ... là những biện pháp đang được các doanh nghiệp (DN) áp dụng nhằm giảm chi phí trong bối cảnh khó khăn hiện nay. "Thay vì kêu ca, hãy dành thời gian nghĩ cách đối phó với tình trạng khó khăn chung của đất nước. Mỗi DN, công ty tiết giảm một chút chi phí, góp lại con số sẽ lớn" - ông Võ Quốc Thắng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm, chia sẻ với Tuổi Trẻ như vậy.
Dùng than thay dầu, điện
Nói về cách tiết giảm của Đồng Tâm, ông Thắng cho biết nếu như trước đây các giám đốc bộ phận trong công ty được quyết định chi tiêu đến 100 triệu đồng thì nay chi hơn 2 triệu đồng phải có ý kiến của tổng giám đốc. "Tôi hiểu về mặt quản lý làm như vậy không phải là hay, nhưng trong giai đoạn khó khăn này chúng tôi muốn siết chặt những khoản chi không cần thiết" - ông Thắng nhấn mạnh. Cách làm này, theo ông Thắng, sẽ giúp từng nhân viên ý thức được việc cắt giảm chi tiêu của công ty là bức bách như thế nào. Bản thân ông Thắng đã quyết định chuyển từ việc dùng ôtô tiêu hao nhiều nhiên liệu sang loại ít tiêu hao hơn.
Để giảm chi phí tiền điện, ngoài việc bố trí giờ làm việc lệch với giờ cao điểm, Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 chuyển qua sử dụng hệ thống ủi hơi đốt bằng than thay vì điện. "Chi phí giảm đến một nửa, tiết kiệm hơn 200 triệu đồng/tháng thay vì dùng điện như trước" - ông Phạm Xuân Hồng, tổng giám đốc công ty, "khoe".
Tương tự, Công ty cổ phần Bibica (Biên Hòa) quyết định chi 5 tỉ đồng đầu tư lò hơi đốt sử dụng than thay vì bằng dầu DO. Việc đầu tư mới này giảm khoảng 40% chi phí năng lượng so với trước.
Trong khi đó, cũng là một cách tiết kiệm chi phí, từ nhiều tuần qua Công ty liên doanh Nippovina (DN sản xuất thép xây dựng tại TP.HCM) do có nhiều hợp đồng kinh doanh ở khu vực miền Trung nên việc di chuyển ra vào của nhân viên công ty khá nhiều, đã chuyển sang sử dụng vé của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP).
Phó phòng kinh doanh Bùi Anh Sơn cho biết nhân viên đi công tác đều xác định được ngày đi và về nên công ty đặt vé trước với JP để tiết kiệm chi phí. "Bản thân tôi trong tháng năm và tháng sáu cũng mua vé của JP đi công tác TP.HCM-Đà Nẵng với giá vé chỉ 650.000 đồng/chặng, nhiều anh em khác đi cùng chuyến cũng đặt mua vé từ trước. Mỗi người tiết kiệm một chút, mỗi khâu đều tiết giảm, công ty sẽ giảm được rất lớn những chi phí không cần thiết" - ông Sơn tâm sự.
Giảm họp
Thời gian gần đây, nhiều cuộc họp tập trung quan trọng giữa văn phòng các vùng miền với ban giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm đã được hủy bỏ. Thay vào đó, theo ông Võ Quốc Thắng, ban giám đốc công ty sẽ thay phiên nhau đến các nơi đó họp hoặc quay phim cuộc họp của ban giám đốc rồi gửi đến văn phòng đại diện những nơi đó. "Nếu họp tập trung chúng tôi phải tốn chi phí cho nhiều người, bây giờ 1 - 2 người của ban giám đốc đi dù có mệt hơn nhưng giảm chi phí đáng kể" - ông Thắng chia sẻ.
Cũng giống như Đồng Tâm, ông Nguyễn Bảo Hoàng, phó tổng giám đốc Bibica, cho biết toàn bộ hệ thống của công ty gồm ba nhà máy và "tổng hành dinh" đều chuyển sang sử dụng hệ thống văn phòng điện tử nội bộ để cắt giảm tối đa các khoản in ấn tài liệu, báo cáo. Riêng việc hội họp, để tránh bay ra bay vào giữa các văn phòng trong cả nước, tất cả đều chuyển sang họp trực tuyến để giảm chi phí đi lại. Thậm chí Bibica còn chọn hình thức gọi điện thoại qua hệ thống Internet để tiết kiệm tối đa.
Ở Công ty cổ phần Vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ), thông qua việc rà soát sắp xếp lại tổng thể qui trình sản xuất, công nhân của PNJ không còn phải đi làm ngày thứ bảy mà giải quyết ngay ngày làm việc trong tuần. Đặc biệt, khâu trữ nguyên vật liệu như vàng, bạc, thau, đồng thay vì mua hàng trữ trước ba tháng nay chỉ mua đủ dùng trên một tháng nhằm quay vòng vốn nhanh, tránh chôn vốn. Theo bà Nguyễn Thị Cúc - phó tổng giám đốc PNJ, để làm được điều này, bộ phận thu mua nguyên liệu phải năng động săn lùng các nguồn hàng có giá cung ứng tốt nhất, không còn thụ động chờ người đến chào hàng như trước.
Cũng là cách tiết kiệm vật tư nhập khẩu và nguyên liệu sắt thép, tại Công ty ôtô Chu Lai Trường Hải, nếu như một tấm thép trước kia không để ý tận dụng nên chỉ cắt được tám sản phẩm thì nay tính toán lại cắt được mười sản phẩm. "Chúng tôi đang tính toán lại từng công đoạn để làm sao tận dụng nguồn nguyên liệu tối ưu" - ông Phạm Văn Tài, giám đốc Công ty Chu Lai Trường Hải, cho hay và nói thêm trước kia nhập khẩu khá nhiều đinh ốc khoan thùng hình chữ U để lắp ráp thùng xe, nhưng do thay đổi kiểu thùng nên khá nhiều đinh ốc này đành loại bỏ. Công ty đã tính toán lại để tận dụng những đinh ốc này cho quá trình lắp ráp ôtô, chỉ tính riêng khoản này đã tiết kiệm được hơn 150 triệu đồng.
Năng suất cao hơn nếu chia ca
Tại Công ty ôtô Chu Lai Trường Hải, trong tình hình này công ty tính toán tránh tập trung sản xuất vào giờ cao điểm (6-18g mỗi ngày vì giá điện trong khoảng thời gian này là cao nhất). Công ty chia ca lại để công nhân lắp ráp xe trong giờ thấp điểm. Trước kia khi chưa áp dụng hình thức chia ca làm việc mới này một ngày có hai ca lắp được 80 xe, nhưng nay cải tiến năng suất lại tăng cao hơn trước: một ngày sản xuất được 120 xe.
tt
|