Chờ đợi sân chơi cho cổ phiếu OTC
Theo kế hoạch, thị trường giao dịch cổ phiếu (CP) của công ty đại chúng chưa niêm yết (tạm gọi là Thị trường đăng ký giao dịch – TTĐKGD) sẽ đi vào hoạt động vào quý II/2008. Cuối tháng 6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo là đẩy nhanh tiến độ đưa CP chưa niêm yết của các công ty đại chúng vào quản lý. Song, đến nay thị trường này vẫn chưa chính thức được vận hành.
Từ diễn biến giá cổ phiếu trên hai sàn giao dịch chính thức, có những câu hỏi đặt ra rằng, liệu việc chậm khai trương TTĐKGD có phải xuất phát từ lý do chưa thực sự khởi sắc trở lại của sàn niêm yết (dù đã có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp trong những ngày trở lại đây), hay kế hoạch từ phía đơn vị quản lý trực tiếp là Trung tâm GDCK Hà Nội (HaSTC) có sự điều chỉnh?
Chỉ còn là thủ tục
Trao đổi với ĐTCK-online, Phó giám đốc HaSTC, ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết, sẽ không có bất cứ một sự điều chỉnh nào từ phía HaSTC. “Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành xong công việc chuẩn bị, sẵn sàng đi vào hoạt động. Từ tháng 2/2008, HaSTC đã thử nghiệm nội bộ, đến tháng 4/2008, HaSTC đã thực hiện giao dịch thử từ xa với Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và 69 CTCK để kiểm tra về chất lượng”. Ông Trung nói.
Theo tìm hiểu của ĐTCK-online, tính đến thời điểm này đã có 11 công ty đăng ký tham gia giao dịch tại TTĐKGD, trong số đó có 8 ngân hàng và số còn lại là các CTCK. Đây là những doanh nghiệp đầu tiên trong số 40 doanh nghiệp dự kiến sẽ tham gia sàn giao dịch OTC trong đợt đầu. Sau khi vận hành chính thức, HaSTC sẽ tổ chức các buổi thuyết trình, vận động. Khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia giao dịch tại sàn OTC chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể.
Ông Trung cho biết thêm, việc vận hành sàn giao dịch OTC chỉ còn là thủ tục, sau khi hoàn thiện các văn bản pháp lý, chỉ trong một thời gian rất ngắn, khoảng 1-2 tuần.
Hệ lụy từ sàn niêm yết?
Mặc dù thời điểm vận hành chính thức vẫn chưa được ấn định, song nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại rằng, nếu ngày đầu “ra quân” của TTĐKGD rơi vào đúng thời điểm thị trường niêm yết ảm đạm, thì liệu lúc đó TTĐKGD có phải chịu những hệ lụy? Những lo ngại này không phải không có cơ sở, nhưng điều quan trọng nhất là ý nghĩa không thể phủ nhận được của TTĐKGD với không chỉ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, khối CTCK mà cả nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Sàn OTC được vận hành sẽ giúp thu hẹp thị trường chứng khoán tự do, tạo môi trường minh bạch hơn, qua đó giảm bớt rủi ro cho NĐT. Về phần các CTCK sẽ có thêm được một lượng khách hàng mới, có thêm thu nhập để trang trải chi phí. Đối với doanh nghiệp, các hoạt động mua, bán CP được diễn ra một cách công khai, minh bạch và được đảm bảo, nhờ đó giá trị của DN được thể hiện tương đối sát với thực tế.
Không ít dự đoán cho rằng, nếu bối cảnh TTCK chưa thực sự khởi sắc như hiện nay thì ngay sau khi ra đời, sàn giao dịch OTC sẽ khó có thể “bốc” lên ngay được, nhưng điều quan trọng hơn cả là tính thanh khoản của loại cổ phiếu này sẽ cao hơn nhiều so với giao dịch tự do như hiện nay, ngoài ra nó còn đem lại sự an toàn, đảm bảo khi được nhà nước quản lý.
Một câu hỏi đặt ra là, liệu có sự cạnh tranh giữa sàn niêm yết chính thức và sàn giao dịch OTC, nguồn lực tổng thể của thị trường liệu có bị phân tán? Về vấn đề này, vị Phó giám đốc HaSTC cho rằng, sẽ không có sự cạnh tranh ở đây, mà ngược lại, nó lại bổ sung cho nhau.
“Sự ra đời của sàn giao dịch OTC không làm ảnh hưởng tới thị trường niêm yết. Mục tiêu lâu dài của DN là niêm yết trên sàn giao dịch chính thức. DN tham gia sàn OTC chỉ là bước tập dượt, chuẩn bị để họ bước vào sàn chính thức. Sự ra đời của TTĐKGD sẽ thúc đẩy thị trường niêm yết”. Ông Trung khẳng định.
Về thủ tục giao dịch, NĐT sẽ mở một tài khoản tại CTCK, với tài khoản này NĐT có thể tham gia giao dịch được trên cả hai thị trường (niêm yết và OTC), đồng nghĩa với việc nếu NĐT đã mở tài khoản tại CTCK rồi, thì khi tham gia giao dịch trên sàn OTC sẽ không phải mở thêm tài khoản nữa.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi TTĐKGD đi vào hoạt động, vẫn còn thêm một băn khoăn đối với công chúng đầu tư. Đó là làm thế nào để hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các CTCK, khi khối này này đóng vai trò rất lớn trong việc đặt lệnh giao dịch mua, bán của NĐT trên thị trường này, trong khi ngay trên thị trường niêm yết chính thức suốt thời gian qua, đây đã và đang là vấn đề khiến cho NĐT không ít bức xúc...?
đtck
|