Tăng vốn điều lệ: Khó khăn nhiều bề
Dù TTCK đã thoát khỏi tình cảnh rơi tự do như thời gian trước đó nhưng vẫn trong giai đoạn lình xình. Trong đó, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng (CPNH), do ảnh hưởng bởi những tác động từ các chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nên mặc dù giá đã giảm đến 60 - 80% so với một năm trước đó, thậm chí còn giảm dưới mệnh giá, nhưng vẫn khó thu hút được nhà đầu tư bỏ vốn. Điều này đã khiến các NH rơi vào thế bị động trước việc hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ đã trình ĐHCĐ trong kỳ họp đầu năm...
Trì hoãn vì giá cổ phiếu giảm
Theo phương án trình ĐHCĐ từ đầu năm, trong quý II và quý III/2008 có nhiều NH tăng vốn và hầu hết đều đưa ra kế hoạch tăng mạnh vốn lên gấp đôi và thậm chí gấp ba so với năm trước. Thế nhưng, đến hết quý II/2008, nhiều NH "vẫn án binh bất động" mà nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là chưa được sự đồng ý của NHNN và tình hình TTCK còn phức tạp.
Nhưng trên thực tế, với những NH tăng vốn từ nguồn thặng dư để lại của năm trước và phát hành dưới hình thức thưởng CP cho cổ đông hiện hữu lại sớm được chuẩn y. Với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.800 tỷ đồng lên 7.380 tỷ đồng trong năm 2008 của Eximbank đã được NHNN đồng ý, nguồn vốn tăng thêm của NH chủ yếu từ việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nước ngoài trong năm qua và đã hoàn tất trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, Eximbank bán 25% cổ phần cho 4 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Trong đó, cổ đông nước ngoài lớn nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), với tỷ lệ nắm giữ 15%.
Eximbank tăng vốn làm 2 đợt. Đợt 1, tăng vốn lên 4.425 tỷ đồng, trong đó, 386,7 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu và 1.106 tỷ đồng từ vốn góp của SMBC cùng các quỹ đầu tư nước ngoài. Đợt 2, dự kiến trong tháng 11/2008, tăng thêm 2.975 tỷ đồng từ nguồn thặng dư phát hành cổ phần năm 2007, với hình thức thưởng CP cho cổ đông hiện hữu.
Mới đây, UBCK cũng đã chấp thuận kế hoạch phát hành gần 40,6 triệu CP của ABBANK cho đối tác chiến lược là Maybank.
Tuy nhiên, những NH tăng vốn điều lệ từ kế hoạch phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu, với giá ưu đãi đã gặp phải nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là CPNH mất tính hấp dẫn. Đáng chú ý là những NH vừa và nhỏ, CP sụt giảm mạnh. Hầu hết NH đều cho biết, sẽ triển khai vào cận cuối năm 2008, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành tài chính, nếu tình hình khó khăn kéo dài, nhiều khả năng một số NH sẽ phải tiếp tục trì hoãn.
Siết chặt hơn việc tăng vốn điều lệ
Cuối năm 2007 và đầu năm nay, hầu hết NH đã xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức cao và dự kiến thực hiện sớm trong năm. Sacombank tăng từ 4.449 tỷ đồng lên 6.080 tỷ đồng; ACB tăng 2.630 tỷ đồng lên trên 6.049 tỷ đồng; DongA Bank tăng từ 1.600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Sacombank cho biết, trước mắt chỉ thực hiện kế hoạch chia cổ tức năm 2007 là 15%. Riêng kế hoạch phát hành thêm để tăng vốn trong năm nay phải chờ thời điểm thích hợp, vì thực tế, giá phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu là 15.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá CP của Sacombank trên HOSE chỉ còn trên dưới 26.000 đồng/cổ phiếu thì tính hấp dẫn của giá ưu đãi sẽ giảm.
Nhóm NHCP quy mô vừa và nhỏ cũng đều có dự định nâng vốn lên khoảng 1.500 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng. HDBank, Pacific Bank, VietA Bank… có kế hoạch tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng trong năm 2008.
Theo lý giải của nhiều NH, việc tăng vốn điều lệ trong năm nay là nhằm đáp ứng lộ trình tăng vốn theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 quy định các NH phải đạt 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay và 3.000 tỷ đồng trong năm 2010. Nhưng trong lúc này, các NH không thể triển khai vì những yếu tố trên. Điều này càng lộ rõ động cơ tăng vốn điều lệ của nhiều NH trong năm trước cũng như kế hoạch năm nay không nằm ngoài mục tiêu tranh thủ cơ hội giá cổ phiếu tăng, phát hành để thu hút nguồn vốn lớn. Trong khi, kế hoạch sử dụng vốn năm nay khó có thể đem lại hiệu quả cao.
Chính điều này đã buộc NHNN phải lên tiếng cảnh báo, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn việc tăng vốn điều lệ của các NHCP. Mới đây, NHNN đã có Quyết định 20/2008/QĐ - NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của NHCP. Theo đó, việc thay đổi mức vốn điều lệ của NHCP sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các phương án thay đổi mức vốn điều lệ được ĐHCĐ thông qua phải nêu được nhu cầu của việc thay đổi mức vốn điều lệ.
Theo yêu cầu của NHNN, nếu thay đổi kế hoạch tăng vốn phải thông báo cụ thể về tổng mức vốn điều lệ dự kiến thay đổi; các đợt phát hành trong năm cũng như phương án phát hành cho từng đợt phát hành. Đặc biệt, các NH phải đánh giá hiệu quả kinh doanh dự kiến trên cơ sở vốn điều lệ mới, trong đó nêu rõ các chỉ tiêu dự kiến gồm: mức tăng trưởng, tổng tài sản có, tín dụng, huy động tiền gửi của khách hàng; tiền gửi và vay của các NH bạn; tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NH và tỷ suất lợi nhuận đạt được.
Bên cạnh đó, các NH phải đánh giá khả năng quản trị, điều hành, kiểm soát của HĐQT, ban điều hành và hệ thống kiểm soát nội bộ đối với quy mô vốn, quy mô hoạt động sau khi thay đổi vốn điều lệ. Không như trước, theo quy định mới này, chỉ sau khi có ý kiến của Thống đốc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố mới được có văn bản chấp thuận việc thay đổi mức vốn điều lệ của NH.
đtck
|