Các "đầu tàu" kinh tế đều tăng trưởng cao
Ngày 10.7, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã tổ chức họp báo về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 6 tháng đầu năm 2008.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hiện tại cả nước còn 1.720 DN 100% vốn nhà nước, trong đó có 7 tập đoàn kinh tế, 86 tổng công ty (TCT) và 1.099 công ty độc lập. Sáu tháng đầu năm 2008, 7 tập đoàn, 11 TCT 91, 56 TCT 90 đạt tổng doanh thu 510.811 tỉ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2007. Tổng lợi nhuận trước thuế của các "ông lớn" đạt 76.329 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2007, riêng 7 tập đoàn và 11 TCT 91 có mức tăng mạnh, tăng 73% so với cùng kỳ 2007.
Tuy nhiên vẫn có một số DN kinh doanh thua lỗ như TCT xăng dầu lỗ 900 tỉ đồng, TCT xây dựng miền Trung lỗ 88,5 tỉ đồng, TCT hàng không lỗ 83,5 tỉ đồng. Trong đó có những DN bị lỗ do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không được tăng giá. Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho rằng: "Điều này có thể làm méo mó thị trường nhưng đảm bảo an sinh xã hội. Phải hy sinh cái này để lấy cái khác lớn hơn, mặc dù DN không muốn. Chẳng hạn như điện lỗ nhưng chúng ta lại được lợi ở lĩnh vực khác. Phải nhìn tổng hòa cả nền kinh tế".
Năm 2008, các tập đoàn, TCT cắt giảm, đình hoãn 609 dự án với tổng số vốn lên tới 34.190 tỉ đồng. Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, TCT hàng hải, mỗi đơn vị cắt giảm vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng.
Tạm dừng "khai sinh" một số ngân hàng
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc đầu tư dàn trải của các tập đoàn, TCT. Ông Phạm Viết Muôn cho biết: "Thủ tướng đã chỉ đạo tập đoàn, TCT nào đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán thì phải báo cáo Thủ tướng trước khi triển khai. Nếu Thủ tướng đồng ý mới được thực hiện". Việc Tập đoàn Dầu khí góp vốn để lập Ngân hàng Dầu khí (nay đổi tên thành Ngân hàng Hồng Việt - PV), ông Muôn cho rằng: "Thủ tướng đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí chỉ được tham góp vốn thành lập một ngân hàng. Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí đã góp vốn vào Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank), như vậy không có nghĩa là Tập đoàn Dầu khí không được tiếp tục góp vốn lập Ngân hàng Hồng Việt, nhưng để góp vốn lập ngân hàng mới, Tập đoàn Dầu khí phải thoái vốn tại GP Bank". Theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Lê Quốc Ân: “Vinatex cũng có chủ trương góp vốn với một số DN khác để lập ngân hàng nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi thấy rằng sự ra đời của ngân hàng này là chưa phù hợp”.
Trước những cảnh báo về tình trạng đầu tư dàn trải, vốn huy động trên vốn chủ sở hữu của một số tập đoàn, TCT quá lớn, nguy hiểm cho nền kinh tế mà các chuyên gia Đại học Harvard vừa công bố, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: "Khi kinh doanh, chúng ta có thể kinh doanh bằng vốn chủ sở hữu, có thể kinh doanh bằng vốn vay. Trong điều kiện Nhà nước không cấp thêm vốn điều lệ cho các tập đoàn, TCT thì việc các tập đoàn, TCT vay vốn để kinh doanh là phù hợp. Vấn đề là hiệu quả. Chúng tôi đánh giá, hệ số vốn huy động trên vốn chủ sở hữu là 1,36 lần là không lớn".
Chủ trương thí điểm thuê tổng giám đốc của các tập đoàn, TCT diễn ra rất chậm chạp. Năm 2003 đã có chủ trương thuê thí điểm tổng giám đốc cho các Tập đoàn Vinashin, TCT Vinamotor, TCT xây dựng Sông Hồng, TCT thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera), CT vận tải đa phương thức, TCT thiết bị kỹ thuật điện. Nhưng sau 5 năm, đến nay mới có TCT thiết bị kỹ thuật điện, Vinamotor và CT vận tải đa phương thức thuê được tổng giám đốc.
Cổ phần hóa (CPH) không qua đấu giá
Về tiến trình CPH, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho rằng: "Tiến trình CPH DN đang diễn ra rất chậm, nhưng sự chậm trễ đó lại phù hợp với tình hình kinh tế, vì thị trường chứng khoán đang chững lại, sức mua yếu, trong bối cảnh như vậy thì ta có mang ra bán cũng không ai mua. Thực tế đấu giá lần đầu của TCT rượu bia, nước giải khát Sài Gòn và TCT rượu bia, nước giải khát Hà Nội đã chứng minh điều đó".
Từ đầu năm đến nay, cả nước mới CPH được 30 DN. Theo ông Muôn: "Tới đây sẽ có biện pháp đẩy nhanh hơn tiến trình CPH. Tất nhiên đẩy nhanh hơn ở đây là nhanh hơn so với hiện tại chứ không thể đẩy nhanh hơn so với kế hoạch đã đề ra. Chúng ta có thể CPH nhưng không qua IPO (đấu giá lần đầu ra công chúng) mà chỉ bán cho người lao động và nhà đầu tư khác. Bán được 1%, Nhà nước vẫn giữ 99% vốn thì vẫn chuyển sang mô hình công ty cổ phần được".
Ông Muôn cho rằng: "Điều quan trọng là tạo ra được cơ chế quản trị theo công ty cổ phần ở các DNNN, như vậy các DN sẽ hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn". Ông Muôn thừa nhận, hiện tại hầu hết các DN sau khi CPH vẫn áp dụng mô hình quản trị cũ của DNNN. Để khắc phục tình trạng này, ông Muôn cho biết: "Khi CPH phải có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới nhanh chóng thay đổi được cách quản trị. Các TCT lớn đang áp dụng hình thức này".
TN
|