Thứ Tư, 09/07/2008 10:19

IPO: Khởi động không thuận lợi

Trong hai quý đầu năm 2008, hoạt động bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các DN rất trầm lắng do TTCK sụt giảm liên tục. Sự sôi động gần đây đã tạo hy vọng về sự hồi phục của thị trường, tạo điều kiện cho hoạt động IPO của các DN.

IPO bị lãng quên

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động đấu giá cổ phần lần đầu của các DN dường như không được "xuôi chèo mát mái" do sự sụt giảm liên tục của thị trường niêm yết. Ngoài hai cuộc đấu giá lớn của hai TCty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn và HN hồi đầu năm, thời gian qua không có đợt IPO của một DN lớn nào. Điểm lại kết quả của hầu hết các đợt IPO từ DN nhỏ tới các đại gia cũng đều có kết quả không được như ý.

Đã có không ít DN phải tổ chức đấu giá lần hai hoặc bán tiếp dưới hình thức thỏa thuận như Cty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nhà máy cơ khí 120, Cty TNHH Nhà nước 1 thành viên Nhựa Hà Nội, Cty Tư vấn Xây dựng Thuỷ lợi VN...

Do kết quả IPO không như ý, "đại gia" TCty Bia-Rượu-Nước giải khát HN (Habeco) cũng phải tiến hành bán tiếp cổ phần từ đợt đấu giá lần đầu. Việc bán lượng cổ phần "ế" này cho phía Cartberg với giá 50.000 đồng/cổ phần, tới nay cũng chưa có thông tin rõ ràng.

Và dường như sự quan tâm của giới đầu tư cũng giảm sút rất nhiều bởi không mấy NĐT thiết tha với đấu giá cổ phần trong thời điểm CK liên tục mất giá. Và cũng từ sau đợt IPO của Habeco cuối tháng 3.2008 tới nay, hoạt động IPO các DN dường như đã bị lãng quên. Rất nhiều NĐT khi được hỏi tới việc tham gia đấu giá đều lắc đầu tỏ ra ngán ngẩm.

Theo giải thích của những NĐT này, giá CP trên sàn niêm yết và ngay cả thị trường OTC cũng đang rất rẻ. Vốn nhàn rỗi nếu có cũng sẽ được ưu tiên cho các CP trên hai thị trường này trước khi NĐT nghĩ tới việc tham gia đấu giá.

Khởi động không thuận lợi

Theo thông tin từ HoSE và HaSTC, mở đầu cho hoạt động IPO nửa cuối năm nay, ngay trong tháng 7 này sẽ có 2 Cty tiến hành IPO, đó là Cty Đầu tư xây dựng 3-2 và Nhà máy sản xuất lắp ráp và đóng mới ôtô bus (Trabus).

Theo đó, ngày 14.7, HoSE sẽ tiến hành tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng Cty Đầu tư xây dựng 3-2. HoSE cho biết, số lượng cổ phần đưa ra đấu giá của Cty này là 5.634.500 cổ phần (mệnh giá 10.000đ/cổ phần). Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần là 10.200 đồng. Sau đó 10 ngày (ngày 24.7), HaSTC cũng sẽ tiến hành bán đấu giá 1.921.900 cổ phần (mệnh giá 10.000đ/cổ phần) của Trabus với giá khởi điểm bằng mệnh giá.

Trong số hai DN này, Cty Đầu tư xây dựng 3-2 vừa có thông tin đăng ký tham gia đấu giá của NĐT. Thông báo cho thấy, chỉ có 7 NĐT tham gia đấu giá, trong đó có 6 cá nhân và 1 NĐT tổ chức với tổng khối lượng đặt mua là 98.100 CP, bằng 1,7% tổng số lượng đưa ra đấu giá. Khối lượng đăng ký có thể nói là thấp mặc dù giá trị tính theo mệnh giá của lượng cổ phần mang ra đấu giá lần đầu này chỉ bằng 0,5% VĐL.

Mặc dù ngày 14.7 mới có thể biết chính xác kết quả của phiên đấu giá nhưng có thể đoán trước một kết cục không mấy sáng sủa trong đợt đấu giá lần này của Cty Đầu tư Xây dựng 3-2. Và ban CPH của Cty này rất có thể sẽ phải nghĩ tới việc bán tiếp cổ phần theo hình thức phổ biến trước đó là đấu giá lần 2 hoặc theo hình thức thỏa thuận.

Sự khởi động cho hoạt động IPO trong nửa sau của năm 2008 có vẻ không được suôn sẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo lộ trình CPH nhiều DN vẫn phải tiến hành mặc dù thời điểm này vẫn chưa thuận lợi. Một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều DN vẫn phải tiến hành IPO, đó là do thiếu vốn sản xuất, đặc biệt trong thời gian từ đầu quý II/2008 trở lại đây khi nguồn vốn trở nên khan hiếm.

Lãnh đạo ngành điện lực mới đây đã cho biết, trong thời gian tới của nửa cuối năm 2008, TCty Điện lực VN (EVN) sẽ phải tiến hành bán bớt cổ phần của tập đoàn tại một số DN trong ngành nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động. 6 tháng đầu năm, EVN có tới 14 dự án thủy và nhiệt điện đang thi công nhưng không thể giải ngân tiếp, 5 dự án nguồn điện và nhiều dự án lưới điện từ 220-500kV chưa thu xếp được vốn.

Hiện, EVN đang cần hơn 11.800 tỉ đồng cho các dự án này. Việc đàm phán với 4 NHTM NN lớn để giải ngân các hợp đồng đã ký cũng chưa rõ ràng trong khi lãi suất mà các NH này yêu cầu nhiều khả năng sẽ phải tăng thêm. Do đó, về lâu dài để giải quyết vấn đề vốn, EVN cũng phải tiến hành CPH cả tập đoàn mà Chính phủ đã có chỉ đạo ngay từ đầu năm 2007.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI), thông qua cổ phần hóa, Chính phủ sẽ thực hiện các cam kết với quốc tế về việc xúc tiến cải tổ nền kinh tế. Xét về khía cạnh này, VN không nên dừng hoàn toàn quá trình CPH, thậm chí là cần tiếp tục thực hiện. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp một số khó khăn nhất định, Chính phủ VN cần suy xét, tính toán chắc chắn loại DN nào và lĩnh vực nào nên tiếp tục CPH.

Hiện, TTCK chưa có dấu hiệu chắc chắn của sự tăng trưởng trở lại khiến hoạt động IPO của nhiều DN gặp khó khăn hoặc phải lùi thời điểm tiến hành so với lộ trình. Tuy nhiên, thời điểm này cũng tạo điều kiện cho các DN này chuẩn bị chu đáo cho quá trình CPH để đến thời điểm thuận lợi có thể tiến hành IPO một cách tốt nhất.

Các tin tức khác

>   Gtel Mobile mang lại cho người sử dụng điện thoại di động cơ hội lựa chọn mới (09/07/2008)

>   CTCP Chế biến Hàng Xuất Khẩu Cầu Tre: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2007 (08/07/2008)

>   Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư M&A tại Việt Nam (08/07/2008)

>   Xoay xở để... vượt khó (08/07/2008)

>   Thời chung cư giá rẻ (08/07/2008)

>   Sàn giao dịch OTC đã sẵn sàng (08/07/2008)

>   Chờ đợi sân chơi cho cổ phiếu OTC (07/07/2008)

>   Thông tin đăng ký đấu giá cổ phần Cty Đầu tư Xây dựng 3/2 (07/07/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên của CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (07/07/2008)

>   Thêm một công trình thủy điện tại A Lưới (Thừa Thiên - Huế) (07/07/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật