Cổ phiếu OTC ngóng theo niêm yết
Hiện đa phần người mua đều có ý định giữ cổ phiếu OTC lâu dài, nếu giá có xuống thì họ cũng không cần cắt lỗ, còn giá lên, họ cũng không sốt sắng bán đi kiếm lời như trước.
Những thông tin về việc sàn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết của TTGDCK Hà Nội chuẩn bị đi vào hoạt động vẫn chưa có tác động đáng kể đến thị trường cổ phiếu chưa niêm yết hiện đang được giao dịch theo hình thức mua bán trao tay (quen gọi là thị trường OTC) qua hệ thống những người môi giới tự do (còn gọi là "cò").
Trong hai tuần qua, khi VN-Index liên tục tăng điểm, giá cổ phiếu chưa niêm yết cũng nhúc nhích tăng theo. Nhìn chung, giá và khối lượng hỏi mua cổ phiếu OTC đã tăng lên, nhưng chủ yếu đối với những cổ phiếu quen thuộc như MB, Đông Á, Hoàng Anh Gia Lai, Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC… Và diễn biến giá khá giằng co khi ngóng theo thị trường niêm yết. Chỉ cần thị trường niêm yết có dấu hiệu đảo chiều là giá cổ phiếu OTC đã đảo trước. Eximbank đã tăng lên tới 25.000 đồng/CP vào ngày thứ Năm tuần trước, đến thứ Hai đầu tuần này giảm còn 23.300 đồng/CP khi thị trường niêm yết giảm. VCB 2 tuần trước có giá 30.000 đồng/CP, sau đó tăng lên 37.000 đồng/CP, tụt xuống 30.000 đồng/CP, rồi lên đỉnh 45.000 đồng/CP trong tuần trước, đầu tuần này giảm xuống còn hơn 40.000 đồng/CP. Theo nhận định của các môi giới OTC, diễn biến giá của thị trường OTC sẽ tiếp tục phản ánh đón đầu xu hướng thị trường niêm yết.
Dư luận cho rằng, sự tăng giá trên thị trường cổ phiếu OTC có sự góp tay của "cò". Tuy nhiên, một môi giới tự do trên đường Nguyễn Công Trứ, Quận 1, TP. HCM cho biết, việc "làm giá" chỉ là một phần nhỏ, chủ yếu là do nhu cầu trên thị trường. Thực tế, giá chỉ tăng ở một số cổ phiếu có tính thanh khoản cao, còn các cổ phiếu khác vẫn không có giao dịch. Vì thế, với những loại cổ phiếu được giao dịch thường xuyên, người mua - người bán thường nắm chắc giá và khá chuyên nghiệp trong mua bán bằng việc liên hệ với nhiều "cò" để tìm được giá chuẩn. Tự bản thân người môi giới tự do thấy nhu cầu tăng mà làm giá cũng khó. Chỉ có thể ăn chênh lệch một vài "lai" trong giới hạn mà người mua biết, chứ không thể ăn chênh lệch về giá như trước kia. Ví dụ, mua 20 bán 20.2, chứ không thể bán 21.
Đáng lưu ý, một vài môi giới thực hiện "mua bán khống" trên thị trường cổ phiếu tự do như thời kỳ cổ phiếu giảm giá kéo dài đã bị hớ to. Hai tháng trước, khi xu thế thị trường liên tục đi xuống, một số "cò" đã mua bán khống bằng cách chốt lệnh bán chiều hôm nay cho khách muốn mua, nhưng đến ngày mai mới thực hiện giao dịch bằng cách tìm nguồn hàng rẻ để bán. Khi thị trường đi xuống thì chênh lệch giá giữa ngày hôm trước và hôm sau có khi được một, hai giá.
Hai tuần trước, trong xu thế đi lên của thị trường cổ phiếu niêm yết, nhiều người dự đoán rằng, thị trường sẽ quay đầu chỉ sau ba, bốn phiên tăng trần. Trên thị trường OTC, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng thường trông theo xu hướng của cổ phiếu Sacombank niêm yết, vì thế cũng sẽ đảo chiều theo. Dự đoán như vậy nên có môi giới cũng thực hiện bán khống ngày hôm nay, khi cổ phiếu OTC lên theo thị trường niêm yết, để ngày mai thị trường niêm yết quay đầu sẽ dìm giá xuống mua vào, thực hiện giao dịch cho khách. Tuy nhiên, thị trường niêm yết tăng kịch trần một lèo suốt hai tuần khiến các "cò" không thể lướt sóng. Có người chốt cổ phiếu Đầu tư Phát triển Xây dựng DIC giá 23.000 đồng/CP, ngày hôm sau đã phải mua giá 27.000 đồng/CP để trả cho khách.
Dân môi giới tự do hiện không dám áp dụng "bài" bán khống. Mặt khác, theo môi giới OTC của CTCK Việt Quốc, đa phần người mua là những người có ý định giữ cổ phiếu OTC lâu dài. Nếu giá có xuống thì họ cũng không cần cắt lỗ, còn giá lên, họ cũng không sốt sắng bán đi kiếm lời như trước.
Theo một số CTCK, do rủi ro về tính thanh khoản và xu thế của TTCK vẫn chưa rõ ràng, nhà đầu tư chưa nên mua vào cổ phiếu OTC, tránh những đợt tăng giá bất ngờ chỉ trong một ngày, nhưng cũng không nên bán đi cổ phiếu đang nắm giữ vì có khả năng bán ở đáy của thị trường.
đtck
|